Theo đó, dựa trên báo cáo định kỳ, đột xuất về tai nạn giao thông xảy ra trên quốc lộ, đường cao tốc của các Khu Quản lý đường bộ, các Sở Giao thông thông vận tải, các đơn vị BOT, ông Nguyễn Xuân Cường - Cục trưởng Cục Đường bộ Việt Nam cho biết, tiêu chí tai nạn giao thông đường bộ trên một số quốc lộ, cao tốc vẫn gia tăng, có tuyến đường, có thời gian 2 hoặc cá biệt cả 3 tiêu chí đều tăng.

Nhằm giảm thiểu tai nạn giao thông, các nguy cơ mất an toàn giao thông, Cục Đường bộ Việt Nam đề nghị các Khu quản lý đường bộ, Sở Giao thông Vận tải, các nhà đầu tư, doanh nghiệp dự án xây dựng, kinh doanh khai thác đường quốc lộ, cao tốc chỉ đạo, đôn đốc các đơn vị trực thuộc tăng cường rà soát, phát hiện các tồn tại, bất cập, các điểm tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn giao thông, điểm đen tai nạn giao thông, điểm bất hợp lý về tổ chức giao thông ảnh hưởng đến trật tự an toàn giao thông.

“Những đơn vị nêu trên chỉ đạo các nhà thầu thực hiện các dự án khắc phục điểm đen, điểm tiềm ẩn tai nạn giao thông để đảm bảo hoàn thành dự án đúng tiến độ, đảm bảo chất lượng công trình; quan tâm nghiên cứu ứng dụng triển khai các giải pháp khoa học kỹ thuật, các giải pháp kỹ thuật hợp lý, hiệu quả khắc phục các yếu tố là nguyên nhân tiềm ẩn, nguyên nhân dẫn đến tai nạn giao thông, nhất là tại các vị trí đã xảy ra tai nạn giao thông; nâng cao chất lượng đề xuất chương trình, dự án trong kế hoạch bảo trì hàng năm, hạn chế bị động khi xảy ra tai nạn giao thông mới đề xuất dự án sửa chữa đột xuất” - ông Cường lưu ý.

Tai nạn giao thông trên một số đường Quốc lộ, cao tốc vẫn gia tăng
Hiện trường một vụ tai nạn.

Trong báo cáo vụ tai nạn giao thông có so với cùng kỳ trước, Cục Đường bộ Việt Nam cũng đề nghị cần cung cấp làm rõ thông tin hiện trạng kết cấu hạ tầng giao thông, tổ chức giao thông đoạn tuyến; phân tích, nhận xét, đánh giá sơ bộ nguyên nhân ban đầu theo quy định và kiến nghị.

Đối với những tồn tại hạn chế về hạ tầng, tồn tại về tổ chức giao thông thuộc trách nhiệm của cơ quan quản lý đường bộ, nhà đầu tư, nhà thầu quản lý bảo dưỡng công trình đường bộ thì cần xử lý.

Với các tồn tại về trật tự, an toàn giao thông liên quan đến vi phạm của tổ chức, cá nhân sử dụng trái phép lòng, lề đường, vỉa hè, hành lang an toàn đường bộ, các Khu quản lý đường bộ, Sở Giao thông Vận tải (kể cả các dự án BOT) phải kiên quyết xử lý; phải có văn bản kiến nghị Ủy ban Nhân dân cấp huyện trên địa bàn cưỡng chế đối với đối tượng vi phạm không chịu tháo dỡ công trình vi phạm.

Cục Đường bộ Việt Nam đề nghị các đơn vị tăng cường công tác kiểm tra, tuần đường, tuần tra phát hiện các sự cố kịp thời, khắc phục ngay các tồn tại về tổ chức giao thông, kết cấu hạ tầng giao thông, nâng cao điều kiện an toàn giao thông, góp phần làm giảm thiểu tai nạn giao thông;

Cùng với đó, Khu quản lý đường bộ, Sở Giao thông Vận tải, nhà thầu thực hiện tốt công tác duy tu bảo dưỡng thường xuyên, vệ sinh mặt đường, lề đường, phát quang, cắt tỉa cành cây ảnh hưởng đến tầm nhìn để đảm bảo an toàn giao thông; đôn đốc xử lý kịp thời các hư hỏng gây mất an toàn giao thông như hư hỏng mặt đường (ổ gà, bong tróc, chồi lún, sình lún,...), vạch sơn kẻ đường, gờ giảm tốc, biển báo, cột tiêu, hệ thống đèn tín hiệu… để đảm bảo an toàn giao thông bằng nguồn vốn bảo dưỡng thường xuyên và hoàn toàn chịu trách nhiệm nếu để xảy ra trường hợp mất an toàn giao thông theo quy định của pháp luật./.