Ông Lý Quang Diệu, cựu Thủ tướng, người cha lập quốc của Singgapore qua đời trong lúc quốc đảo Sư tử đang chuẩn bị kỷ niệm 50 năm ngày độc lập (9/8/2015) là một mất mát vô cùng to lớn đối với người dân nước này.

Ông là một người có công biến Singapore từ một làng chài tiêu điều trở thành một đất nước tươi đẹp và giàu mạnh như ngày nay. "Ông đã để lại cho người dân Sinhgapore di sản to lớn: Một đất nước độc lập, an toàn, an ninh, hòa thuận và thịnh vượng" như lời cựu Thủ tướng Singapore Goh Chok Tong đã nói.

Ly quang dieu toi viet nam

Ông Lý Quang Diệu trong một lần làm việc với cổ Thủ tướng Võ Văn Kiệt. Ảnh: Tuổi trẻ

Không những nhân dân Singapore mà nhiều nhà lãnh đạo các nước trên thế giới trong đó có Việt Nam cũng dành những lời thành kính và tiếc thương sâu sắc trước sự ra đi của ông Lý Quang Diệu - một trong những chính khách danh tiếng bậc nhất thời hiện đại. Và cũng không chỉ nhân dân Singapore, mà rất nhiều người dân Việt Nam cũng kính trọng và khâm phục nhà lãnh đạo kiệt xuất này.

Tại sao Lý Quang Diệu được người dân Việt Nam ngưỡng mộ?

Ông Lý Quang Diệu chính thức thăm Việt Nam lần đầu tiên vào tháng 4/1992 theo lời mời của cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt. Lúc đó ông Lý Quang Diệu không còn là Thủ tướng, nhưng vẫn giữ vai trò quan trọng nhất trong hậu trường chính trị Singaprore. Ông đã đem đến Việt Nam rất nhiều suy nghĩ mới mẻ.

Không rào đón nhiều ngôn ngữ ngoại giao, ông phát biểu rất cụ thể, đi thẳng vào những kinh nghiệm của chính quốc gia nhỏ bé về địa lý, nhưng không hề nhỏ bé về kinh tế của mình. Hàng loạt vấn đề xung quanh nội dung trọng tâm như xây dựng chính quyền vững mạnh, trong sạch, nói không với tham nhũng; trọng dụng nhân tài; phát huy sức dân, làm những việc cụ thể có lợi cho dân...

Đất nước Singapore đã tổ chức những cuộc vận động tưởng như nhỏ bé như: "Đừng nhai kẹo cao su", "Không ném rác bừa bãi", "Nói tốt tiếng Anh", "Hãy mỉm cười", "Hãy làm những việc tử tế"... chính là nỗ lực làm thay đổi thói quen của người dân. Ông Lý Quang Diệu cho rằng, sự hiệu quả, ổn định, liêm chính và tôn trọng pháp luật là những yếu tố làm nên "thương hiệu" của Singapore.

Sau lần đó, ông còn nhiều lần trở lại Việt Nam liên tiếp vào các năm 1993, 1995, 1997 và lần cuối cùng vào tháng 2/2007 để tiếp tục thảo luận về con đường phát triển kinh tế của Việt Nam cũng như sự hợp tác giữa hai quốc gia.

Có lần tự ông đã tìm hiểu tường tận cả những vướng mắc của doanh nghiệp Singapore tại Việt Nam và đề nghị được giải quyết thuận lợi...

Cũng trong chuyến thăm cuối cùng vào năm 2007 đó, ông Lý Quang Diệu một lần nữa chia sẻ kinh nghiệm và đường hướng giúp Việt Nam phát triển như trọng dụng nhân tài, xây dựng bộ máy chính quyền công khai, minh bạch, chống tham nhũng, đặc biệt đầu tư cho giáo dục.

Ông khẳng định: "Chúng ta luôn giáo dục để thừa chứ không phải để thiếu. Nếu tính toán đào tạo đủ, chúng ta sẽ không thể cung cấp đủ nhu cầu của thị trường. Nếu thắng trong cuộc đua này, sẽ thắng trong phát triển kinh tế. Và Việt Nam sẽ thắng!".

Gia đình là thành quả lớn nhất của Lý Quang Diệu

Với Lý Quang Diệu, gia đình chính là thành quả lớn nhất của đời ông. Trong một cuộc trả lời phỏng vấn, ông từng nói: "Tôi có một gia đình tốt, hạnh phúc. Tôi có một cuộc hôn nhân hạnh phúc. Tôi có ba đứa con mà tôi rất tự hào. Tôi chẳng có thể đòi hỏi gì hơn". Người con cả của ông là đương kim Thủ tướng Singapore Lý Hiển Long (sinh năm 1952) cũng là một chính khách nổi tiếng hiện nay.

Lý Quang Diệu còn là một người chồng mẫu mực, thủy chung. Ông cưới bà Kha Ngọc Chi khi hai người cùng du học tại Anh năm 1947 mà không cho gia đình biết (trước đó tình yêu của họ đã bị hai bên gia đình ngăn cản). Năm 1950 họ cưới lại một cách trọng thể tại Singapore. Giới truyền thông Singapore mô tả bà Kha Ngọc Chi là một người phụ nữ giản dị, không tìm kiếm danh vọng và giàu có mà luôn sống thu mình.

Do vậy, mọi người không biết nhiều về bà. Chỉ đến khi đọc hồi ký của ông Lý Quang Diệu và cô con gái Lý Vỹ Linh, người ta mới hiểu tài năng và vai trò của bà trong đời Lý Quang Diệu. Lý Vỹ Linh kể: "Cha mẹ tôi không yêu nhau từ cái nhìn đầu tiên, nhưng họ dành tình yêu cho nhau cả đời. Đó là một tình yêu vô điều kiện".

Năm 2010, bà Kha Ngọc Chi qua đời ở tuổi 89. Lý Quang Diệu lúc này 87 tuổi đã không kìm được nước mắt bên linh cữu vợ và trao cho bà nụ hôn gió cuối cùng. Bài điếu văn mà ông viết cho vợ như một thước phim quay chậm về cuộc đời của ông, đằng sau sự thành công của ông là bóng dáng của bà.

Lý Quang Diệu đã viết: "Bà là người bạn thân thiết nhất đối với tôi, là sức mạnh của tôi trong suốt 3/4 chặng đường chúng ta bên nhau. Không ai có thể hiểu tôi và có thể cùng tôi chia sẻ cuộc đời này như những gì bà đã làm...", "Chúng ta đã có 63 năm bên nhau đầy ắp kỷ niệm. Không có bà, tôi sẽ là một con người khác, với một cuộc sống khác. Bà đã dành trọn cuộc đời cho tôi và cho các con. Bà đã ở bên tôi mỗi khi tôi cần. Bà đã sống trọn cuộc đời tràn đầy sự ấm áp và có ý nghĩa...".

Cũng như người vợ yêu quý của mình, ông Lý Quang Diệu "sống trọn cuộc đời đầy sự ấm áp và có ý nghĩa". Đây cũng là một trong những lý do mà mọi người kính trọng và khâm phục ông./.

Đặng Việt Thủy