Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính thăm Công ty Samsung Electronics Việt Nam

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính thăm Công ty Samsung Electronics Việt Nam tại Thái Nguyên, ngày 3/9/2021.

Hành động ngay bây giờ

Hai tuần đầu tháng 9, tới tấp các kiến nghị từ cộng đồng doanh nghiệp gửi đến Thủ tướng. 4 hiệp hội doanh nghiệp nước ngoài gồm Hiệp hội Thương mại Hoa Kỳ tại Việt Nam (AmCham Việt Nam), Hội đồng Kinh doanh Hoa Kỳ-ASEAN, Hiệp hội Doanh nghiệp châu Âu tại Việt Nam (EuroCham) và Hiệp hội Doanh nghiệp Hàn Quốc tại Việt Nam (KoCham) đồng loạt nhận định rằng điều quan trọng là Việt Nam phải hành động ngay bây giờ để duy trì khả năng cạnh tranh trong khu vực và toàn cầu, đồng thời không bị tụt hậu trong quá trình phục hồi kinh tế. Doanh nghiệp cần có lộ trình rõ ràng cho việc mở cửa trở lại ngay từ bây giờ.

Chủ động ứng phó mọi tình huống


Tại cuộc họp Bộ Chính trị ngày 17/9/2021, Bộ Chính trị yêu cầu Chính phủ chủ động các phương án phòng, chống dịch phù hợp và tổ chức thực hiện hiệu quả Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế, chủ động thích nghi, ứng phó với mọi tình huống, bắt kịp và tranh thủ cơ hội từ xu hướng phục hồi nhanh của các nền kinh tế lớn; hỗ trợ tạo việc làm, chuyển dịch cơ cấu lao động và nâng cao thu nhập, đời sống cho người lao động.

Bộ Chính trị đề nghị, tuyệt đối không chủ quan, lơ là, mất cảnh giác; tiếp tục nghiên cứu tổng kết thực tiễn, bổ sung, hoàn thiện và thực hiện hiệu quả các biện pháp phòng, chống dịch, ưu tiên bảo đảm nguồn vắc-xin, thuốc; quyết liệt phòng, chống dịch Covid-19, bảo vệ sức khoẻ, tính mạng của người dân là trên hết, trước hết; bám sát tình hình, chủ động xây dựng kịch bản, giải pháp phù hợp, khả thi thích ứng với bối cảnh dịch bệnh có thể kéo dài.

Nhấn mạnh: "Việt Nam đang bỏ lỡ những cơ hội đầu tư có thể không quay trở lại", các hiệp hội doanh nghiệp nước ngoài khuyến cáo đầu tư sẽ không tăng nếu không có kế hoạch rõ ràng để tái mở cửa và phục hồi, khi các kế hoạch đầu tư đang bị trì hoãn, do những bất ổn hiện tại. Các nhà đầu tư tiềm năng mới không thể đến nếu không có các chính sách hợp lý cho việc nhập cảnh của người nước ngoài.

Lãnh đạo của 14 hiệp hội ngành hàng lớn nhất trong nước cũng có hàng loạt kiến nghị, nêu rõ quan điểm không thể tiếp tục kéo dài giãn cách, phong tỏa diện rộng và nêu lên các thực trạng doanh nghiệp đối mặt nguy cơ phá sản, chuỗi cung ứng trong nước và quốc tế bị đứt gãy; nông dân, ngư dân không tiêu thụ được sản phẩm; nguy cơ thiếu hụt lương thực vào cuối năm…

Theo tổng hợp của Bộ Kế hoạch và đầu tư thì có 8 nhóm vấn đề mà doanh nghiệp đang phải đối diện: 1. Tổng cầu giảm mạnh khiến các đơn hàng, hợp đồng, sản lượng đều sụt giảm, trung bình nhu cầu trong các ngành giảm 40-50%; 2. Doanh thu giảm mạnh; 3. Dòng tiền vào bị thiếu hụt nghiêm trọng; 4. Chi phí đầu vào, chi phí vận chuyển ngày một tăng cao, chi phí vận chuyển logistics tăng 2-4 lần, có thời điểm lên đến 5 lần so với trước khi có dịch; 5. Chuỗi cung ứng sản xuất, tiêu dùng và xuất khẩu bị gián đoạn, đình trệ cục bộ; 6. Lưu thông hàng hóa gặp khó khăn, kể cả lưu thông trong nước giữa một số tỉnh, thành phố do áp dụng các chính sách phòng, chống dịch bệnh chưa hợp lý; 7. Khó khăn về lao động và nhập cảnh cho chuyên gia; 8. Khó khăn về tiếp cận các chính sách hỗ trợ của Nhà nước.

Tạo các điều kiện tốt nhất

Từ đầu tháng 8, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã chủ trì Hội nghị trực tuyến toàn quốc của Chính phủ với các doanh nhân, đại diện doanh nghiệp, các hiệp hội doanh nghiệp. Thủ tướng bày tỏ Chính phủ thấu hiểu, chia sẻ, cảm thông những khó khăn chồng chất khó khăn của các doanh nghiệp trong thời gian vừa qua. Chính vì vậy, trong khả năng của mình, Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương đã rất cố gắng tạo điều kiện tốt nhất hỗ trợ các doanh nghiệp về cơ chế chính sách để duy trì, phục hồi và phát triển sản xuất.

Thủ tướng đã nêu rõ yêu cầu với tất cả các bộ, ngành đều phải khẩn cấp thực hiện các chuỗi giải pháp khôi phục lại mọi hoạt động của nền kinh tế. Như chỉ riêng đối với lĩnh vực nông nghiệp, đã có ít nhất 5 bộ phải làm ngay những công việc sau theo yêu cầu của Thủ tướng. Đó là, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chỉ đạo các địa phương triển khai đồng bộ các giải pháp bảo đảm không đứt gãy chuỗi sản xuất nông nghiệp; chủ trì, phối hợp với Bộ Ngoại giao, Bộ Công thương thúc đẩy mở cửa thị trường xuất khẩu nông sản chính ngạch sang Trung Quốc; chủ trì, phối hợp với Bộ Tài chính trình Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ chính sách hỗ trợ giống (cây trồng, vật nuôi, thủy sản) cho nông dân để khôi phục sản xuất tại các địa phương thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16/CT-TTg; Bộ Công thương hướng dẫn các địa phương đã kiểm soát dịch bệnh mở lại chợ truyền thống, chợ đầu mối.

Bộ Giao thông vận tải chỉ đạo các cơ quan liên quan bảo đảm hệ thống giao thông vận tải thông suốt trên toàn quốc, tạo điều kiện thuận lợi nhất cho việc vận chuyển nông sản, vật tư đầu vào phục vụ sản xuất nông nghiệp và tiêu thụ, xuất khẩu nông sản; tuyệt đối không để ách tắc, các địa phương không được ban hành các giấy phép con. Bộ Tài chính chỉ đạo cơ quan hải quan tại cửa khẩu làm thủ tục và thông quan nhanh chóng đối với các mặt hàng qua các cửa khẩu, đặc biệt là các cửa khẩu đường bộ qua biên giới phía bắc, ưu tiên về thủ tục hải quan, kiểm tra giám sát hải quan đối với nông sản vào thời điểm thu hoạch chính vụ; tăng thời gian làm việc, đẩy mạnh thông quan điện tử, tạo thuận lợi trong việc thông quan đối với nông sản xuất khẩu chính ngạch sang Trung Quốc…

Chính phủ cũng đề nghị các bí thư tỉnh ủy, thành ủy; yêu cầu các chủ tịch ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương khuyến khích, hỗ trợ tối đa các doanh nghiệp duy trì hoạt động sản xuất, kinh doanh trên địa bàn theo nguyên tắc sản xuất phải an toàn, an toàn mới sản xuất.

Nắm chặt tay nhau, đẩy lùi sóng dữ


Thư gửi đồng bào cử tri TP. Hồ Chí Minh ngày 16/9/2021, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc viết “TP. Hồ Chí Minh chống dịch thành công cũng tạo nền móng thành công cho cả nước”. Ông kêu gọi tiếp tục nêu cao tinh thần đoàn kết gắn bó keo sơn giữa chính quyền với Nhân dân, bởi gia tài lớn nhất của chính quyền là niềm tin của Nhân dân.

“Chúng ta đã đoàn kết, nắm chặt tay nhau cùng nhau đẩy lùi những làn sóng tấn công của đại dịch, trong đợt dịch thứ tư nguy hiểm này chúng ta càng phải đoàn kết hơn nữa”- người đứng đầu Nhà nước nhắn nhủ - “chúng ta giữ vững niềm tin ở tinh thần Việt Nam, cùng tin tưởng về một tương lai tươi sáng, nhất định sẽ sớm kiểm soát và đẩy lùi dịch bệnh, mang lại cuộc sống bình an cho Nhân dân”.

TP. Hồ Chí Minh, trung tâm kinh tế lớn nhất cả nước đã phải thực hiện đợt giãn cách xã hội kéo dài nhất trong số các tỉnh, thành cả nước để thực hiện giãn cách xã hội. Lãnh đạo thành phố này nhiều lần bày tỏ mong được nhân dân lượng thứ vì giãn cách xã hội đã gây trở ngại, khó khăn cho đời sống của nhân dân. Sự cầu thị và chân thành của lãnh đạo TP. Hồ Chí Minh đã được hơn 10 triệu người dân, doanh nghiệp nơi đây ghi nhận.

Bởi vậy, ngay khi bản dự thảo chiến lược phục hồi kinh tế của TP. Hồ Chí Minh được đưa ra để lấy ý kiến đã nhận được sự chào đón đầy tích cực. Nhiều người đều cho rằng thời điểm khởi động, phục hồi nền kinh tế của TP. Hồ Chí Minh đã chín muồi, đặc biệt là cơ hội phục hồi nhanh thị trường trong quý IV/2021. “Phải nói rằng, chưa bao giờ tôi đọc một bản kế hoạch chỉn chu và thực tế đến như vậy”, theo bà Lý Kim Chi, Chủ tịch Hội Lương thực - Thực phẩm (FFA) TP.HCM.

Nguyên Mẫn