Tận dụng tốt cơ hội để tiếp tục phát triển bảo hiểm tiền gửi
Bảo hiểm tiền gửi góp phần thúc đẩy quá trình huy động vốn. Ảnh: TL

Quyền hạn được mở rộng

Luật Bảo hiểm tiền gửi (BHTG) năm 2012 trao cho BHTG Việt Nam (VN) một số quyền hạn cơ bản như: cấp và thu hồi chứng nhận tham gia BHTG, tính và thu phí BHTG, thực hiện giám sát, kiểm tra tiền gửi được bảo hiểm tại các tổ chức tham gia BHTG, quản lý và sử dụng nguồn vốn, chi trả tiền bảo hiểm, tham gia vào quá trình kiểm soát đặc biệt đối với những tổ chức tín dụng (TCTD) yếu kém, tham gia vào quá trình thu hồi nợ và thanh lý tài sản.

Gần đây, quyền hạn của BHTGVN ngày càng được mở rộng thông qua việc tham gia sâu hơn vào quá trình tái cơ cấu các TCTD yếu kém nhằm bảo vệ tốt hơn quyền và lợi ích hợp pháp của người gửi tiền.

Cụ thể, theo quy định tại Luật Các TCTD năm 2017 và Thông tư 01/2018/TT-NHNN của Ngân hàng Nhà nước (NHNN) về cho vay đặc biệt đối với TCTD được kiểm soát đặc biệt, BHTGVN được trao thêm một số quyền hạn như: thực hiện cho vay đặc biệt để hỗ trợ thanh khoản khi TCTD có nguy cơ mất khả năng chi trả, đe dọa sự ổn định hệ thống trong thời gian TCTD bị kiểm soát đặc biệt; cho vay đặc biệt đối với TCTD để hỗ trợ thanh khoản khi tổ chức đó nguy cơ mất khả năng chi trả, đe dọa sự ổn định hệ thống trước khi phương án cơ cấu lại được phê duyệt hoặc để hỗ trợ phục hồi theo phương án đã được phê duyệt.

BHTGVN được mua trái phiếu dài hạn của TCTD hỗ trợ dựa trên quyết định của Thống đốc NHNN nhằm tăng cường khả năng tài chính cho TCTD lành mạnh tham gia quản trị, kiểm soát, điều hành, hỗ trợ tài chính và hoạt động của TCTD yếu kém được kiểm soát đặc biệt; tham gia phối hợp với Ban Kiểm soát đặc biệt, Ngân hàng Hợp tác xã để đánh giá tính khả thi của phương án phục hồi quỹ tín dụng nhân dân (QTDND), tổ chức tài chính vi mô, công ty tài chính; tham gia xây dựng phương án phá sản TCTD được kiểm soát đặc biệt trình NHNN xem xét, quyết định.

Hiện tại, BHTGVN là đơn vị cấp chứng nhận tham gia BHTG, thu phí BHTG; theo dõi, giám sát thường xuyên và kiểm tra định kỳ đối với 100% QTDND. Trường hợp các quỹ có vấn đề, BHTGVN sẽ thực hiện giám sát chuyên sâu để theo dõi diễn biến, nắm vững thực trạng và biến động của các loại tiền gửi, nhất là tiền gửi thuộc đối tượng bảo hiểm.

Đặc biệt, BHTGVN còn thường xuyên diễn tập, mô phỏng các kịch bản chi trả khi có đổ vỡ để luôn chủ động, sẵn sàng trong bảo vệ quyền lợi của người gửi tiền.

Luật Các TCTD năm 2017 đã cụ thể hóa các quy định về thẩm quyền trong quá trình tái cơ cấu các TCTD, từ đó nâng cao vị thế của tổ chức BHTG nói riêng, góp phần hoàn thiện cơ sở pháp lý nói chung giúp xây dựng một hệ thống TCTD lành mạnh, phù hợp với thông lệ quốc tế và cơ chế thị trường, bảo đảm quyền lợi của người gửi tiền và giữ vững sự ổn định, an toàn hệ thống.

Cùng với đó, Đề án củng cố và phát triển hệ thống QTDND đến năm 2020, định hướng đến năm 2030 do Thống đốc NHNN ban hành cũng đề ra giải pháp tăng cường vai trò và sự phối hợp của BHTGVN trong việc xử lý, tham gia hỗ trợ các QTDND yếu kém được đặt vào diện kiểm soát đặc biệt.

Năm 2022, Thống đốc NHNN đã ban hành văn bản chỉ đạo BHTGVN sẵn sàng phối hợp với NHNN chi nhánh tỉnh, thành phố để cử nhân sự đáp ứng đủ tiêu chuẩn, điều kiện quy định tại Thông tư 21/2019/TT-NHNN ngày 14/11/2019 sửa đổi bổ sung một số điều của các thông tư quy định về ngân hàng hợp tác xã, QTDND và quỹ bảo đảm an toàn hệ thống QTDND nhằm chỉ định giữ chức danh chủ tịch, giám đốc QTDND được kiểm soát đặc biệt...

Vai trò được nâng cao

Tận dụng tốt cơ hội để tiếp tục phát triển bảo hiểm tiền gửi

Là một định chế tài chính nhà nước có chức năng bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người gửi tiền, góp phần duy trì sự ổn định của hệ thống các TCTD, bảo đảm sự phát triển an toàn, lành mạnh của hoạt động ngân hàng, BHTGVN đã hoạt động tích cực, phát huy vai trò của mình và đã đạt được một số thành tựu nhất định.

BHTGVN giúp củng cố niềm tin người gửi tiền. Trong bối cảnh hội nhập quốc tế ngày sâu rộng, đồng Việt Nam dễ bị ảnh hưởng bởi biến động của các ngoại tệ mạnh. Hiện tại, BHTGVN đang bảo hiểm cho tiền gửi bằng tiền Việt Nam. Đây cũng là một trong những yếu tố góp phần chống đô la hóa, nâng cao niềm tin vào đơn vị tiền tệ quốc gia. Bên cạnh đó, thị trường tài chính vận hành với nhịp độ nhanh, khối lượng lớn, số lượng các ngân hàng sáp nhập, chuyển đổi có thể sẽ gia tăng, khiến cho người gửi tiền có tâm lý lo ngại. Việc BHTGVN bảo vệ cho tiền gửi cá nhân tại các tổ chức tham gia BHTG với một hạn mức hợp lý đã tạo tâm lý yên tâm; góp phần thúc đẩy quá trình huy động vốn, ngăn chặn rút tiền đột biến đe dọa đến an toàn thanh khoản của các ngân hàng.

BHTG góp phần duy trì an toàn hệ thống. Theo đó, BHTG là một công cụ chính sách hữu hiệu của NHNN và của Chính phủ, thông qua các nghiệp vụ về giám sát, kiểm tra hoạt động của các tổ chức tham gia BHTG. BHTGVN phát hiện những dấu hiệu rủi ro, biểu hiện yếu kém, vi phạm quy định về bảo hiểm tiền gửi, an toàn trong hoạt động ngân hàng; từ đó đề xuất, kiến nghị phương án giải quyết phù hợp; hoặc báo cáo NHNN để có những biện pháp xử lý. Những năm gần đây, BHTGVN đã tăng cường hoạt động kiểm tra, giám sát, cảnh báo sớm.

BHTG khích lệ cạnh tranh bình đẳng giữa các TCTD. Trong cuộc chạy đua thị phần khách hàng, thông thường lợi thế cạnh tranh sẽ thuộc về các ngân hàng lớn. Tuy nhiên, với sự hiện diện của chính sách BHTG, khoảng cách đó đã được rút ngắn dần, bởi vai trò của BHTGVN là góp phần đảm bảo an toàn hệ thống chứ không chỉ đối với riêng một TCTD đơn lẻ nào. Chính điều đó tạo ra sự bình đẳng trong cạnh tranh giữa các TCTD.

Bảo vệ khoảng 8 triệu tỷ đồng tiền gửi

Tính đến thời điểm hiện tại, Bảo hiểm tiền gửi Việt Nam (BHTGVN) đang bảo vệ cho khoảng 8 triệu tỷ đồng tiền gửi của người gửi tiền tại 1.280 tổ chức tham gia bảo hiểm. Sau 24 năm hoạt động, BHTGVN đã chi trả cho 39 quỹ tín dụng nhân dân với 1.793 người gửi tiền, tổng số tiền chi trả là gần 27 tỷ đồng. Việc chi trả tiền bảo hiểm kịp thời đã thể hiện vai trò của BHTGVN, tạo lập niềm tin của người dân, góp phần ngăn ngừa ảnh hưởng đổ vỡ dây chuyền trong hệ thống ngân hàng.