Xuất khẩu EU tăng trưởng khả quan nhờ EVFTA

Theo số liệu vừa công bố của Tổng cục Thống kê, trong 10 tháng năm 2021, kim ngạch xuất khẩu sang thị trường châu Âu đạt 31,7 tỷ USD, tăng 8,9% so với cùng kỳ. Đáng chú ý, xuất khẩu sang 6 quốc gia thành viên đã phê chuẩn Hiệp định EVFTA đều đạt mức tăng trưởng cao. Thống kê cho thấy, giá trị hàng hóa tận dụng được ưu đãi từ hiệp định này (được cấp Giấy chứng nhận xuất xứ hàng hóa C/O EUR.1) đạt 5,66 tỉ USD, chiếm 21,9% giá trị xuất khẩu sang EU.

Hiện EU là thị trường xuất khẩu thủy sản lớn thứ tư của Việt Nam, chỉ sau Hoa Kỳ, Nhật Bản và Trung Quốc, chiếm gần 12% trong tổng kim ngạch xuất khẩu thủy sản. Đây là một trong những ngành hàng xuất khẩu chủ đạo sang EU, với những cam kết cắt giảm thuế quan khá sâu ngay sau khi EVFTA có hiệu lực. Đánh giá của Hiệp hội chế biến và xuất khẩu thủy sản Việt Nam (Vasep) cho thấy, từ khi EVFTA được thực thi, nhiều nhóm sản phẩm tiềm năng cao như tôm, cá ngừ đạt được những lợi thế cạnh tranh rất lớn và ngày càng được nâng cao giá trị gia tăng, đáp ứng các yêu cầu khắt khe của phía thị trường EU như yêu cầu về IUU...để thâm nhập sâu hơn vào thị trường này.

Đơn cử đối với mặt hàng tiềm năng là tôm với mức thuế nhập khẩu ưu đãi theo EVFTA được cắt giảm ngay, hoặc theo lộ trình 3, 5 năm, còn tôm chế biến theo lộ trình 7 năm. Theo thống kê cho thấy, tính đến hết tháng 9, xuất khẩu tôm sang thị trường EU đạt gần 408 triệu USD, tăng 10% so với cùng kỳ. Một trong những thị trường nhập khẩu chính trong khối là Đức tăng trưởng mạnh tới 22%.

Dự báo, trong 2 tháng cuối năm 2021, các mặt hàng thủy sản như tôm, cá ngừ, nhuyễn thể, ghêu, sò, bạch tuộc, mực...tiếp tục được đòn bẩy EVFTA tạo điều kiện gia tăng kim ngạch xuất khẩu sang EU.

Tăng tốc xuất khẩu vào châu Âu nhờ đòn bẩy EVFTA
Xuất khẩu vào châu Âu ghi nhận mức tăng trưởng khả quan. Ảnh: TL

Như vậy là hơn một năm thực thi EVFTA, trao đổi thương mại song phương Việt Nam - EU đã có những tăng trưởng tích cực về kim ngạch. Đặc biệt, chất lượng và giá trị cũng như cơ cấu xuất khẩu vào thị trường này đã được cải thiện. Theo Cục xuất nhập khẩu (Bộ Công thương), nhờ sự hỗ trợ của các bộ, ngành và sự chủ động thích ứng, đáp ứng và tận dụng cơ hội từ EVFTA của doanh nghiệp xuất khẩu chính là chìa khóa để bước vào và chiếm lĩnh thị trường châu Âu.

Nhiều công cụ hỗ trợ doanh nghiệp

Phó Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công thương) Trần Thanh Hải chia sẻ, đến thời điểm hiện tại, nhu cầu tiêu dùng của khu vực thị trường này đang gia tăng cao, trong khi nguồn cung hàng hoá lại hạn chế. Đây là cơ hội "vàng" để doanh nghiệp Việt tận dụng nhằm đẩy nhanh hồi phục sản xuất, tăng trưởng xuất khẩu trong thời gian tới.

Song, EU không phải là thị trường dễ tính nên để chinh phục thành công buộc doanh nghiệp Việt phải nỗ lực nâng cấp không ngừng. Bên cạnh việc chủ động tìm hiểu, cập nhật những thay đổi trong chính sách thương mại của EU giai đoạn hậu đại dịch; tuân thủ một cách bài bản các quy định, tiêu chí thì chất lượng hàng hóa cần được liên tục nâng cao cùng với trách nhiệm xã hội và yếu tố môi trường của doanh nghiệp. Khi doanh nghiệp đảm bảo được những vấn đề này thì mới định hình và nâng cao vị trí của mình trong chuỗi cung ứng hàng hoá sang thị trường EU.

Thực tế cho thấy, trong thời gian qua, Chính phủ đã có những chương trình hành động mạnh mẽ, quyết liệt nhằm triển khai hiệu quả EVFTA. Điển hình, thúc đẩy việc chuyển đổi số và thương mại điện tử, qua đó xây dựng các giải pháp hỗ trợ các doanh nghiệp Việt tiếp cận các thị trường quốc tế, trong đó có EU…Hơn thế nữa, việc hình thành và phát triển các sàn thương mại điện tử chính là giải pháp mang tính nền tảng để doanh nghiệp tiếp cận thị trường dễ dàng, nhanh chóng và nâng cao năng lực tận dụng tối đa những cơ hội do hiệp định thương mại mang lại.

Bên cạnh đó, Bộ Công thương cho hay sẽ tiếp tục triển khai thực hiện mạnh các giải pháp thúc đẩy xuất khẩu vào thị trường EU. Trong đó, đặc biệt chú trọng việc tổ chức khai thác, tận dụng cơ hội từ EVFTA, tháo gỡ rào cản về vận chuyển, kho bãi, logistic...tạo thuận lợi cho doanh nghiệp. Đồng thời, ưu tiên triển khai các hoạt động xúc tiến xuất khẩu vào các thị trường khôi phục sớm sau đại dịch.

"Từ nay đến cuối năm, Bộ Công thương tiếp tục tập trung theo dõi sát tình hình từng thị trường trong khối EVFTA để rà soát, xác định các chủng loại hàng hóa mà các nước đang có nhu cầu nhập khẩu cao nhằm khai thác triệt để và hiệu quả hơn", Phó Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu cho biết.

Ngoài ra, Bộ Công thương cho hay tiếp tục chỉnh sửa hệ thống eCOsys để cho phép thực hiện cấp chứng nhận xuất xứ (C/O) điện tử mẫu D, E, AHK, AK/VK, AANZ, AI, AJ/VJ và VC có “chữ ký và con dấu điện tử” kèm theo mã QR để xác thực, chống giả mạo nhằm tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp./.

Theo các chuyên gia kinh tế, EU là thị trường có số lượng đơn đặt hàng nhiều, trong khi các doanh nghiệp Việt có quy mô nhỏ bé hạn chế về tài chính, năng suất lao động thấp, nguồn nguyên liệu đầu vào cho sản xuất không ổn định... dẫn đến bị hụt lỡ nhiều đơn đặt hàng từ phía EU. Do đó, các hiệp hội, ngành hàng cần phát huy vai trò kết nối, dẫn dắt, hỗ trợ và bản thân các doanh nghiệp cần hợp tác, đoàn kết để cùng nhau xuất khẩu bền vững vào thị trường này.