lao dong

Tăng tuổi nghỉ hưu với lộ trình chậm và có các chính sách giải quyết khác sẽ ít tạo sức ép việc làm cho lao động trẻ. Ảnh minh họa: MĐ.

Tăng tuổi nghỉ hưu là một trong những đề xuất quan trọng nhận được sự quan tâm của dư luận trong dự thảo Bộ luật Lao động (sửa đổi) đang được Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội (LĐ-TB&XH) lấy ý kiến.

Trước đề xuất tăng tuổi nghỉ hưu, nhiều ý kiến bày tỏ lo ngại sẽ ảnh hưởng đến cơ hội việc làm đối với lao động trẻ. Bình luận về vấn đề này, ông Doãn Mậu Diệp – Thứ trưởng Bộ LĐ-TB&XH khẳng định là sẽ không ảnh hưởng lớn đến việc làm của giới trẻ. Ông Diệp thông tin, Việt Nam hiện có tỷ lệ thu hút lao động trẻ khá tốt khi tỷ lệ thất nghiệp trong thanh niên chỉ bằng 2/3 các nước trong khu vực.

Bên cạnh đó, tỷ lệ thất nghiệp của sinh viên tốt nghiệp các trường đại học, cao đẳng được bộ này công bố hằng quý luôn dao động trong khoảng 200.000 người. Còn nếu nhìn vào dòng chảy của thị trường lao động, mỗi năm cũng có khoảng 400.000 sinh viên tốt nghiệp các trường đại học, cao đẳng.

“Con số này là để bổ sung vào thị trường lao động và đã được thị trường tiếp nhận, vậy nên con số thất nghiệp mới chỉ nằm xung quanh 200.000 người. Trong trường hợp không tiếp nhận, thu hút được số lao động này thì con số có thể lên tới 600.000 người, sau hai năm thì lên một triệu, sau ba năm có thể lên 1,4 triệu” – ông Diệp cho biết.

Như vậy, theo ông Diệp, thị trường lao động vẫn tiếp tục tiếp nhận các lao động trẻ, lao động ở các cơ sở đào tạo, sinh viên tốt nghiệp. Đồng thời, thị trường bao giờ cũng có những người chờ để tìm việc làm, những người thôi công việc cũ để tìm kiếm công việc tốt hơn. “Chúng tôi cho rằng, việc nâng tuổi nghỉ hưu với lộ trình chậm, tăng dần 3 tháng hoặc 4 tháng đối với nữ sẽ không ảnh hưởng nhiều lắm đến cơ hội việc làm của giới trẻ” – ông Diệp nhấn mạnh.

Nhấn mạnh hơn cho lập luận trên, ông Diệp dẫn nghiên cứu của Ngân hàng Thế giới và Tổ chức Lao động quốc tế khẳng định rằng, việc nâng tuổi nghỉ hưu ít ảnh hưởng đến cơ hội việc làm của giới trẻ. Lý do là những người lớn tuổi tiếp tục ở lại làm việc, tiếp tục tạo ra sản phẩm, tích lũy cho nền kinh tế và có cơ hội đầu tư trở lại thì số việc làm tạo ra có thể nhiều hơn.

Dù vậy, ông Diệp cũng lưu ý rằng, sự đánh giá việc tăng tuổi nghỉ hưu đến cơ hội việc làm của giới trẻ là cần phải nghiên cứu rất kỹ lưỡng.

Liên quan đến vấn đề này, ông Lê Đình Quảng - Phó Trưởng ban Quan hệ lao động, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam lại cho rằng, với lộ trình tăng chậm và có các cơ chế giải quyết khác thì vấn đề tăng tuổi nghỉ hưu sẽ tác động ít đến việc làm của lao động trẻ.

Ông Quảng phân tích, mỗi năm Việt Nam sẽ có khoảng 1,3 triệu người bước vào thị trường lao động nhưng cũng có khoảng 100.000 người ra khỏi thị trường. Tuy nhiên, trong tương lai, lực lượng bước vào độ tuổi lao động càng giảm và đội ngũ bước ra lại tăng lên. Như vậy, số lao động cần giải quyết việc làm có thể càng ngày càng giảm theo tiến trình già hóa dân số.

Dự thảo Bộ luật Lao động (sửa đổi) đề xuất hai phương án tăng tuổi nghỉ hưu. Cụ thể, phương án 1 là kể từ ngày 1/1/2021, tuổi nghỉ hưu của người lao động trong điều kiện lao động bình thường là đủ 60 tuổi 3 tháng đối với nam và đủ 55 tuổi 4 tháng đối với nữ. Sau đó, cứ mỗi năm tăng thêm 3 tháng đối với nam và 4 tháng đối với nữ cho đến khi nam đủ 62 tuổi, nữ đủ 60 tuổi.

Với phương án 2, từ ngày 1/1/2021, tuổi nghỉ hưu của người lao động trong điều kiện lao động bình thường là đủ 60 tuổi 4 tháng đối với nam và đủ 55 tuổi 6 tháng đối với nữ; sau đó, cứ mỗi năm tăng thêm 4 tháng đối với nam và 6 tháng đối với nữ cho đến khi nam đủ 62 tuổi, nữ đủ 60 tuổi.

Mai Đan