Tập trung tái thiết kế tổng thể quy trình nghiệp vụ để chuyển đổi số hải quan
Việc ứng dụng công nghệ thông tin được áp dụng trong hầu hết các nghiệp vụ của cơ quan hải quan. Ảnh: TL

Dồn lực xây dựng hệ thống công nghệ thông tin

Từ nay đến năm 2025, Tổng cục Hải quan tập trung xây dựng hệ thống CNTT thực hiện hải quan số đáp ứng yêu cầu nghiệp vụ trong thông quan được Bộ Tài chính phê duyệt.

Giám sát bằng phương tiện kỹ thuật hiện đại

Mục tiêu của Kế hoạch chuyển đổi số ngành Hải quan đến năm 2030 là 100% hàng hóa thuộc đối tượng rủi ro cao vận chuyển bằng container chịu sự giám sát hải quan được giám sát bằng phương tiện kỹ thuật hiện đại, dữ liệu được kết nối về trung tâm xử lý tập trung của cơ quan hải quan.

100% cảng, cửa khẩu quốc tế trọng điểm được triển khai hệ thống quản lý giám sát hàng hóa tự động, trang bị hệ thống soi chiếu hàng hóa, hành lý, hệ thống giám sát camera và các thiết bị hỗ trợ trong công tác kiểm tra, giám sát hải quan. Kết quả, hình ảnh, thông tin được truyền trực tiếp về trung tâm xử lý tập trung của cơ quan hải quan và chia sẻ thông tin với các bộ, ngành và các đơn vị có liên quan tại cửa khẩu.

100% các doanh nghiệp hoạt động xuất nhập khẩu phát sinh nợ thuế được theo dõi, cập nhật tự động trên hệ thống điện tử của cơ quan hải quan...

Mục tiêu của dự án là xây dựng một hệ thống CNTT mới có khả năng mở rộng và tích hợp với các hệ thống CNTT hiện tại và các hệ thống CNTT trong tương lai trên cơ sở ứng dụng những thành tựu mới về công nghệ của Cách mạng công nghiệp 4.0, phù hợp với chuẩn mực quốc tế, đáp ứng yêu cầu quản trị thông minh; hướng tới quản lý doanh nghiệp, hàng hóa xuất nhập khẩu, quá cảnh; phương tiện vận tải xuất cảnh, nhập cảnh, quá cảnh toàn diện từ khâu đầu đến khâu cuối trong quá trình thông quan; có khả năng tích hợp, kết nối, chia sẻ thông tin với các bộ, ngành, doanh nghiệp thông qua Cơ chế một cửa quốc gia và sẵn sàng trao đổi dữ liệu hải quan với các nước trong khu vực và trên thế giới, xây dựng Hải quan Việt Nam thành hải quan số.

Theo ông Ngô Như An - Phó Cục trưởng Cục CNTT và Thống kê hải quan (Tổng cục Hải quan), để xây dựng hệ thống CNTT nêu trên, Tổng cục Hải quan đã huy động nguồn lực toàn ngành với gần 200 cán bộ, công chức là chuyên gia thuộc các lĩnh vực trong toàn ngành để thực hiện rà soát, tái thiết kế tổng thể quy trình nghiệp vụ, xây dựng yêu cầu kỹ thuật, công nghệ và các thủ tục cần thiết khác.

Đối với Cơ chế một cửa quốc gia và Cơ chế một cửa ASEAN, Tổng cục Hải quan sẽ tiếp tục phối hợp với các bộ, ngành đẩy mạnh triển khai các thủ tục hành chính trên Cơ chế một cửa quốc gia, Cơ chế một cửa ASEAN. Mở rộng Cổng thông tin một cửa quốc gia và kết nối Cơ chế một cửa ASEAN nhằm đáp ứng yêu cầu xử lý tập trung thủ tục hành chính của các bộ, ngành đối với hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu; kết nối, trao đổi, chia sẻ thông tin giữa cơ quan hải quan với các bộ, ngành; các đơn vị có liên quan.

Cùng với việc triển khai các nhiệm vụ nêu trên, trong thời gian tới, Tổng cục Hải quan sẽ tập trung phát triển dữ liệu số hải quan tạo nền tảng cho triển khai Hải quan số, Hải quan thông minh bảo đảm cung cấp dữ liệu số cho các dịch vụ công trực tuyến, chia sẻ dữ liệu thông suốt giữa cơ quan hải quan với các cơ quan quản lý nhà nước trong hệ thống chính trị của Việt Nam, cung cấp các bộ dữ liệu mở có chất lượng và giá trị khai thác cao, mở dữ liệu theo quy định của pháp luật để phát triển hệ sinh thái số và Hải quan số.

Khuyến khích tương tác sử dụng công nghệ số

Cán bộ Chi cục Hải quan sân bay quốc tế Nội Bài vận hành hệ thống giám sát hoạt động xuất nhập khẩu,

Chia sẻ về những giải pháp chính đẩy mạnh triển khai Kế hoạch chuyển đổi số ngành Hải quan trong thời gian tới, ông Ngô Như An cho biết, việc quan trọng nhất là đẩy mạnh công tác truyền thông, nâng cao nhận thức, kỹ năng số, tăng cường tương tác với người dân, doanh nghiệp. Ngành đang tập trung nâng cao nhận thức về chuyển đổi số hải quan cho cán bộ, công chức hải quan, cho người dân và doanh nghiệp qua nhiều kênh khác nhau. Đồng thời khuyến khích tăng cường tương tác giữa cán bộ Hải quan với người dân và doanh nghiệp sử dụng công nghệ số.

Liên quan đến thể chế về chuyển đổi số, Tổng cục Hải quan sẽ xây dựng hoàn thiện pháp luật về hải quan hiện đại, đồng bộ, thống nhất, minh bạch phù hợp với các cam kết quốc tế; trọng tâm là xây dựng Luật Hải quan sửa đổi, đảm bảo cơ sở pháp lý để thực hiện xây dựng mô hình hải quan số, hải quan thông minh, biên giới thông minh và hải quan xanh.

Cũng theo ông An, một nhiệm vụ quan trọng không kém là phát triển công cụ để thực hiện chuyển đổi số của ngành Hải quan, xây dựng hệ thống CNTT thực hiện Hải quan số. Công cụ này sẽ giúp ngành Hải quan triển khai các nội dung chuyển đổi số, đáp ứng yêu cầu quản trị thông minh; đảm bảo tính liên thông, liên tục đáp ứng yêu cầu quản lý hải quan từ khâu đầu đến khâu cuối, phù hợp với chuẩn mực và thông lệ quốc tế, hệ thống phải có mức độ tự động hóa cao, ứng dụng các thành tựu khoa học công nghệ mới và hiện đại trên nền tảng số.

Cuối cùng là đảm bảo nguồn lực triển khai chuyển đổi số, để triển khai có hiệu quả công tác chuyển đổi số của ngành Hải quan, thời gian tới, Tổng cục Hải quan sẽ chú trọng công tác đào tạo, bồi dưỡng, phát triển nguồn nhân lực chuyển đổi số về kỹ năng làm việc; sử dụng và quản trị hệ thống ứng dụng, cơ sở dữ liệu và các công nghệ số trong môi trường số…

TS. CẤN VĂN LỰC - THÀNH VIÊN HỘI ĐỒNG TƯ VẤN CHÍNH SÁCH TÀI CHÍNH - TIỀN TỆ QUỐC GIA: Xây dựng văn hóa chuyển đổi số

Tập trung tái thiết kế tổng thể quy trình nghiệp vụ để chuyển đổi số hải quan

Chuyển đổi số của ngành Hải quan đã có những tác động rất tích cực với người dân và doanh nghiệp. Vấn đề đặt ra là cơ quan hải quan cần triển khai những bước tiếp theo như thế nào để chuyển đổi số một cách hiệu quả hơn nữa.

Theo tôi, thứ nhất là phải có chiến lược, trong đó quan trọng là xây dựng văn hóa chuyển đổi số. Thứ hai là quy trình, cần tự động hóa thêm hơn nữa. Tất nhiên vẫn phải giảm thiểu rủi ro sai sót và tác nghiệp. Tiếp theo là lựa chọn và đầu tư công nghệ phù hợp, an toàn. Cuối cùng là quan tâm “khách hàng”, làm sao để việc sử dụng dịch vụ dễ dàng, tiện lợi.

ÔNG HOÀNG QUANG PHÒNG - PHÓ CHỦ TỊCH LIÊN ĐOÀN THƯƠNG MẠI VÀ CÔNG NGHIỆP VIỆT NAM: Giúp người dân, doanh nghiệp thực hiện tốt nghĩa vụ

Tập trung tái thiết kế tổng thể quy trình nghiệp vụ để chuyển đổi số hải quan

Hải quan là một trong những ngành tiên phong áp dụng bộ công cụ quản lý hiện đại vào công tác quản lý và công tác tuyên truyền hỗ trợ đối với người dân, doanh nghiệp. Những động thái về chuyển đổi số của cơ quan quản lý nhà nước đã giúp cho người dân, doanh nghiệp hiểu đúng, hiểu trúng để tương tác với cơ quan Hải quan, qua đó thực hiện tốt nghĩa vụ của mình và giải quyết những khúc mắc gặp phải trong sản xuất kinh doanh, cũng như trong quá trình thực hiện thủ tục hải quan, thực hiện nghĩa vụ thuế...

ÔNG PHẠM NAM LONG - GIÁM ĐỐC ĐIỀU HÀNH CÔNG TY CỔ PHẦN: Chuyển đổi số hải quan là điều tất yếu

Tập trung tái thiết kế tổng thể quy trình nghiệp vụ để chuyển đổi số hải quan

Tỷ lệ tăng trưởng thương mại theo cấp số nhân những năm qua trở thành “áp lực” đối với cơ quan hải quan, đặt ra yêu cầu phải chuyển đổi số để đáp ứng xử lý lượng công việc lớn.

Bên cạnh đó, với những hiệp định song phương, đa phương Việt Nam đã tham gia, hệ thống thương mại trở nên đa dạng ở rất nhiều quốc gia, hoạt động chuyển đổi số ở ngành Hải quan là cấp thiết để đảm bảo tuân thủ với quy định và tiêu chuẩn được đưa ra bởi các thỏa thuận này, tăng cường năng lực cạnh tranh quốc gia.

Hơn thế nữa, chuyển đổi số hải quan Còn đảm bảo an ninh thương mại quốc gia bằng cách phát hiện và ngăn chặn các hoạt động buôn lậu, gian lận thương mại bất hợp pháp.