Dự báo lạm phát năm 2022 từ 2 - 3%
“Cần nhạy bén, bản lĩnh, công tâm trong quản lý, điều hành giá”
Chỉ số giá tiêu dùng năm 2021 tăng 1,84%, mức thấp nhất kể từ năm 2016
Điều hành thận trọng, giảm áp lực lạm phát năm 2022

“Ăn bát phở, bà chủ quán bảo bác cho xin thêm 5 nghìn”

Phát biểu tại hội thảo dự báo diễn biến giá cả thị trường năm 2022, chuyên gia kinh tế Vũ Vinh Phú cho biết, còn 1 tháng nữa mới đến Tết nhưng giá đã rục rịch tăng, giá tăng cả ở chợ và siêu thị, nhất là trong siêu thị.

“Tôi đi ăn bát phở hôm qua khi trả tiền, bà bán hàng bảo “bác cho xin thêm 5 nghìn”. Mấy hôm nay thanh long giải cứu mấy nghìn đồng/kg, nhưng trong siêu thị vẫn 36 nghìn đồng/kg. Siêu thị phải mua hàng mới, bình quân gia quyền lại, bán cho người dân. Phải tổ chức lại hệ thống phân phối cho lành mạnh hơn, trách nhiệm hơn, chứ không phải ngồi máy lạnh chờ mang hàng tới”, ông Vũ Vinh Phú nói.

Tết Nguyên đán chưa tới, giá cả đã rục rịch tăng
Dự báo giá cả sẽ nhích nhẹ dịp Tết Nguyên đán do nhu cầu tiêu dùng tăng cao. Ảnh: TL.

Hậu quả, theo vị chuyên gia này, sẽ khiến người tiêu dùng rất khó khăn. Ví dụ như giá thịt lợn, theo ông, hiện nay trong siêu thị 1kg sườn non vẫn lên tới gần 200 nghìn đồng/kg, trong khi giá thịt lợn hơi đang ở mức thấp, 55 nghìn đồng/kg.

“Một mặt hàng mà thị trường tiêu dùng rất quan tâm, đó là mặt hàng thịt lợn, trong những tháng vừa qua, trong khi giá lợn hơi có thời kỳ đã giảm đến trên 50%, thậm chí 60% thì giá bán lẻ thịt lợn ở chợ và nhất là ở một số siêu thị vẫn cao chót vót hoặc chỉ giảm đôi chút không đáng kể. Đây là mặt hàng vô cùng quan trọng chiếm tới 70% tỷ trọng thịt tiêu dùng của các gia đình Việt Nam. Siêu thị phải văn minh, văn minh cả trong giá cả”, ông Vũ Vinh Phú nói.

Theo ông Phú, giá thịt lợn ngoài chợ xuống nhanh hơn siêu thị. Rõ ràng một số siêu thị không có những động thái đấu tranh để giảm giá tốt hơn cho người tiêu dùng. “Bức tranh mâu thuẫn về giá thịt lợn, từ nay đến tết như thế nào, tôi cho là giá sẽ không xuống. Cùng với đó, nhiều mặt hàng cũng phải tổ chức quản lý, nhất là dịp Tết Nguyên đán sắp tới”, ông Phú nói.

Tăng cường kiểm soát giá cả dịp Tết Nhâm Dần

Đối với điều hành giá cả năm 2022, áp lực quý I là khó nhưng không nhiều. Nhiều chuyên gia kinh tế đề nghị cần tăng cường quản lý quý I/2022 khi 2 Tết Dương lịch và âm lịch rơi vào thời điểm này.

Có ý kiến cho rằng, không nên chủ quan trong điều hành giá một số hàng hóa, dịch vụ thiết yếu, trong đó có mặt hàng xăng dầu là đầu vào của nền kinh tế và giá lương thực, thực phẩm…

Đối với giá xăng dầu, nhiều ý kiến lo ngại có thể tăng trong thời gian tới, khi kinh tế thế giới phục hồi trở lại. Mới đây khiến giới chuyên gia dự báo mặt hàng này có thể lên tới hơn 100 USD/thùng.

Đối với thị trường Tết Nhâm Dần, nhiều chuyên gia dự đoán người tiêu dùng mua sớm hơn, nhanh hơn và gọn gàng tiết kiệm hơn. Tuy nhiên, có ý kiến đề nghị cần tăng cường kiểm tra, kiểm soát thị trường. Bởi vì, nhiều mặt hàng thiết yếu bán cho nhân dân chính là ở chợ, siêu thị chỉ chiếm 15%.

“Về công tác quản lý thị trường giá cả và an toàn vệ sinh thực phẩm cũng cần được đặc biệt quan tâm, bởi nhu cầu mua sắm dịp Tết Nguyên đán sẽ tăng gấp mấy lần lúc bình thường. Chính vì vậy việc quản lý thị trường để bảo vệ quyền lợi tiêu dùng là hết sức cần thiết. Chống hàng lậu hàng giả phải làm từ biên giới hải đảo, không để hàng vào nội địa thì kiểm soát đã quá muộn và không hiệu quả. Quản lý thị trường cần có trách nhiệm cao để nhặt những hạt sạn gây tâm lý bất ổn về giá cả thị trường và xâm phạm quyền lợi người tiêu dùng”, ông Vũ Vinh Phú đề xuất.

Theo chuyên gia kinh tế Ngô Trí Long, dịp Tết cần theo dõi sát diễn biến tình hình thị trường, cung cầu, có các biện pháp điều tiết cung cầu phù hợp, tránh tình trạng giá có biến động đột biến khi nguồn cung gián đoạn. Đồng thời, tăng cường công tác kiểm tra, giám sát việc kê khai, niêm yết giá và việc bán đúng giá niêm yết đối với nhiều mặt hàng thiết yếu, như: giá lương thực, thực phẩm, hoa quả, các mặt hàng thờ cúng, dịch vụ vận tải, đặc biệt là trong thời điểm Tết Dương lịch, Tết Nguyên đán.

Trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19 ảnh hưởng đến cuộc sống của người dân, có ý kiến cho rằng, phục vụ cho tiêu dùng đợt Tết Nhâm Dần này đòi hỏi cần nhiều cố gắng hơn so với những cái tết bình thường khác. Các địa phương trong cả nước cần xây dựng 1 kế hoạch phục vụ chu đáo, khoa học, trong đó, kiểm soát giá cả thị trường, tránh giá cả tăng cao, ảnh hưởng tới đời sống của người dân, “để mọi gia đình Việt Nam đều có Tết”./.