Bùng nổ bán hàng livestream

Từ cuối năm 2019, khi đại dịch Covid-19 bùng phát, việc mua hàng qua mạng trở nên phổ biến hơn do giãn cách xã hội. Lúc này, TikTok xuất hiện và nhanh chóng trở thành một nền tảng mạng xã hội nổi bật với tính năng bán hàng livestream, thu hút nhiều hộ kinh doanh cá nhân và doanh nghiệp tham gia.

Thách thức đối với thu thuế bán hàng livestream trên các nền tảng mạng xã hội
Các phiên livestream cỏ chươnsg trình khuyến mãi giảm giá trên Tiktok xuất hiện tần suất dày đặc thu hút nhiều người xem. Ảnh: Phạm Hương.

Theo đó, TikTok đã làm nổi bật xu hướng bán hàng livestream với những tính năng độc đáo như: cho phép khách hàng lựa chọn sản phẩm trực tiếp, tham gia chương trình mua hàng trong khung giờ vàng và nhận mã giảm giá ngay trong phiên livestream. Điều này tạo ra sự tương tác mạnh mẽ giữa người bán và người mua, thu hút đông đảo người dùng tham gia.

Theo số liệu thống kê của Metric, tính riêng 2023, có 2,2 tỷ sản phẩm được giao thành công trên 5 sàn thương mại điện tử hàng đầu cả nước, gồm: Shopee, Lazada, Tiki, Sendo và TikTok Shop, tăng 52,3% so với 2022. Dự kiến trong năm 2024, doanh thu và sản lượng bán ra ở các nền tảng trực tuyến có thể đạt hơn 310 ngàn tỷ đồng, tăng 35% so với năm ngoái.

Trước khi Tiktok xuất hiện, bán hàng livestream đã xuất hiện trên các nền tảng khác như: Facebook, Youtube… Với Facebook, mạng xã hội có cộng đồng người dùng rộng lớn và tính năng livestream mạnh mẽ, cũng trở thành nền tảng phổ biến cho hoạt động bán hàng trực tuyến. Các phiên livestream trên Facebook thường thu hút hàng nghìn người xem, tạo ra cơ hội kinh doanh lớn cho các hộ kinh doanh cá nhân và doanh nghiệp.

Với YouTube, cùng khả năng phát trực tiếp chất lượng cao và lượng người dùng đông đảo, cũng không nằm ngoài xu hướng này. Nhiều nhà bán lẻ và doanh nghiệp đã tận dụng YouTube để tổ chức các phiên livestream bán hàng, thu hút người mua từ khắp nơi trên thế giới.

Sự chủ động vào cuộc của cơ quan Thuế

Sự bùng nổ bán hàng livestream hiện nay đã đem đến một làn sóng mới đối với lĩnh vực bán lẻ truyền thống. Việc thu thuế từ hoạt động này luôn được cơ quan thuế quan tâm và chú trọng.

Bà Nguyễn Thị Lan Anh - Vụ trưởng Vụ Quản lý thuế doanh nghiệp nhỏ và vừa và hộ kinh doanh, cá nhân (Tổng cục Thuế) cho biết, Tổng cục Thuế mới đây đã ban hành Công điện số 01 yêu cầu tăng cường công tác quản lý thuế, kiểm tra toàn diện việc kê khai và nộp thuế đối với hoạt động livestream bán hàng. Công điện số 01 giúp cơ quan thuế kiểm soát chặt chẽ hơn các hoạt động bán hàng trực tuyến và nâng cao tính minh bạch trong các giao dịch thương mại qua livestream, hướng đến đảm bảo công bằng trong kinh doanh.

Tuy nhiên, để nâng cao hiệu quả công tác quản lý thuế đối với loại hình kinh doanh này, thời gian qua các bộ ngành địa phương đã bám sát mục tiêu, nhiệm vụ của Chỉ thị 18 để đề xuất sửa đổi văn bản quy phạm pháp luật nhằm đạt được 06 yêu cầu.

Thách thức đối với thu thuế bán hàng livestream trên các nền tảng mạng xã hội
Nhiều hộ kinh doanh cá nhân khoe doanh thu lên đến hàng tỷ đồng nhờ bán hàng livestream. Ảnh: Phạm Hương.

Một là, quản lý toàn diện và xác định một đầu mối quản lý nhà nước chung về hoạt động thương mại điện tử và các mô hình kinh doanh trên nền tảng công nghệ số trong nước và xuyên biên giới trong đó có hoạt động livestream bán hàng. Hai là, cắt giảm thủ tục hành chính. Ba là, hoàn thiện các quy định về thanh tra, kiểm tra và xử lý vi phạm. Bốn là, chống thất thu thuế. Năm là, khuyến khích thanh toán không dùng tiền mặt, phát triển các tiện ích thanh toán điện tử. Sáu là, tăng cường trách nhiệm của các bộ, ngành phối hợp với cơ quan thuế trong công tác quản lý thuế.

Có cơ chế kiểm soát giao dịch livestream

Theo ông Nguyễn Văn Được, cần có cơ chế phối hợp giữa các đơn vị trung gian vận chuyển và cơ quan thuế để kiểm soát các giao dịch livestream. Qua báo cáo của đơn vị vận chuyển, cơ quan thuế có thể kiểm tra xem người bán đã kê khai thuế đúng chưa; nếu chưa, có dấu hiệu gian lận thuế.

Theo đó, cơ quan thuế đã cơ bản xác định được doanh thu của các hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh, ngăn chặn tình trạng một số hộ kinh doanh vẫn tìm cách lách luật, tránh thuế trong thời gian qua.

Trong thời gian tới, cơ quan Thuế sẽ tiếp tục tăng cường công tác tuyên truyền hỗ trợ người nộp thuế kinh doanh thương mại điện tử, livestream bán hàng kê khai nộp thuế theo đúng quy định pháp luật. Tiếp tục nâng cao công tác thanh tra, kiểm tra, rà soát đối với các hộ kinh doanh cá nhân bán hàng livestream để đảm bảo công tác thu thuế đạt hiệu quả cao.

Đồng quan điểm, ông Nguyễn Văn Được - Tổng Giám đốc Công ty TNHH Kế toán và Tư vấn thuế Trọng Tín chia sẻ, hiện nay, Nghị định số 126 là cơ sở pháp lý quản lý thuế đối với thương mại điện tử, nhưng vấn đề quan trọng là cơ quan chức năng thực hiện như thế nào. Ông Được cho rằng, cơ quan Thuế cần phối hợp với ngân hàng để kiểm soát giao dịch livestream bán hàng nhằm thu hoặc truy thu thuế.

Bán hàng livestream đang tạo ra những thay đổi lớn trong ngành bán lẻ trực tuyến, mang lại nhiều cơ hội nhưng cũng đặt ra không ít thách thức cho công tác quản lý thuế. Để đảm bảo sự phát triển bền vững của thị trường này, cần có những biện pháp quản lý chặt chẽ như nâng cao việc sử dụng công nghệ hiện đại trong công tác kiểm tra, rà soát đối với các hộ kinh doanh có doanh thu đến từ việc bán hàng livestream.

Việc minh bạch hóa các giao dịch và đảm bảo nghĩa vụ thuế không chỉ giúp tăng nguồn thu cho ngân sách nhà nước mà còn bảo vệ quyền lợi của người tiêu dùng, tạo môi trường kinh doanh công bằng cho tất cả các doanh nghiệp, hộ kinh doanh cá nhân trên thị trường số./.