Khung kỹ thuật và quản lý dự án là "nút thắt" trong dự án đường sắt đô thị
Quang cảnh hội thảo chuyên đề 4.

Phát biểu khai mạc hội thảo chuyên đề, Phó Chủ tịch UBND TP. Hà Nội Dương Đức Tuấn cho biết, theo quy hoạch giao thông vận tải, Thủ đô sẽ có 10 tuyến ĐSĐT với tổng chiều dài 417,8km, trong đó 75,6km đi ngầm.

Tuy nhiên, hiện nay mới chỉ hoàn thành được 13km của tuyến ĐSĐT số 2A, đoạn Cát Linh - Hà Đông và đang triển khai thi công 12,5km tuyến ĐSĐT số 3, đoạn Nhổn - Ga Hà Nội.

Từ khi tuyến ĐSĐT số 2A đi vào khai thác vận hành, được toàn thể nhân dân TP. Hà Nội chào đón và sử dụng với tần suất cao, bước đầu cho thấy hiệu quả về mặt khai thác.

Sắp tới TP. Hà Nội sẽ đưa vào khai thác đoạn trên cao thuộc dự án tuyến ĐSĐT thí điểm TP. Hà Nội đoạn Nhổn - Ga Hà Nội, cũng như TP. Hồ Chí Minh sắp đưa vào khai thác tuyến đường sắt đô thị số 1 đoạn Bến Thành - Suối Tiên.

Thực tế quá trình triển khai thực hiện, cả hai dự án ĐSĐT của Hà Nội đều chậm tiến độ do nhiều nguyên nhân khách quan, cũng như chủ quan. Một trong những nguyên nhân chính là chủ đầu tư, cũng như các nhà thầu gặp không ít vướng mắc khi áp dụng nhiều hệ thống quy chuẩn, tiêu chuẩn cả trong và ngoài nước, cũng như khó khăn trong công tác quản lý dự án ĐSĐT.

Đặc biệt mỗi dự án sử dụng các công nghệ của các nước khác nhau thì áp dụng các hệ thống tiêu chuẩn cũng khác nhau, những khó khăn trong công tác quản lý dự án.

Ông Dương Đức Tuấn bày tỏ: “Để đúc rút kinh nghiệm cho việc đầu tư hệ thống ĐSĐT trên địa bàn hai thành phố lớn nhất cả nước, chúng tôi tổ chức hội thảo với sự tham gia của các đại diện cơ quan trung ương, chuyên gia trong nước và quốc tế, để lắng nghe những ý kiến đóng góp về kinh nghiệm áp dụng hệ thống quy chuẩn, tiêu chuẩn kỹ thuật, công nghệ trong lĩnh vực ĐSĐT”.

“Bên cạnh đó, chúng tôi cũng muốn lắng nghe các ý kiến góp ý về các chính sách sách ưu tiên, ưu đãi cho phát triển thị trường, các cơ sở công nghiệp ĐSĐT, công nghiệp phụ trợ cho ĐSĐT; cơ chế khuyến khích doanh nghiệp trong nước tham gia các dự án để tiếp nhận chuyển giao công nghệ từ nhà thầu nước ngoài; mô hình tổ chức quản lý và thực hiện đối với các dự án tương tự đã triển khai tại những nước phát triển” - ông Dương Đức Tuấn nói.

Hội thảo chuyên đề này sẽ là cơ hội tốt cho các nhà hoạch định chính sách, nhà quản lý, chuyên gia, nhà nghiên cứu trong lĩnh vực ĐSĐT cùng nhau chia sẻ những kinh nghiệm, bài học, ý tưởng về xây dựng, phát triển ĐSĐT nói riêng, giao thông đô thị nói chung.