Tháo gỡ khó khăn vật liệu, thúc tiến độ cao tốc Bắc - Nam
Cao tốc Bắc - Nam đoạn Diễn Châu - Bãi Vọt đang tập trung toàn lực đẩy nhanh tiến độ để hoàn thành theo đúng hợp đồng. Ảnh: TL

Dự án PPP có tổng mức đầu tư 11.157,82 tỷ đồng

Theo Bộ GTVT, dự án PPP cao tốc Diễn Châu - Bãi Vọt dài 49,3 km, có tổng mức đầu tư 11.157,82 tỷ đồng. Nhà đầu tư Dự án là Liên danh Công ty TNHH Hòa Hiệp - Công ty CP Tập đoàn CIENCO4 - Công ty TNHH Đầu tư Núi Hồng - Tổng công ty Xây dựng Trường Sơn - Công ty CP Đầu tư và Xây dựng VINA2.

Hiện nay, một số hạng mục là đường găng của dự án, đặc biệt là việc chờ lún trong công tác xử lý nền đất yếu chưa có phương án đáp ứng tiến độ hợp đồng (khoảng 5,7 km nền đường chưa hoàn thành đắp gia tải); các hạng mục công trình như: hầm Thần Vũ, các cầu: vượt N2, Xuân Dương 1, Xuân Dương 2, Thần Vũ 2, vượt N5, vượt Quốc lộ 48E, Nghi Mỹ, vượt Quốc lộ 46B, Hưng Thắng, Hưng Đức, vượt Quốc lộ 8A đang bị chậm tiến độ; các hạng mục hoàn thiện như: móng, mặt đường, hệ thống an toàn giao thông, dải phân cách giữa, hàng rào bảo vệ chưa có kế hoạch triển khai thi công đồng bộ

Để đảm bảo hoàn thành dự án theo đúng tiến độ yêu cầu, Bộ GTVT yêu cầu nhà đầu tư, doanh nghiệp dự án khẩn trương rà soát năng lực hiện nay của các đơn vị thi công chậm, đặc biệt các hạng mục đường găng của dự án. Trên cơ sở đó xem xét, điều chuyển khối lượng công việc hoặc xem xét chấm dứt hợp đồng với đơn vị thi công không đáp ứng để lựa chọn bổ sung hoặc thay thế đơn vị khác thực hiện hoàn thành dự án; đồng thời lập kế hoạch thi công đảm bảo tính liên tục nhằm hoàn thành các hạng mục theo tiến độ cam kết, đặc biệt đối với các hạng mục thuộc đường găng của dự án do các nhà thầu: Công ty Hòa Hiệp, Tổng công ty Xây dựng Trường Sơn, CIENCO4, Công ty Thái Sơn, Công ty 456, Công ty Nam Hải… thực hiện.

Giám đốc Ban Quản lý dự án 6 phải trực tiếp và thường xuyên kiểm tra hiện trường, giao ban với nhà đầu tư, doanh nghiệp dự án và các đơn vị liên quan để kiểm điểm tiến độ, chất lượng của các gói thầu, đảm bảo hoàn thành dự án theo kế hoạch, chịu trách nhiệm toàn diện trước Bộ trưởng Bộ GTVT về kết quả thực hiện theo chức năng, nhiệm vụ được Bộ GTVT giao. Đối với hạng mục có thời gian hoàn thành dự kiến ngoài hợp đồng cần có giải pháp cụ thể để bù tiến độ chậm. Kết quả báo cáo về Bộ GTVT để xem xét họp kiểm điểm tiến độ của dự án.

Giải quyết khó khăn về vật liệu

Tháo gỡ khó khăn vật liệu, thúc tiến độ cao tốc Bắc - Nam

Bên cạnh đó, để tháo gỡ khó khăn cho các dự án cao tốc đang triển khai để đảm bảo tiến độ dự án, Cục Quản lý đầu tư xây dựng (Bộ GTVT) cho biết, đối với các mỏ vật liệu mới, thủ tục cấp phép khai thác vật liệu theo quy định của Luật Khoáng sản còn phức tạp khi phải qua nhiều khâu, nhiều cấp.

Cụ thể như: Điều chỉnh, bổ sung quy hoạch thăm dò, khai thác và chế biến khoáng sản; đấu giá quyền khai thác khoáng sản; lập đề án thăm dò khoáng sản; cấp Giấy phép thăm dò khoáng sản; thực hiện công tác thăm dò khoáng sản; phê duyệt trữ lượng khoáng sản; lập dự án đầu tư hoặc báo cáo kinh tế - kỹ thuật khai thác khoáng sản; cấp giấy phép khai thác khoáng sản.

Thời gian thực hiện kéo dài khoảng 10-12 tháng, khó đáp ứng tiến độ triển khai các dự án. Thế nhưng, với cơ chế thí điểm đặc thù về khai thác khoáng sản làm vật liệu xây dựng thông thường được Quốc hội cho phép áp dụng thì thời gian có thể rút ngắn được khoảng 8-10 tháng, góp phần đẩy nhanh tiến độ triển khai thực hiện các dự án.

Với dự án cao tốc Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2021 - 2025 đã được cho phép áp dụng cơ chế đặc thù trước đó, theo hướng dẫn của bộ chuyên ngành, nhà thầu chỉ cần lập hồ sơ đăng ký khu vực, công suất, khối lượng, phương pháp, thiết bị và kế hoạch khai thác để trình UBND cấp tỉnh nơi có mỏ vật liệu xác nhận bản đăng ký khối lượng khai thác và thực hiện đúng các cam kết yêu cầu là hoàn thành thủ tục cấp mỏ vật liệu.

Tuy nhiên, cũng theo Cục Quản lý đầu tư xây dựng, để khai thác được vật liệu, nhà thầu còn phải thực hiện công tác thỏa thuận giá bồi thường với chủ sở hữu. Thực tế hiện nay, một số mỏ vẫn rất khó khăn trong việc thỏa thuận bồi thường, chủ sở hữu yêu cầu mức giá bồi thường cao. Để tháo gỡ vấn đề này, bên cạnh sự vào cuộc tích cực của các địa phương, cơ quan quản lý Nhà nước cũng cần nghiên cứu ban hành hướng dẫn về trình tự, nguyên tắc trong đàm phán thỏa thuận bồi thường để khai thác mỏ vật liệu phục vụ dự án.

Về dài hạn, cần nghiên cứu sửa đổi các quy định, cơ chế theo hướng đưa mỏ vật liệu phục vụ dự án vào diện Nhà nước thu hồi đất, phân cấp chấp thuận chuyển đổi mục đích sử dụng rừng, đất rừng và rút ngắn các thủ tục đối với các dự án đầu tư xây dựng công trình giao thông.

21 dự án được áp dụng cơ chế thí điểm đặc thù

Cao tốc Bắc - Nam phía đông giai đoạn 2021 - 2025; Khánh Hòa - Buôn Ma Thuột (giai đoạn 1); Biên Hòa - Vũng Tàu (giai đoạn 1); Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng (giai đoạn 1); Tân Phú - Bảo Lộc; Bảo Lộc - Liên Khương; Cao Lãnh - An Hữu, Mỹ An - Cao Lãnh; Dầu Giây - Tân Phú (giai đoạn 1); Đồng Đăng - Trà Lĩnh (giai đoạn 1); Tuyên Quang - Hà Giang (giai đoạn 1) - đoạn qua tỉnh Tuyên Quang; Ninh Bình - Hải Phòng đoạn qua tỉnh Nam Định và Thái Bình và Ninh Bình; TP. Hồ Chí Minh - Mộc Bài.