Các cơ quan, đơn vị sẽ không còn phải "loay hoay" tìm cách giải ngân vốn khi sửa chữa, cải tạo tại cơ sở. Ảnh tư liệu |
Không còn phải “loay hoay” tìm cách “tiêu tiền”
“Có tiền mà cơ sở vật chất hỏng không sửa được” là tình cảnh chung của nhiều cơ quan nhà nước, đơn vị sự nghiệp công lập thời gian qua. Nguyên nhân được chỉ ra là do Luật Ngân sách nhà nước (NSNN) cho phép dùng nguồn chi thường xuyên để mua sắm trang thiết bị phục vụ bộ máy, trong đó có cả nội dung sửa chữa, cải tạo, nâng cấp trụ sở. Nhưng Luật Đầu tư công lại quy định các khoản chi xây mới, sửa chữa… phải dùng nguồn chi đầu tư công (ĐTC) và phải có trong danh mục kế hoạch đầu tư công trung hạn.
Phân rõ thẩm quyền quyết định, phù hợp thực tiễnViệc phân rõ thẩm quyền quyết định này rất phù hợp, vừa sát với thực tiễn vừa đảm bảo việc phân cấp cho các địa phương với nguyên tắc thuộc ngân sách cấp nào do ngân sách cấp đó đảm bảo, đồng thời không vượt quá tổng chi thường xuyên đã được phê duyệt. Tất cả những nguyên tắc này đều rất quan trọng trong quản lý tài chính – TS. Nguyễn Minh Phong. |
Điều đó dẫn đến tình trạng nhiều cơ quan, đơn vị có công trình bị hư hỏng, xuống cấp, cần thực hiện sửa chữa ngay để duy trì hoạt động, nhưng lại không có trong kế hoạch đầu tư công trung hạn. Trong khi, đơn vị “có tiền” nhưng không dám tiêu cho các công việc này vì sợ vướng về cơ chế tài chính, không biết làm thế có vi phạm vào quy định tại Luật ĐTC hay không, dù rõ ràng Luật NSNN không cấm dùng nguồn chi thường xuyên để thực hiện các nhiệm vụ này.
Vướng mắc này đã liên tục làm nóng nghị trường Quốc hội thời gian qua. Gần đây nhất là tháng 11/2023, nghị trường phiên chất vấn và trả lời chất vấn Kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XV đã “nóng” lên bởi những tranh luận của các đại biểu và các bộ trưởng, trưởng ngành về ranh giới giữa chi thường xuyên và chi đầu tư, vướng mắc liên quan đến việc sử dụng kinh phí chi thường xuyên trong đầu tư công.
Trước thực trạng này, đồng thời căn cứ ý kiến chỉ đạo của các cấp có thẩm quyền và sự nhất trí rất cao của các bộ, cơ quan và địa phương được cơ quan soạn thảo xin ý kiến, Bộ Tài chính đã trình Chính phủ ban hành Nghị định số 138/2024/NĐ-CP (Nghị định số 138) quy định việc lập dự toán, quản lý, sử dụng chi thường xuyên NSNN để mua sắm tài sản, trang thiết bị; cải tạo, nâng cấp, mở rộng, xây dựng mới hạng mục công trình trong các dự án đã đầu tư xây dựng.
Nghị định số 138 đã đưa ra những quy định hết sức cụ thể giúp cho việc quản lý, sử dụng ngân sách thuận lợi và hiệu quả hơn. Từ đây, các cơ quan, đơn vị sẽ không còn phải “loay hoay” tìm cách “tiêu tiền” cho các công việc sửa chữa, nâng cấp, cải tạo tại đơn vị mình giữa hàng loạt các quy định chặt chẽ của việc sử dụng tiền của Nhà nước.
Nhận được sự đồng thuận cao
Nghị định số 138 với những quy định cụ thể, chi tiết được coi là “chìa khóa” mở bung cánh cửa thể chế, cởi trói các điểm nghẽn trong việc quản lý, sử dụng ngân sách bấy lâu nay. Chính vì thế, khi vừa được ban hành, Nghị định đã nhận được sự chào đón tích cực.
Chuyên gia kinh tế, TS. Nguyễn Minh Phong cho biết, Nghị định đã tuân thủ các quy định của pháp luật đó là dựa trên sự đồng thuận và nhất trí 100% của các bộ, ban, ngành, địa phương được lấy ý kiến. Đồng thời, Nghị định đã tập trung giải quyết tương đối trọn vẹn và chặt chẽ các quy định có liên quan đến việc tháo gỡ vướng mắc cho việc mua sắm tài sản và cải tạo, nâng cấp, xây dựng mới các hạng mục công trình trong các dự án đã đầu tư xây dựng.
Đặc biệt theo ông Nguyễn Minh Phong, một trong những điểm mới và tích cực của Nghị định số 138 chính là việc phân quyền hay đúng hơn là việc quy định rõ cấp thẩm quyền quyết định các mức đầu tư dưới 45 tỷ đồng, từ 45 tỷ đồng đến 120 tỷ đồng và trên 120 tỷ đồng. “Việc phân rõ thẩm quyền quyết định này rất phù hợp, vừa sát với thực tiễn vừa đảm bảo việc phân cấp cho các địa phương với nguyên tắc thuộc ngân sách cấp nào do ngân sách cấp đó đảm bảo, đồng thời không vượt quá tổng chi thường xuyên đã được phê duyệt. Tất cả những nguyên tắc này đều rất quan trọng trong quản lý tài chính” – TS. Nguyễn Minh Phong chia sẻ.
Đánh giá về Nghị định số 138, GS.TS Hoàng Văn Cường, Ủy viên Ủy ban tài chính - Ngân sách Quốc hội cho biết, Chính phủ đã "đi trước, đi sớm, đón trước" để ban hành Nghị định, nhằm tháo gỡ ngay các vướng mắc trong thực tiễn trong quá trình sử dụng dự toán NSNN cho các hoạt động mua sắm tài sản, trang thiết bị và cải tạo, nâng cấp, mở rộng hạng mục công trình trong các dự án đã đầu tư xây dựng.
Căn cứ vào Nghị định này, các bộ, ngành, địa phương sẽ chủ động sử dụng chi thường xuyên để thực hiện các nhiệm vụ, dự án ngoài kế hoạch đầu tư công trung hạn đã được phê duyệt, chủ động trong việc thực hiện nhiệm vụ được giao, đặc biệt là các nhiệm vụ liên quan đến phát triển kinh tế - xã hội.
Đứng ở khía cạnh những người làm tư vấn pháp luật, trả lời phỏng vấn báo chí, ông Ngô Vĩnh Bạch Dương – Chuyên gia kinh tế, Giám đốc Trung tâm Tư vấn pháp luật (Viện Nhà nước và Pháp luật) cũng cho rằng, việc ban hành Nghị định số 138 là một hành động quyết đoán theo thẩm quyền trong hoạt động điều hành của Chính phủ.
Theo ông Dương, ách tắc trong việc sử dụng ngân sách của các cơ quan nhà nước đã tồn tại nhiều năm, những người chịu trách nhiệm xây dựng nghị định này đã nhìn thấy tính “có vấn đề” của các văn bản luật. “Nhưng sửa luật thuộc thẩm quyền của Quốc hội, mà Chính phủ không thể chờ thêm cho quy trình vì nếu đợi có thể làm nghẽn nhiều hoạt động ở nhiều cơ quan nhà nước. Do đó, phải hành động bằng việc ra Nghị định số 138 để khơi thông ách tắc” – ông Dương nhấn mạnh.
Cũng theo ông Dương, Nghị định số 138 chắc chắn là một tư liệu rất tốt để Quốc hội có thể xem xét, sửa đổi các đạo luật liên quan đến chi ngân sách, quản lý đầu tư công trong thời gian tới.
Quy định cụ thể việc bố trí dự toán, quản lý sử dụng chi thường xuyên ngân sách nhà nướcNghị định 138/2024/NĐ-CP quy định việc bố trí kinh phí chi thường xuyên NSNN để thực hiện các nhiệm vụ mua sắm tài sản, trang thiết bị; cải tạo, nâng cấp, mở rộng, xây dựng mới hạng mục công trình trong các dự án đã đầu tư xây dựng. Theo đó, thực hiện nguyên tắc không trùng lắp với các nhiệm vụ có cùng nội dung của đơn vị đã được bố trí trong kế hoạch ĐTC trung hạn theo quy định của pháp luật về ĐTC, cần phải thực hiện ngay trong năm ngân sách để đảm bảo hoạt động thường xuyên của cơ quan, đơn vị và phải được cấp có thẩm quyền phê duyệt nhiệm vụ và dự toán kinh phí thực hiện theo quy định của pháp luật. Các cơ quan, đơn vị chịu trách nhiệm rà soát, đề xuất đảm bảo đúng nguyên tắc và chịu trách nhiệm toàn diện về hồ sơ đề nghị bố trí kinh phí chi thường xuyên để thực hiện các nhiệm vụ theo quy định tại Nghị định này. Việc lập dự toán, phân bổ dự toán, quản lý sử dụng về quyết toán kinh phí chi thường xuyên thực hiện nhiệm vụ mua sắm tài sản, trang thiết bị, cải tạo, nâng cấp, mở rộng, xây dựng mới hạng mục công trình trong các dự án đã đầu tư xây dựng được thực hiện theo quy định của pháp luật về NSNN, pháp luật về quản lý, sử dụng TSC, pháp luật về xây dựng và pháp luật có liên quan. Đặc biệt, đối với nhiệm vụ cải tạo, nâng cấp, mở rộng, xây dựng mới hạng mục công trình trong các dự án đã đầu tư xây dựng, Nghị định 138/2024/NĐ-CP quy định các cơ quan, đơn vị phải căn cứ quy định về tiêu chuẩn, định mức sử dụng trụ sở làm việc, cơ sở hoạt động sự nghiệp theo quy định của pháp luật về quản lý, sử dụng TSC và pháp luật của ngành, lĩnh vực có liên quan để lập dự toán trình cấp có thẩm quyền xem xét, quyết định, tối đa không quá 15 tỷ đồng/nhiệm vụ. Việc phân bổ dự toán kinh phí chi thường xuyên để thực hiện nhiệm vụ không được vượt quá tổng dự toán chi thường xuyên được giao của cơ quan, đơn vị trong năm ngân sách. |