![]() |
Ảnh tư liệu |
Theo báo cáo tài chính kiểm toán hợp nhất năm 2024, tổng tài sản của OCB đạt 280.712 tỷ đồng tăng 16,9% so với năm 2023, mức tăng trưởng tín dụng thị trường 1 đạt gần 20%, cao hơn trung bình ngành (15,08%).
Dư nợ tín dụng của ngân hàng tiếp tục tập trung vào 2 nhóm khách hàng chiến lược là cá nhân và doanh nghiệp vừa và nhỏ với mức tăng lần lượt 11,4% và 51,7% so với cùng kỳ năm trước. Bên cạnh đó, tính đến 31/12/2024, tín dụng xanh tại OCB cũng được đẩy mạnh, tăng 30% so với năm 2023. Huy động thị trường 1 đạt 192.413 tỷ đồng, tăng 14,5% so với năm 2023.
Tổng thu thuần của OCB đạt 10.069 tỷ đồng tăng đến 12,7%% so với cùng kỳ năm trước, đặc biệt là thu thuần từ lãi đạt 8.607 tỷ đồng, tăng 27,2% so với năm 2023, nhờ vào quy mô tín dụng tăng trưởng gần 20% và NIM cải thiện ở mức 3,5% vào cuối năm 2024. Tỷ lệ giao dịch qua kênh số tại OCB đạt mức 96,2%.
Ở chiều ngược lại, tổng thu nhập ngoài lãi giảm so với cùng kỳ năm trước, đạt 1.462 tỷ đồng nguyên nhân đến từ hoạt động kinh doanh ngoại tệ và chứng khoán, cụ thể là thị trường trái phiếu chính phủ do ảnh hưởng từ thị trường chung mà hầu hết các ngân hàng trong hệ thống phải “đối mặt” trong năm 2024.
Lợi nhuận trước thuế đạt 4.006 tỷ đồng, giảm 3,2% so với năm 2023. Tuy nhiên, nếu tính trong quý 4/2024, tình hình kinh doanh của ngân hàng đã có những chuyển biến tích cực khi lợi nhuận trước thuế tăng 230% so với quý trước.
“Năm 2025 là một năm rất quan trọng đối với OCB bởi đây là năm cuối cùng để hoàn thành chiến lược giai đoạn 2021 – 2025 và cũng là giai đoạn chuyển đổi cho chiến lược mới 2026 – 2030. Chúng tôi quyết tâm thực hiện các hành động trọng tâm đã đặt ra vì mục tiêu đẩy mạnh hoạt động kinh doanh của ngân hàng theo hướng tăng trưởng ổn định, minh bạch và bền vững, từ đó thực thi chiến lược 5 năm 2026 – 2030 nằm trong Top 5 ngân hàng tư nhân về ROE, ESG”, ông Phạm Hồng Hải – Tổng Giám đốc OCB chia sẻ. |