thue tphcm

Cán bộ Cục Thuế TP. Hồ Chí Minh hướng dẫn hồ sơ thủ tục cho người nộp thuế. Ảnh Đỗ Doãn

Nêu đích danh các hành vi chuyển giá

Kiểm soát hoạt động chuyển giá đối với các doanh nghiệp (DN) có giao dịch liên kết, trong đó chủ yếu là các DN có vốn đầu tư nước ngoài (FDI) luôn được Cục Thuế TP. Hồ Chí Minh quan tâm, chú trọng. Chính vì thế mà trong nội dung kế hoạch chống thất thu ngân sách nhà nước (NSNN) năm nay do Cục Thuế soạn thảo và trình UBND TP. Hồ Chí Minh ban hành, với tám chuyên đề bao phủ hầu hết các lĩnh vực có rủi ro cao về thuế, hoạt động chống chuyển giá được cơ quan thuế đặt ra trước tiên.

Theo chuyên đề này, các tiêu chí để cơ quan thuế dùng xác định đối tượng gồm: Người nộp thuế (NNT) không kê khai, kê khai không đầy đủ thông tin hoặc không nộp Phụ lục I, hoặc cung cấp không đầy đủ thông tin hồ sơ xác định giá giao dịch liên kết quy định tại Phụ lục II, Phụ lục III của Nghị định 132/2020/NĐ-CP.

Đối tượng được nhắm đến tiếp theo là những NNT sử dụng các thông tin về giao dịch độc lập không trung thực, không đúng thực tế để phân tích, so sánh, kê khai xác định giá giao dịch liên kết, hoặc dựa vào các tài liệu, dữ liệu và chứng từ không hợp pháp, không hợp lệ hoặc không nêu rõ nguồn gốc xuất xứ để xác định mức giá, tỷ suất lợi nhuận hoặc tỷ lệ phân bổ lợi nhuận áp dụng cho giao dịch liên kết.

Sau khi xác định các đối tượng, cơ quan thuế sẽ soạn thảo tài liệu tóm tắt các hành vi chuyển giá theo pháp luật thuế Việt Nam gửi đến các DN FDI để tuyên truyền, cảnh báo nhằm giúp DN chấp hành tốt pháp luật thuế Việt Nam; song song đó là tiến hành công tác thanh tra, kiểm tra kiểm soát chặt chẽ đối với hoạt động chuyển giá, báo lỗ, chuyển lợi nhuận ra nước ngoài của các DN này. Cơ quan thuế cũng gửi đến các công ty kiểm toán độc lập, đại lý thuế cung cấp dịch vụ hỗ trợ kê khai thuế cho DN thực hiện việc kê khai các hồ sơ giá chuyển nhượng của DN khách hàng.

thuế tphcm
Đăng ký tài khoản giao dịch thuế điện tử tại Cục Thuế TP. Hồ Chí Minh. Ảnh Đỗ Doãn

Cùng phối hợp để việc chống chuyển giá đạt hiệu quả cao

Trong khi đó, theo chia sẻ của một cán bộ chuyên trách công tác thanh tra, kiểm tra của Cục Thuế TP. Hồ Chí Minh, các cơ quan chức năng như quản lý thị trường, hải quan cũng được UBND TP. Hồ Chí Minh mà cụ thể là Ban chỉ đạo chống thất thu ngân sách TP. Hồ Chí Minh chỉ đạo phải chủ động phối hợp với cơ quan thuế nếu thấy có dấu hiệu chuyển giá.

Cụ thể như đối với Cục Hải quan thành phố, khi thấy DN có giao dịch liên kết có dấu hiệu chuyển giá thì cần phối hợp với cơ quan thuế để xử lý, nhất là khi thấy những yếu tố như: vốn góp vào dự án đầu tư là máy móc thiết bị, nguyên liệu, tài sản vô hình, bản quyền định giá quá cao.

Cơ quan hải quan cũng phải rà soát các DN thực hiện gia công sản xuất xuất khẩu; phân loại, lập danh sách các DN có độ rủi ro cao để theo dõi và có biện pháp quản lý; theo dõi chặt chẽ thời hạn kết thúc của từng hợp đồng gia công để yêu cầu DN không có thanh khoản kịp thời, hạn chế việc DN chuyển tiêu thụ nội địa sau đó bỏ trốn.

Đối với cơ quan quản lý thị trường, ngoài việc đẩy mạnh thực hiện nhiệm vụ chức năng trong chống thất thu ngân sách như tăng cường kiểm tra giám sát, xử lý các hành vi kinh doanh hàng hoá nhập lậu, hàng giả, hàng cấm, hàng hoá không rõ nguồn gốc xuất xứ, các hành vi xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ, hành vi vi phạm pháp luật về chất lượng, giá, về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng và các hành vi gian lận thương mại… Cơ quan này cũng được chỉ đạo phối hợp với cơ quan thuế trao đổi thông tin về kiểm soát lưu thông hàng hóa, hàng gian, hàng giả để cơ quan thuế hoàn thiện chuyên đề kiểm soát hoạt động chuyển giá./.

Đỗ Doãn