bảo hiểm

Generali Việt Nam và Eximbank ký kết hợp đồng hợp tác độc quyền phân phối sản phẩm bảo hiểm qua ngân hàng.

Đây cũng là mốc son, đánh dấu sự ra đời của thị trường BH Việt Nam. So với các nước trong khu vực, có thể nói thị trường BH Việt Nam còn khá non trẻ, tuy nhiên bước đầu đã gặt hái nhiều thành quả quan trọng. Đến nay toàn thị trường BH đã có 62 doanh nghiệp bảo hiểm (DNBH) và 1 chi nhánh DNBH phi nhân thọ nước ngoài; thị trường luôn duy trì tốc độ tăng trưởng hai con số, dự kiến đến năm 2020, tổng doanh thu ngành BH sẽ đạt 3% - 4% GDP.

Phát triển phù hợp với định hướng

Nhìn lại chặng đường 23 năm phát triển, có thể thấy ngành BH Việt Nam đã phát triển phù hợp với định hướng phát triển nền kinh tế - xã hội, đồng thời luôn đảm bảo thực hiện các cam kết quốc tế mà Việt Nam là thành viên. Thị trường cũng luôn đáp ứng nhu cầu BH đa dạng của các tổ chức, cá nhân, góp phần ổn định nền kinh tế và bảo đảm an sinh xã hội; tiếp cận được các chuẩn mực, thông lệ quốc tế về kinh doanh BH và từng bước thu hẹp khoảng cách phát triển với các quốc gia trong khu vực.

Cụ thể, với việc gia nhập WTO từ năm 2007 và đang chuẩn bị thực hiện các cam kết theo Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình dương TPP, Quốc hội đã ban hành Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Kinh doanh BH năm 2010, Chính phủ cũng đã ban hành Nghị định quy định chi tiết thi hành Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Kinh doanh BH, trong đó cho phép thành lập chi nhánh DNBH phi nhân thọ nước ngoài và cung cấp dịch vụ BH qua biên giới. Đối với các cam kết theo Hiệp định TPP, kết quả rà soát cho thấy, đến nay về cơ bản, hệ thống pháp luật kinh doanh BH đã đảm bảo phù hợp để thực thi các cam kết theo Hiệp định quốc tế.

Bên cạnh đó, cơ quan quản lý BH cũng luôn tích cực chủ động tham gia và đàm phán các Hiệp định đa phương, song phương với các đối tác kinh tế quan trọng, đồng thời mở cửa thị trường BH theo các cam kết quốc tế và phù hợp với lợi ích quốc gia như: ASEAN; ASEAN + (ASEAN - Nhật Bản; ASEAN - Ấn Độ); WTO; Việt Nam - Hàn Quốc; Việt Nam - EU; Việt Nam - Hoa Kỳ; Việt Nam - Singapore…

Theo báo cáo tại Diễn đàn các nhà quản lý BH Đông Nam Á mới đây, Việt Nam đã tuân thủ hoàn toàn 13/26 các nguyên tắc quản lý, giám sát BH theo thông lệ quốc tế, từng bước thu hẹp khoảng cách phát triển với các quốc gia trong khu vực.

Với việc tạo hành lang pháp lý đầy đủ cùng các chính sách khuyến khích thu hút đầu tư dần hoàn thiện và đời sống người dân Việt Nam ngày một nâng cao, thị trường BH Việt Nam được đánh giá là mảnh đất giàu tiềm năng đối với các nhà đầu tư ngoại. Theo đó, nhiều nhà đầu tư ngoại đã đầu tư mạnh vào thị trường BH Việt Nam và coi đây là “cứ điểm” để đầu tư sang các thị trường khu vực, đến nay thị trường đã có 62 DNBH và 1 chi nhánh DNBH phi nhân thọ nước ngoài hoạt động, trong đó, nhiều DNBH có 100% vốn nước ngoài, đồng thời cam kết đầu tư lâu dài tại thị trường này.

Không chỉ hội nhập sâu rộng, thị trường BH Việt Nam cũng được đánh giá là thị trường có tốc độ tăng trưởng nhanh, riêng trong giai đoạn 2011 - 2015, tổng doanh thu thị trường BH luôn duy trì ở mức tăng trưởng bình quân 16,8%/năm, đến hết năm 2015, đạt khoảng 2% GDP. Tổng tài sản tăng bình quân 15,57%/năm; tổng các quỹ dự phòng nghiệp vụ BH tăng bình quân 16,78%/năm...

Tổng nguồn vốn đầu tư trở lại nền kinh tế của các DNBH trong giai đoạn này đạt 160.466 tỷ đồng, tăng gấp 2,02 lần so với năm 2010, trong đó, tổng số tiền đầu tư của các DNBH vào trái phiếu Chính phủ đạt gần 89.000 tỷ đồng, góp phần thực hiện thành công kế hoạch phát hành trái phiếu của Chính phủ, ổn định kinh tế vĩ mô; các DNBH cũng đã đóng góp vào ngân sách nhà nước 7.558 tỷ đồng, tăng gấp 1,85 lần so với năm 2010.

Bên cạnh đó, DNBH cũng luôn chú trọng nâng cao chất lượng dịch vụ, đa dạng hóa sản phẩm BH, chuyên nghiệp hóa kênh phân phối, nâng cao năng lực canh tranh, tiếp cận công nghệ hiện đại, thu hút vốn đầu tư nước ngoài phục vụ phát triển kinh tế - xã hội.

Đẩy mạnh hợp tác quốc tế và hội nhập

Trong giai đoạn 2016 - 2020, một trong những nhiệm vụ trọng tâm của ngành BH là đẩy mạnh hợp tác quốc tế và hội nhập trong lĩnh vực BH. Theo đó, cơ quan quản lý về BH cho biết, sẽ mở rộng hợp tác với các quốc gia phát triển về BH ngoài các quốc gia khu vực Châu Á, nhằm học hỏi, chia sẻ kinh nghiệm; nâng cao hiệu quả trong công tác quản lý, giám sát thị trường.

Đồng thời, triển khai thực hiện có hiệu quả các cam kết hội nhập kinh tế quốc tế trong lĩnh vực BH, các chương trình hợp tác đang thực hiện với các tổ chức và đối tác quốc tế, đặc biệt là các dịch vụ BH trong các FTA mà Việt Nam đã ký kết.

Bên cạnh đó, nhằm hoàn thành mục tiêu của Chiến lược phát triển thị trường BH đến năm 2020 tổng doanh thu ngành BH đạt 3% - 4% GDP; quy mô các quỹ dự phòng nghiệp vụ BH tăng gấp 4,5 lần so với năm 2010 (năm 2010 là 55.324 tỷ đồng); tổng nguồn vốn huy động cho nền kinh tế của các DNBH tăng gấp 3,5 lần so với năm 2010..., cơ quan quản lý về BH cho biết, sẽ tiếp tục hoàn thiện hệ thống pháp luật trong lĩnh vực kinh doanh BH.

Cụ thể, sẽ sớm sửa Luật Kinh doanh BH số 24/2000/QH10 và Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Kinh doanh BH số 61/2010/QH12, đồng thời, ban hành Nghị định thay thế các Nghị định về kinh doanh BH, tập trung vào các nhóm vấn đề giúp đỡ, hỗ trợ, thúc đẩy doanh nghiệp (DN) tăng trưởng hiệu quả…

Bên cạnh đó, sẽ giám sát, đôn đốc DNBH tự đánh giá, xếp loại theo quy định, để có biện pháp quản lý, giám sát phù hợp, đảm bảo duy trì an toàn tài chính và hiệu quả hoạt động của DN. Đồng thời, khuyến khích, hỗ trợ các DNBH phát triển và đa dạng hóa sản phẩm BH; đa dạng và chuyên nghiệp hóa các kênh phân phối BH như phân phối BH qua thương mại điện tử, phân phối BH qua điện thoại di động…

Đồng thời, tiếp tục đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính trong lĩnh vực BH, triển khai hệ thống phần mềm quản lý, giám sát trực tuyến nhằm rút ngắn thời gian và thủ tục hành chính cho các DNBH, tạo dựng môi trường thuận lợi cho DN, đảm bảo thị trường phát triển ngày càng bền vững, sớm hoàn thành mục tiêu đề ra.

Đặng Hương