Giá dầu hồi phục, kim loại diễn biến trái chiều
Thị trường hàng hóa nguyên liệu thế giới diễn biến phân hóa trong phiên giao dịch ngày hôm qua. Ảnh tư liệu

Đóng cửa, lực bán tiếp tục chiếm ưu thế kéo chỉ số MXV-Index giảm nhẹ gần 0,1% về mức 2.166 điểm.

Giá dầu phục hồi sau 4 phiên giảm liên tiếp

Thị trường năng lượng ghi nhận những diễn biến tích cực trong phiên giao dịch ngày 17/10. Giá các mặt hàng dầu thô tăng nhẹ kết thúc chuỗi 4 phiên suy yếu liên tiếp trước đó, trong bối cảnh nền kinh tế Mỹ phát đi những tín hiệu tích cực và tồn kho dầu thô của nước này sụt giảm. Giá dầu thô WTI giao tháng 11 ghi nhận mức tăng nhẹ 0,4% lên 70,67 USD/thùng. Giá dầu thô Brent giao tháng 12 cũng tăng 0,31% lên 74,45 USD/thùng.

Dữ liệu kinh tế Mỹ được công bố vào hôm qua là động lực hỗ trợ cho nhu cầu năng lượng cũng như giá dầu thô.

Sự sụt giảm tồn kho dầu thô ở Mỹ cũng góp phần hỗ trợ giá trong phiên hôm qua. Báo cáo Dầu khí của Cơ quan Quản lý Thông tin Năng lượng Mỹ cho thấy, tồn kho dầu thô thương mại của nước này trong tuần kết thúc ngày 11/10 đạt 420,5 triệu thùng, giảm 2,2 triệu thùng so với một tuần trước. Mức giảm này mạnh hơn so với báo cáo giảm 1,58 triệu thùng của Viện Dầu khí Mỹ và trái với mức dự đoán tăng 1,8 triệu thùng của giới phân tích.

Thêm vào đó sản lượng dầu thô tại bang North Dakota - bang sản xuất lớn thứ 3 của Mỹ - được ước tính đã giảm 500.000 thùng trong tháng 10, sau khi các vụ cháy rừng lan ra các khu vực sản xuất vào đầu tháng.

Ở chiều ngược lại, sự mạnh lên của đồng USD đã gây áp lực lên giá dầu thô, do điều này khiến dầu trở nên đắt đỏ hơn đối với người mua nước ngoài. Chỉ số Dollar Index - phản ánh sức mạnh của đồng bạc xanh trong rổ tiền tệ quốc tế - đã chạm mức cao nhất trong vòng 11 tuần vào ngày hôm qua.

Sắc đỏ bao phủ thị trường kim loại

Thị trường kim loại tiếp tục chìm trong sắc đỏ sau phiên giao dịch ngày 17/10, với hầu hết các mặt hàng đều ghi nhận mức giảm.

Đối với nhóm kim loại quý, giá bạc đánh mất 0,63% về mức 31,77 USD/ounce. Ở chiều ngược lại, giá bạch kim vẫn duy trì đà tăng với mức tăng nhẹ 0,32%, chốt phiên ở mức 1.005,8 USD/ounce.

Đối với nhóm kim loại cơ bản, giá quặng sắt tiếp tục xu hướng giảm trong ba phiên liên tiếp, với mức giảm mạnh 4,89%, kéo giá về mức 99,62 USD/tấn. Sự sụt giảm liên tục của giá quặng sắt phản ánh tâm lý bi quan của nhà đầu tư trước những gói kích thích kinh tế được kỳ vọng của Trung Quốc - quốc gia tiêu thụ quặng sắt hàng đầu thế giới./.