Thị trường hàng hóa thế giới tuần từ 18-25/5: Đa phần tăng giá, trong khi vàng, đồng và khí đốt giảm mạnh
Thị trường năng lượng chứng kiến tuần tăng điểm ấn tượng. Ảnh tư liệu

Giá dầu thế giới tăng vọt

Thị trường năng lượng chứng kiến tuần tăng điểm ấn tượng khi tất cả các mặt hàng đều khởi sắc, trong đó dầu thô là điểm nhấn chính với mức tăng 6%, xóa hoàn toàn mức giảm 4% trong tuần trước đó. Lực mua bắt đáy của thị trường, căng thẳng địa chính trị có chiều hướng gia tăng và lo ngại thiếu hụt nguồn cung dầu trong ngắn hạn ở một số khu vực sản xuất dầu lớn là những nguyên nhân đẩy giá dầu thế giới tăng vọt trong tuần qua.

Ngay phiên giao dịch đầu tuần trước, giá dầu đã bật tăng trong bối cảnh xung đột tại Trung Đông vẫn chưa có dấu hiệu hạ nhiệt thì chính sách của Mỹ liên quan đến cuộc chiến ở Ukraine thay đổi đã đẩy thị trường đến lo ngại nguồn cung dầu thô toàn cầu có thể bị gián đoạn. Bên cạnh đó, sự cố mất điện dẫn đến sản xuất bị tạm ngưng tại mỏ dầu lớn nhất Tây Âu, mỏ Johan Sverdrup cũng gia tăng lo lắng về việc gián đoạn nguồn cung dầu thô tại Biển Bắc. Những nguyên nhân này đã đẩy giá dầu thế giới tăng cao.

Ngoài ra, sự sụt giảm của lượng dầu thô được lưu trữ trên các tàu chở dầu trên toàn thế giới cũng góp phần hỗ trợ giá. Hãng giám sát tàu hàng Vortexa cho biết lượng dầu thô lưu trữ trên các tàu chở dầu trong tuần kết thúc ngày 15/11 đạt 50,97 triệu thùng, giảm 14% so với một tuần trước.

Về phía nhu cầu dầu, tuần trước thị trường đã nhận được một loạt tín hiệu tích cực từ những thị trường tiêu thụ lớn nhất thế giới. Hôm 21/11, trong bối cảnh Mỹ có thể sẽ áp mức thuế từ 60% trở lên đối với hàng hóa nhập khẩu từ Trung Quốc, chính quyền Trung Quốc đã công bố các biện pháp thúc đẩy hoạt động thương mại và hỗ trợ nhập khẩu các sản phẩm năng lượng. Ngoài ra, triển vọng nhu cầu dầu được cải thiện thêm sau thông tin dầu thô nhập khẩu vào Trung Quốc trong tháng 11 có thể đạt 11,4 triệu thùng/ngày, mức cao nhất kể từ tháng 8, do nước này tận dụng vùng giá thấp hồi tháng 9 để mua tích trữ. Bên cạnh đó, dầu thô nhập khẩu vào Ấn Độ - thị trường tiêu thụ lớn thứ ba thế giới, cũng tăng 4,2% trong tháng 10/2024 so với cùng kỳ năm ngoái. Những thông tin này đã hỗ trợ giá dầu đi lên trong tuần vừa qua.

Giá cà phê thế giới tăng tuần thứ 3 liên tiếp

Theo MXV, các mặt hàng nguyên liệu công nghiệp đồng loạt tăng giá, với đà tăng mạnh từ hai mặt hàng cà phê. Giá cà phê Arabica tăng 6,64% lên 6.660 USD/tấn, thiết lập mức đỉnh mới trong 13 năm rưỡi, giá cà phê Robusta cũng tăng 4,4% lên gần 5.000 USD/tấn. Đây là tuần tăng giá thứ ba liên tiếp của cả hai mặt hàng, được thúc đẩy chủ yếu bởi lo ngại về nguồn cung tại Brazil và Việt Nam.

Tại Brazil, mặc dù lượng mưa tại bang Minas Gerais, vùng trồng cà phê lớn nhất nước này, đã cao hơn 27% so với mức trung bình lịch sử trong tuần trước, thị trường vẫn lo ngại về tình trạng thiếu hụt độ ẩm trong đất đối với vụ mùa 2025 - 2026. Theo Barchart, lượng mưa tại Brazil liên tục thấp hơn mức trung bình kể từ tháng 4, ảnh hưởng đến giai đoạn ra hoa quan trọng và triển vọng vụ mùa cà phê Arabica.

Trong tuần vừa qua, Bộ Nông nghiệp Mỹ (USDA) cơ sở tại Brazil vừa hạ dự báo sản lượng cà phê niên vụ 2024 - 2025 của nước này xuống còn 66,4 triệu bao loại 60 kg, giảm 3,5 triệu bao so với dự đoán trước đó. Nguyên nhân chính đến từ sự sụt giảm sản lượng cà phê Arabica do điều kiện thời tiết khắc nghiệt trong suốt giai đoạn ra hoa và phát triển hạt. Đồng thời, USDA cũng dự báo xuất khẩu niên vụ 2024 - 2025 sẽ giảm 5% so với dự đoán trước, xuống còn 44,25 triệu bao, thấp hơn 2,5 triệu bao so với niên vụ trước. Đáng chú ý, tồn kho cuối vụ 2024 - 2025 được dự báo giảm mạnh 65% so với báo cáo trước, về mức 1,24 triệu bao, trong khi tồn kho cuối niên vụ 2023 - 2024 cũng bị điều chỉnh từ 2,885 triệu bao xuống 1,685 triệu bao.

Tại Việt Nam, thị trường đang đối mặt với nhiều thách thức về nguồn cung. Bên cạnh lo ngại về hiện tượng La Nina có thể xuất hiện vào cuối năm và ảnh hưởng đến quá trình thu hoạch, lượng cà phê sẵn có tại thời điểm bước vào vụ thu hoạch chính 2024 cũng ở mức thấp. Theo Reuters, các thương nhân tại Việt Nam cho biết nhu cầu đang tăng trong khi nguồn cung vẫn hạn chế. Khác với các vụ trước, nông dân năm nay không vội bán cà phê do tình hình tài chính ổn định nhờ doanh thu từ việc bán sầu riêng và hồ tiêu trước đó./.