Chú thích ảnh
Vàng miếng được giới thiệu tại sàn giao dịch vàng ở Seoul, Hàn Quốc.

Giá vàng giao ngay tăng 0,5% lên 2.588,29 USD/ounce vào lúc gần 13 giờ (giờ Việt Nam) sau khi đạt mức cao kỷ lục 2.589,23 USD/ounce vào đầu phiên giao dịch. Giá vàng Mỹ giao kỳ hạn cũng tăng 0,2% lên 2.615,80 USD/ounce.

Các nhà kinh doanh cho biết khối lượng giao dịch thấp do các thị trường Trung Quốc, Nhật Bản, Indonesia, Malaysia và Hàn Quốc đóng cửa nghỉ Tết Trung Thu.

Đồng USD giảm 0,2% khiến vàng trở nên rẻ hơn đối với những người nắm giữ loại tiền tệ khác.

Chuyên gia phân tích thị trường hàng đầu Tim Waterer của KCM Trade cho biết, triển vọng Fed có thể sẽ cắt giảm lãi suất 50 điểm cơ bản trong tuần này đã khiến giá vàng và đồng USD chuyển động ngược chiều với nhau. Với diễn biến hiện nay, giá vàng có thể sẽ còn tăng tiếp. Nếu đồng USD tiếp tục giảm, giá vàng có thể đạt 2.700 USD/ounce vào cuối năm nay.

Theo công cụ FedWatch của CME, thị trường hiện đang kỳ vọng 59% khả năng Fed sẽ cắt giảm 50 điểm cơ bản vào thứ Tư (18/9). Đây sẽ là lần cắt giảm lãi suất đầu tiên của Fed kể từ năm 2020.

Tại Việt Nam, vào lúc 16 giờ 42 phút chiều 16/9 công ty Vàng bạc đá quý Sài Gòn niêm yết giá vàng SJC tại thị trường Hà Nội ở mức 78,50 - 80,50 triệu đồng/lượng (mua vào - bán ra).

Giá dầu tăng do triển vọng cắt giảm lãi suất của Fed

Chú thích ảnh
Một giếng dầu ở tỉnh Liêu Ninh, Trung Quốc.

Giá dầu châu Á tăng trong phiên giao dịch chiều 16/9 bởi kỳ vọng Fed sẽ cắt giảm lãi suất trong tuần này. Tuy nhiên mức tăng bị hạn chế bởi những lo ngại dai dẳng về nhu cầu và số liệu kinh tế của Trung Quốc yếu.

Giá dầu Brent giao tháng 11/2024 tăng 38 xu Mỹ (0,5%) lên 71,99 USD/thùng vào lúc 14 giờ chiều (giờ Việt Nam). Giá dầu ngọt nhẹ Mỹ (WTI) giao tháng 10/2024 cũng tăng 49 xu Mỹ (0,7%) lên 69,14 USD/thùng.

Nhà phân tích thị trường cấp cao Priyanka Sachdeva của Phillip Nova cho biết, các thị trường đang tập trung vào những quyết định chính sách sắp tới của Ủy ban Thị trường mở liên bang (FOMC) và các nhà giao dịch có thể sẽ thận trọng. Giá dầu có khả năng vẫn được hỗ trợ bởi những lo ngại về nguồn cung do hoạt động sản xuất ở Vịnh Mexico của Mỹ vẫn bị gián đoạn.

Một yếu tố chính sẽ chi phối thị trường trong tuần này là mức độ cắt giảm lãi suất mạnh mẽ mà FOMC sẽ đưa ra sau cuộc họp ngày 17 - 18/9.

Theo công cụ CME FedWatch, các nhà đầu tư ngày càng kỳ vọng rằng Fed sẽ cắt giảm 50 điểm cơ bản thay vì 25 điểm cơ bản trong cuộc họp tới. Lãi suất thấp thường làm giảm chi phí vay, điều này có thể thúc đẩy hoạt động kinh tế và nâng cao nhu cầu dầu mỏ.

Nhà phân tích thị trường cấp cao Kelvin Wong của OANDA nhận định rằng việc Fed cắt giảm 50 điểm cơ bản có thể cho thấy nền kinh tế Mỹ tăng trưởng yếu, làm dấy lên mối lo ngại về nhu cầu dầu mỏ. Còn chuyên gia chiến lược thị trường Yeap Jun Rong của IG cho biết, sự lạc quan trên thị trường đã bị dập tắt bởi dữ liệu kinh tế của Trung Quốc được công bố vào cuối tuần qua yếu. Triển vọng tăng trưởng của nền kinh tế lớn thứ hai thế giới này đã ở mức thấp trong suốt thời gian dài.

Sản lượng công nghiệp của Trung Quốc, quốc gia nhập khẩu dầu hàng đầu thế giới, đã giảm tốc xuống mức thấp nhất trong năm tháng vào tháng 8/2024, trong khi doanh số bán lẻ và giá nhà mới tiếp tục giảm.

Các nhà đầu tư chứng khoán châu Á thận trọng

Chú thích ảnh
Bảng chỉ số chứng khoán tại thủ đô Tokyo, Nhật Bản.

Các nhà đầu tư chứng khoán thận trọng trong phiên giao dịch chiều 16/9 trong bối cảnh chờ đợi Fed sẽ công bố mức cắt giảm lãi suất trong tuần này. Những lo ngại về nền kinh tế Trung Quốc tăng trưởng yếu cũng chi phối thị trường.

Chốt phiên, chỉ số Hang Seng của Hong Kong (Trung Quốc) tăng 0,3% lên 17.422,12 điểm. Các thị trường Tokyo (Nhật Bản) và Thượng Hải (Trung Quốc) đóng cửa nghỉ lễ. Thị trường Sydney, Mumbai, Bangkok và Manila cũng tăng nhẹ, nhưng Singapore và Wellington lại đi xuống.

Dữ liệu cho thấy lạm phát của Mỹ đã giảm tốc nhiều hơn dự kiến vào tháng 8/2024 xuống mức thấp nhất kể từ tháng 2/2021 đã làm dấy lên những đồn đoán rằng Fed sẽ cắt giảm 50 điểm cơ bản và tiếp tục nới lỏng chính sách tiền tệ vào năm tới. Các nhà giao dịch cũng đang theo dõi diễn biến tại Trung Quốc sau khi nhiều dữ liệu kinh tế yếu kém về tín dụng, doanh số bán lẻ, sản xuất công nghiệp và giá nhà làm dấy lên mối lo ngại về tăng trưởng của nền kinh tế lớn thứ hai thế giới./.