Cung - cầu vẫn lệch pha

Báo cáo mới đây của DKRA Việt Nam cập nhật con số mới nhất cho thấy, tình trạng thiếu hụt nguồn cung ngày một rõ nét. Trong tháng 4/2022, tại TP. Hồ Chí Minh và một loạt các tỉnh giáp ranh như: Bình Dương, Long An, Đồng Nai, Tây Ninh…, nguồn cung căn hộ khu vực này chưa chạm tới mốc 2.500 căn, chỉ bằng khoảng 69% cùng kỳ năm ngoái. Theo khảo sát của nhiều công ty tư vấn và các chuyên gia, giá bất động sản (BĐS) đã ghi nhận mức tăng khá nhanh trong quý I/2022 và dự kiến sẽ tiếp tục xu thế tăng ở các quý tới. Một trong những nguyên nhân tạo đà tăng cho giá nhà ở là do từ khan hiếm nguồn cung, giá đất, chi phí vật liệu tăng, thời gian hoàn thành thủ tục pháp lý kéo dài. Cùng với đó, trong quý I, giá các mặt hàng vật liệu xây dựng như thép, xi măng đều tăng mạnh và chưa có dấu hiệu giảm nhiệt.

Dữ liệu biến động giá bán một số loại bất động sản trong tháng 3 và quý I/2022 tại 8 địa phương gồm: Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh, Đà Nẵng, Hải Phòng, Bình Dương, Đồng Nai, Khánh Hoà, Bà Rịa - Vũng Tàu cho thấy, giá BĐS tăng khá cao ở nhiều loại hình. Cụ thể, tại Hà Nội, giá căn hộ chung cư tăng 1,53%, nhà ở riêng lẻ tăng 2,24%, đất nền cho xây dựng nhà ở tăng 2,85%. Tương tự, tại TP. Hồ Chí Minh, con số tỷ lệ cũng tăng lần lượt là 2,48% với giá căn hộ chung cư, nhà riêng lẻ tăng 2% và đất nền đắt hơn 3,6%.

Nguồn cung chung cư đang thiếu hụt.
Nguồn cung chung cư đang thiếu hụt.

Theo thống kê của Công ty Savills Việt Nam, trong quý I vừa qua, tại Hà Nội không có dự án mới, mà toàn bộ nguồn cung mới đến từ giai đoạn tiếp theo của 6 dự án. Số lượng giao dịch giảm, giá bán tăng, thị trường nhà ở Hà Nội vẫn duy trì tích cực với nguồn cầu cao. Trong khi đó, tỷ lệ đô thị hóa, tốc độ tăng trưởng dân số tự nhiên và sự gia tăng của tầng lớp trung lưu sẽ là những động lực chính giúp thúc đẩy nguồn cầu về căn hộ trong thời gian tới. Các dự án hạng B dẫn đầu về tốc độ tăng trưởng của mức giá sơ cấp, theo sau bởi hạng C và hạng A. Điều này khiến thị trường rơi vào tình trạng thiếu hụt nguồn cung căn hộ giá rẻ.

Chuyên gia của Savills dự báo, với quỹ đất lớn, 5 huyện sắp lên quận tại Hà Nội bao gồm: Hoài Đức, Đông Anh, Thanh Trì, Gia Lâm và Đan Phượng sẽ trở thành điểm nóng phát triển bất động sản nhà ở, chiếm tỷ lệ 24% nguồn cung tương lai. Bà Đỗ Thu Hằng - Giám đốc cấp cao Bộ phận Tư vấn và nghiên cứu, Savills Hà Nội phân tích, sau một quý trầm lắng, thị trường căn hộ Hà Nội dự kiến sẽ phục hồi nhanh chóng. Cơ sở hạ tầng ngoài trung tâm cải thiện sẽ góp phần thúc đẩy phát triển BĐS.

Giá bán căn hộ khu vực ngoại thành tăng mạnh

Đối với phân khúc chung cư tại các đô thị lớn vẫn đang trên đà tăng giá. Giá rao bán trung bình của chung cư Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh trong 4 tháng đầu năm 2022 tăng lần lượt là 9% và 3,4% so với trung bình giá cả năm 2021. Trước đó, trong báo cáo quý I/2022, Batdongsan.com.vn cũng công bố các phân khúc chung cư Hà Nội có mức giá rao bán trong 3 tháng đầu năm tăng từ 5% - 8% so với trung bình giá năm 2021, còn chung cư TP. Hồ Chí Minh tăng từ 3% - 4%.

Xét về nguồn cung và lực cầu, trong tháng 4/2022, Hà Nội chứng kiến lượng quan tâm tăng đối với tất cả các phân khúc chung cư so với với tháng 4/2021. Trong đó, chung cư cao cấp tăng cao nhất, ở mức 21%, chung cư bình dân tăng thấp nhất, ở mức 5%. Lượng tin rao bán căn hộ cao cấp cũng tăng 13%, trong khi lượng tin đăng chung cư bình dân giảm 3% so với tháng 4/2021.

Các sản phẩm bất động sản có mục đích sử dụng cao sẽ thu hút sự quan tâm

Dự báo về thị trường bất động sản thời gian tới, ông Đinh Minh Tuấn - Giám đốc Batdongsan.com.vn khu vực miền Nam, nhận định: “Thời gian tới, các sản phẩm bất động sản có mục đích sử dụng cao để phục vụ nhu cầu ở thực của người dân và làm mặt bằng kinh doanh, phù hợp với định hướng đẩy mạnh kinh doanh, sản xuất của nhà nước, như nhà riêng, nhà phố, chung cư cho thuê, chung cư tầm giá dưới 45 triệu/m2 sẽ được quan tâm nhiều hơn”.

Ông Chu Đức Toàn - Chuyên viên phân tích cao cấp VNDIRECT, cho hay giá bán căn hộ sơ cấp tại Hà Nội tiếp tục tăng trưởng mạnh mẽ. Cụ thể, giá căn hộ sơ cấp tại Hà Nội tiếp tục tăng mạnh 4,5 - 15,8% trong quý I/2022, ngoại trừ phân khúc hạng sang giảm 2,9% so với cùng kỳ. Giá căn hộ sơ cấp phân khúc trung cấp tiếp tục ghi nhận mức tăng trưởng hai con số 15,8%, mức tăng mạnh nhất trong các phân khúc do nhu cầu cao. Giá trung bình căn hộ sơ cấp tại Hà Nội tăng 13,3%, lên 1.655 USD/m2 trong quý I/2022.

Bên cạnh đó, giá căn hộ thứ cấp ở Hà Nội tiếp tục tăng ổn định trong quý I/2022, trung bình tăng 4,8% so với cùng kỳ. Trong đó, giá bán tại khu vực ngoại thành tiếp tục tăng tốt như: Thanh Trì tăng 12,2%, huyện Chương Mỹ tăng 11,4%.

Tại TP. Hồ Chí Minh, nhu cầu tìm kiếm căn hộ cao cấp và trung cấp tăng lần lượt 14% và 3%, trong khi phân khúc bình dân lại giảm 13% so với cùng kỳ năm ngoái. Lượng rao bán chung cư TP. Hồ Chí Minh ở tất cả các phân khúc đều ghi nhận chiều hướng giảm, riêng chung cư bình dân giảm mạnh nhất, ở mức 21%, cho thấy căn hộ giá rẻ ngày càng vắng bóng trên thị trường.

Ông Nguyễn Văn Đính - Chủ tịch Hội Môi giới bất động sản Việt Nam, cho biết nguyên nhân căn cơ nhất, sâu xa nhất dẫn đến tình trạng tăng giá BĐS thời gian qua là do thiếu nguồn cung và lực cầu tăng cao. Nguồn cung trên thị trường khan hiếm là do các dự án BĐS gần như dừng hẳn, không phê duyệt được vì các quy định pháp lý đang có những mâu thuẫn, chồng chéo tạo ra các rào cản vô hình, các địa phương không dám phê duyệt dự án để bơm nguồn hàng vào thị trường. Trong bối cảnh nguồn cung không thể cải thiện được vì vướng luật, thì hệ lụy cơ bản nhất của cầu cao, cung thấp là làm tăng giá nhà đất tại các địa phương, thậm chí giá đất bị thổi lên, tăng một cách vô tội vạ, tạo thành sự hỗn loạn trên thị trường, trở thành rào cản hạn chế các dự án của nhà đầu tư chính thống, tạo nên sự mâu thuẫn, bất ổn, phức tạp trên thị trường BĐS.

Vi phạm hành chính trong lĩnh vực đất đai có thể bị phạt tới 1 tỷ đồng

Theo Văn bản hợp nhất 14/VBHN-BTNMT 2022 về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực đất đai do Bộ Tài nguyên và Môi trường ban hành ngày 17/5, mức phạt tiền đối với các hành vi vi phạm trong lĩnh vực đất đai như phân lô bán nền không đủ điều kiện, lấn chiếm đất đai, chuyển đổi mục đích sử dụng đất trái phép…, với mức phạt cao nhất là 1 tỷ đồng.

Cụ thể, với trường hợp chuyển nhượng quyền sử dụng đất dưới hình thức phân lô, bán nền trong dự án đầu tư xây dựng kinh doanh nhà ở để bán, hoặc để bán kết hợp cho thuê không đủ một trong các điều kiện quy định khoản 1 Điều 41 Nghị định số 43/2014/NĐ-CP, hoặc đủ điều kiện nhưng chưa được UBND cấp tỉnh cho phép theo quy định tại điểm a khoản 1 Điều 194 Luật Đất đai thì áp dụng các mức phạt tiền từ 20 - 50 triệu đồng đối với diện tích đất đã chuyển nhượng dưới 0,5 ha; phạt từ 50 - 100 triệu đồng đối với diện tích đất đã chuyển nhượng từ 0,5 ha đến dưới 1 ha… Mức phạt cao nhất là 200 - 500 triệu đồng đối với diện tích đất đã chuyển nhượng từ 3 ha trở lên.

Với trường hợp chuyển nhượng quyền sử dụng đất dưới hình thức phân lô, bán nền trong dự án đầu tư xây dựng kinh doanh nhà ở để bán hoặc để bán kết hợp cho thuê không đủ từ hai điều kiện quy định tại Khoản 1 Điều 41 Nghị định số 43/2014/NĐ-CP, thì mức phạt thấp nhất là 50 triệu đồng (đối với vi phạm dưới 0,5 ha), cao nhất là 1 tỷ đồng (đối với diện tích đất đã chuyển nhượng từ 3 ha trở lên).