Đây là khuyến nghị của chuyên gia tại tọa đàm “Đánh giá vòng 2 việc công khai thông tin kế hoạch sử dụng đất đai cấp huyện và bảng giá đất cấp tỉnh trên môi trường điện tử năm 2022”, do Chương trình Phát triển của Liên hợp quốc (UNDP) tại Việt Nam và Trung tâm Thúc đẩy giáo dục và nâng cao năng lực phụ nữ (CEPEW) phối hợp tổ chức, ngày 9/3.

Thông tin đất đai được chia sẻ công khai, minh bạch giúp giảm nguy cơ tham nhũng
Các chuyên gia chia sẻ tại tọa đàm. Ảnh: LV

Có sự cải thiện trong việc công khai thông tin đất đai

Theo bà Ramla Khalidi - Đại diện thường trú UNDP tại Việt Nam, vấn đề chia sẻ thông tin cho các nhóm đối tượng về bảng giá đất và giá đất ở địa phương bất đối xứng là một trong những nguyên nhân chính dẫn đến nhiều khiếu nại, tố cáo liên quan đến đất đai.

Nghiên cứu vòng 2 được thực hiện từ tháng 10/2022 đến tháng 2/2023 thông qua việc rà soát cổng thông tin điện tử chính thức của 63 tỉnh, thành phố và 705 quận, huyện, thị xã trên toàn quốc. Mức độ công khai thông tin đất đai của chính quyền cấp tỉnh và cấp huyện được đánh giá dựa trên 5 tiêu chí bao gồm: công khai thông tin; khả năng tìm kiếm thông tin; tính kịp thời của thông tin; tính đầy đủ của thông tin (đối với quy hoạch sử dụng đất cấp huyện và kế hoạch sử dụng đất cấp huyện); khả năng sử dụng thông tin (dễ đọc, dễ hiểu và đọc được bằng các phần mềm thông dụng).

Luật Đất đai 2013 và Luật Tiếp cận thông tin 2016 đã quy định cụ thể trách nhiệm, quy trình, hình thức và thời hạn công khai thông tin bảng giá đất cấp tỉnh, quy hoạch sử dụng đất cấp huyện và kế hoạch sử dụng đất cấp huyện cũng như cung cấp những nội dung thông tin này theo yêu cầu của người dân. Điều này nhằm đảm bảo quyền tiếp cận thông tin của người dân, hướng tới quản trị đất đai tốt tại Việt Nam.

Tuy nhiên, trên thực tế, khả năng tiếp cận của những thông tin thiết yếu này vẫn còn hạn chế. Kết quả khảo sát thường niên qua Chỉ số Hiệu quả quản trị và hành chính công cấp tỉnh (PAPI) từ năm 2011 đến 2021 cho thấy, chưa đầy 20% người tham gia khảo sát biết thông tin về kế hoạch sử dụng đất ở địa phương và chưa đầy 40% người được hỏi biết về bảng giá đất.

So sánh với kết quả rà soát việc công khai thông tin đất đai trên cổng thông tin điện tử của chính quyền cấp tỉnh và cấp huyện năm 2021, kết quả rà soát năm 2022 cho thấy có sự cải thiện trong việc công khai thông tin kế hoạch sử dụng đất cấp huyện và bảng giá đất cấp tỉnh và mức độ phản hồi của chính quyền địa phương đối với yêu cầu cung cấp thông tin của công dân.

Cụ thể, về việc công khai bảng giá đất cấp tỉnh, tính đến ngày 6/10/2022, có 41/63 tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương (chiếm 65%) đã đăng tải công khai bảng giá đất trên cổng thông tin điện tử của địa phương, tăng 22,2% so với kết quả rà soát năm 2021.

Về việc công khai kế hoạch sử dụng đất cấp huyện, tính đến ngày 6/10/2022, trong số 705 UBND cấp huyện có 55,2% đã thực hiện công khai kế hoạch sử dụng đất trên cổng thông tin điện tử cấp huyện. Có 19/389 đơn vị công khai kế hoạch sử dụng đất cấp huyện năm 2022 ban hành đúng thời hạn (chiếm 4,9%). So sánh kết quả rà soát năm 2021 cho thấy, số lượng UBND cấp huyện thực hiện công khai kế hoạch sử dụng đất trên cổng thông tin điện tử tăng nhẹ (khoảng 7%).

Về việc công khai thông tin quy hoạch sử dụng đất cấp huyện, nội dung mới được đánh giá vào năm 2022, tính đến hết ngày 6/10/2022, trong tổng số 705 đơn vị huyện trên toàn quốc, gần 49% (tương đương 345 UBND cấp huyện) đã thực hiện công khai quy hoạch sử dụng đất cấp huyện thời kỳ 2021-2030, trong đó 105/345 cơ quan được ghi nhận đã công khai đúng thời hạn chiếm 49,6%) đã đăng tải đầy đủ 3 văn bản bao gồm quyết định phê duyệt, báo cáo thuyết minh tổng hợp và bản đồ quy hoạch sử dụng đất.

Hoàn thiện, đồng bộ hóa các quy định pháp luật và chính sách liên quan

Chia sẻ tại tọa đàm về điển hình thực hiện tốt, ông Nguyễn Ngọc Sơn - Phó Phòng Kinh tế ngành (Văn phòng UBND tỉnh Bắc Giang) cho biết, Bắc Giang đã có 100% huyện công khai quy hoạch sử dụng đất thời kỳ 2021-2030. Có được điều này là do từ năm 2017, tỉnh Bắc Giang đã ban hành quy chế dân chủ liên quan đến cung cấp thông tin đất đai, quy định rất rõ loại thông tin nào, hình thức công bố thông tin như thế nào.

“Tất cả những quy định liên quan đến bồi thường giải phóng mặt bằng, quy hoạch, kế hoạch, giá đất tại Bắc Giang đều phải được công khai. Trong đó, lãnh đạo tỉnh yêu cầu chính quyền cơ sở, tổ chức thực hiện nhiệm vụ liên quan đến quản lý sử dụng đất, thu hồi giải phóng mặt bằng phải làm gì. Mặt khác, khi phê duyệt kế hoạch, quy hoạch thì trong quyết định phê duyệt của chính quyền tỉnh bao giờ cũng có một điều khoản bắt buộc là yêu cầu Sở Tài nguyên Môi trường và UBND cấp thành phố, phải công bố thông tin công khai ngay lập tức… nên việc cung cấp thông tin rất rộng và nhanh” - ông Sơn chia sẻ.

Thông tin đất đai được chia sẻ công khai, minh bạch giúp giảm nguy cơ tham nhũng
So sánh kết quả rà soát việc công khai bảng giá đất cấp tỉnh năm 2011 và 2022. Ảnh: LV

Theo nhóm nghiên cứu, dù ở lần đánh giá này, đã có sự cải thiện trong việc công khai thông tin kế hoạch sử dụng đất cấp huyện, bảng giá đất cấp tỉnh và mức độ phản hồi của chính quyền địa phương đối với yêu cầu cung cấp thông tin của công dân. Nhưng những nội dung này chưa có nhiều thay đổi giữa hai lần đánh giá và các chính quyền địa phương cần cải thiện nhiều hơn trong việc thực hiện nhiệm vụ công khai thông tin đất đai trên môi trường điện tử.

Để thúc đẩy việc công khai thông tin đất đai của các cơ quan nhà nước, nhóm nghiên cứu nhấn mạnh sự cần thiết của việc xây dựng, hoàn thiện và đồng bộ hóa các quy định pháp luật và chính sách liên quan tới công khai thông tin đất đai giữa Luật Tiếp cận thông tin và Luật Đất đai. Đồng thời, các cơ quan hữu quan ở cấp tỉnh và cấp huyện cần triển khai thực hiện đầy đủ việc công khai thông tin đất đai trên môi trường trực tuyến ngoài môi trường trực tiếp.

“Ở nhiều quốc gia cho thấy, nơi nào thông tin đất đai được chia sẻ công khai, minh bạch và người dân có cơ hội cho ý kiến vào các dự thảo quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất, bảng giá đất, thì nơi đó kiểm soát tốt hơn nguy cơ tham nhũng liên quan đến đất đai; giảm thiểu những bức xúc liên quan đến đất đai; từ đó niềm tin của người dân với chính quyền được cải thiện” - Đại diện thường trú của Liên hợp quốc tại Việt Nam Ramla Khalidi nhấn mạnh.

Một số điển hình thực hành tốt công khai thông tin

Bắc Giang, Phú Yên: 100% huyện công khai quy hoạch sử dụng đất thời kỳ 2021-2030.

Ninh Thuận và Kon Tum: 100% huyện công khai kế hoạch sử dụng đất cấp huyện năm 2022.

Sóc Trăng, Quảng Trị và Trà Vinh: công khai bảng giá đất cấp tỉnh trên cổng thông tin điện tử của tỉnh đúng thời hạn.

Bà Rịa - Vũng Tàu: có chuyên mục Thông tin tiếp cận đất đai được hệ thống dễ tra cứu thông tin trên cổng thông tin điện tử của tỉnh.

Huyện Tân Châu (tỉnh Tây Ninh): đáp ứng đủ cả 5 tiêu chí với công khai Quy hoạch sử dụng đất và công khai Kế hoạch sử dụng đất.

Thị xã Điện Bàn (tỉnh Quảng Nam): đăng tải có hệ thống KHSDĐ từ năm 2015 đến 2022

Huyện Tây Hòa (tỉnh Phú Yên): có mã QR quét hồ sơ tài liệu công khai trong Thông báo công khai Kế hoạch sử dụng đất.

Huyện Ba Bể (tỉnh Bắc Kạn), huyện Đức Cơ (tỉnh Gia Lai), thị xã Nghĩa Lộ (tỉnh Yên Bái), và huyện Krông Nô (tỉnh Đắk Nông): sử dụng nhiều hình thức, hỗ trợ và đảm bảo người yêu cầu nhận được thông tin.