* Thông tin từ Bộ GTVT cho biết, sáng 16/1/2016, tại địa điểm cầu Hòa Trung, ấp Hòa Nam, xã Hòa Thành, TP. Cà Mau, tỉnh Cà Mau, Bộ GTVT đã thông xe Dự án đầu tư xây dựng cầu Hòa Trung và đường Hồ Chí Minh đoạn từ cầu Năm Căn đến Đất Mũi, tỉnh Cà Mau.
Đây là 2 dự án có ý nghĩa hết sức quan trọng trong tiến trình phát triển kinh tế - xã hội và du lịch, tăng cường củng cố an ninh - quốc phòng của đồng bằng sông Cửu Long nói chung và tỉnh Cà Mau nói riêng.
Theo Bộ GTVT, Dự án cầu Hòa Trung bắc qua sông Gành Hào, kết nối với tuyến đường Cà Mau – Đầm Dơi để nối thông từ TP. Cà Mau đến huyện Đầm Dơi với tổng mức đầu tư khoảng 383 tỷ đồng.
Cầu Hòa Trung vượt sông Gành Hào tại vị trí bến phà Hòa Trung khoảng 100m về phía thượng lưu, có tổng chiều dài khoảng 1.286m (trong đó, phần cầu chính và đường đầu cầu dài khoảng 626m, chiều dài đường vuốt nối khoảng 660m).
Sau hơn 6 tháng triển khai thi công, đến nay dự án cầu Hòa Trung đã cơ bản hoàn thành. Đây là dự án có thời gian lập dự án và thi công ngắn nhất mà Ban Quản lý dự án đường Hồ Chí Minh thực hiện và do các Nhà thầu tự ứng vốn để xây dựng.
Còn Dự án đầu tư xây dựng đường Hồ Chí Minh đoạn Năm Căn – Đất Mũi có tổng chiều dài đoạn tuyến khoảng 58,7km, đi qua địa bàn 2 huyện Năm Căn và Ngọc Hiển, tỉnh Cà Mau. Điểm đầu dự án tại khoảng Km2297-QL1A thuộc địa phận thị trấn Năm Căn và điểm cuối tại Khu du lịch Đất Mũi, xã Đất Mũi, huyện Ngọc Hiển, tỉnh Cà Mau. Giai đoạn trước mắt, dự án được đầu tư xây dựng từ điểm đầu tuyến đến Km51 với tổng mức đầu tư là 3.540 tỷ đồng.
Dự án đầu tư xây dựng đường Hồ Chí Minh đoạn Năm Căn - Đất Mũi và cầu Hòa Trung hoàn thành tạo nên trục giao thông huyết mạch xuyên suốt trong tỉnh Cà Mau và miền Tây Nam Bộ, giao thông đã thuận lợi hơn, người dân đi lại không phải qua đò, qua phà như trước đây; xóa thế “ốc đảo” biệt lập của huyện Đầm Dơi, Ngọc Hiển (Cà Mau) - điểm cuối cùng của đất nước chưa có đường ô tô đến.
* Trước đó, ngày 14/1/2016, tại Thừa Thiên – Huế, Bộ GTVT cũng khánh thành Dự án Nâng cao an toàn cầu đường sắt trên tuyến Hà Nội - TP. Hồ Chí Minh.
Dự án do Bộ GTVT là chủ đầu tư, Ban QLDAĐS là đại diện Chủ đầu tư sử dụng vốn vay ODA của Cơ quan Hợp tác quốc tế Nhật Bản (JICA) và nguồn vốn đối ứng của Chính phủ Việt Nam. Dự án có tổng mức đầu tư là 37,153 tỷ Yên Nhật và 1.054 tỷ đồng (tương đương 9.284 tỷ đồng).
Việc hoàn thành dự án 44 cầu trước kế hoạch 8 tháng là một hoạt động thiết thực chào mừng Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XII và Xuân Bính Thân 2016, mang một ý nghĩa quan trọng đối với ngành GTVT nói chung, Đường sắt Việt Nam nói riêng. Sau khi đưa các công trình của dự án vào khai thác, dự án góp phần nâng cao an toàn chạy tàu của ngành đường sắt, nâng cao tải trọng và tốc độ chạy tàu (tốc độ thiết kế 120km/h cho tầu khách, 80km/h cho tàu hàng) và rút ngắn hành trình các đoàn tàu trên tuyến. Đồng thời, một số nút giao đồng mức cũng được xoá bỏ, đảm bảo an toàn trong quá trình đi lại hai bên đường sắt của người dân địa phương.
* Ngày mai (17/1/2016), tại huyện Châu Thành, tỉnh Kiên Giang, Bộ GTVT cũng sẽ khởi công Dự án xây dựng tuyến Lộ Tẻ - Rạch Sỏi trên địa phận thành phố Cần Thơ và tỉnh Kiên Giang.
Dự án được đầu tư bằng nguồn vốn vay của Chính phủ Hàn Quốc thông qua Quỹ hợp tác phát triển kinh tế (EDCF). Đây là dự án có ý nghĩa quan trọng trong việc thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội và kết nối giao thông khu vực đồng bằng sông Cửu Long, sau khi hoàn thành, cùng với dự án Kết nối trung tâm đồng bằng Mê Kông sẽ tạo thành tuyến trục dọc nối thông khu vực kinh tế trọng điểm Tây Nam Bộ.
Dự án xây dựng tuyến Lộ Tẻ - Rạch Sỏi trong giai đoạn đầu có tổng mức đầu tư gần 6.694 tỷ đồng, được sử dụng nguồn vốn vay ODA của Chính phủ Hàn Quốc 200 triệu USD (tương đương 4.167 tỷ đồng) thông qua Quỹ hợp tác phát triển kinh tế Hàn Quốc (EDCF) và vốn đối ứng của Chính phủ Việt Nam./.
Trí Dũng