Nguồn: Tổng cục Thống kê Đồ họa: HỒNG VÂN

Nguồn: Tổng cục Thống kê Đồ họa: Hồng Vân

Thu hút FDI vẫn giữ được ổn định

Đợt bùng phát dịch Covid-19 lần thứ 4 của vi rút biến thể Delta lan rộng trong phạm vi cả nước, đặc biệt tại các khu vực kinh tế trọng điểm phía Bắc và phía Nam, TP. Hồ Chí Minh và các tỉnh công nghiệp lân cận. Nhiều tỉnh, thành phố phải thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16 đã ảnh hưởng nghiêm trọng đến những nỗ lực và thành quả chống dịch và phục hồi kinh tế sau 3 đợt dịch Covid-19 trong năm 2020 và đầu năm 2021. Hàng vạn doanh nghiệp (DN) trong đó có các DN FDI phải thu hẹp, thậm chí dừng sản xuất. Hệ thống vận chuyển, cung ứng, lưu thông hàng hóa ách tắc, các chuỗi sản xuất, cung ứng đứt gãy, hàng loạt đơn hàng bị hủy và chuyển ra khỏi Việt Nam.

Trong những điều kiện khó khăn chưa từng có tiền lệ như vậy, những thành quả thu hút FDI 9 tháng 2021 là “điểm sáng” của bức tranh kinh tế Việt Nam, đã vượt qua những thách thức to lớn trong đại dịch. Trong 3 tháng 7, 8, 9 năm 2021 (thời gian giãn cách xã hội triệt để nhất), thu hút FDI vẫn giữ được ổn định. Theo số liệu của Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ Kế hoạch và Đầu tư), tính đến 20/9, tổng vốn đăng ký cấp mới, điều chỉnh và góp vốn mua cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài đạt 22,15 tỷ USD, tăng 4,4% so với cùng kỳ năm 2020.

Trong những năm gần đây, đặc biệt là từ khi dịch Covid-19 xuất hiện, theo các báo cáo của UNCTAD (Hội nghị Liên Hợp quốc về thương mại và phát triển), đầu tư nước ngoài toàn cầu liên tục giảm, từ mức trên 2.000 tỷ USD năm 2016 xuống 990 tỷ USD năm 2020. Đặc biệt khi dịch Covid-19 xuất hiện, FDI toàn cầu giảm từ 1.500 tỷ USD năm 2019 xuống 990 tỷ USD năm 2020. Thu hút FDI của các nước đang phát triển còn giảm sụt sâu hơn mức chung toàn cầu. Trong điều kiện FDI toàn cầu suy giảm, cạnh tranh thu hút FDI, kể cả thu hút FDI dịch chuyển từ Trung Quốc, trong khu vực ASEAN trở nên rất mạnh mẽ, các nước Thái Lan, Malaysia, Indonesia... đang quyết liệt chống dịch song song với mở cửa khôi phục kinh tế, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh trong đó có thu hút FDI.

Theo báo cáo mới nhất của Tổng cục Thống kê, GDP quý III/2021 ước giảm 6,17% so với cùng kỳ năm trước, GDP 9 tháng năm 2021 tăng 1,42% so với cùng kỳ 2020 - một “bức tranh” khá ảm đạm về kinh tế Việt Nam trong đại dịch. Qua đó càng thấy kết quả thu hút FDI 9 tháng 2021 của Việt Nam rất đáng trân trọng.

Nguyện vọng tiếp tục làm ăn lâu dài tại Việt Nam

Trong điều kiện rất khó khăn hiện nay, nhiều tổ chức nước ngoài như World Bank, ADB và các DN FDI vẫn đánh giá cao môi trường đầu tư kinh doanh của Việt Nam trong trung hạn. Dịch Covid-19 đã làm đứt gãy nhiều chuỗi sản xuất và cung ứng toàn cầu trong đó có Việt Nam. Trong công văn “đề xuất chiến lược phòng ngừa và kiểm soát đại dịch nhằm khôi phục hoạt động sản xuất kinh doanh an toàn trong trạng thái chống dịch mới” ngày 17/9 của các hiệp hội DN nước ngoài Amcham, Eurocham, Korcham, US-ASEAN gửi Thủ tướng Chính phủ đã cho biết, 20% các DN thành viên của họ đã chuyển một số hoạt động sản xuất sang quốc gia khác. Theo nhiều khảo sát, do tình trạng ngưng trệ sản xuất và ách tắc logistics, rất nhiều đơn hàng của các doanh nghiệp FDI và DN Việt Nam đã được chuyển ra nước ngoài.

Tuy nhiên, cũng trong công văn của các hiệp hội DN nước ngoài, một mặt họ khẩn thiết kiến nghị Thủ tướng Chính phủ các giải pháp tháo gỡ khó khăn, khôi phục sản xuất trong trạng thái bình thường mới cho các DN FDI, mặt khác, họ cũng thể hiện quyết tâm cùng hợp tác, chia sẻ, chung tay cùng người dân và Chính phủ Việt Nam vượt qua đại dịch, thể hiện trách nhiệm xã hội cao và tình cảm gắn bó, nguyện vọng tiếp tục làm ăn lâu dài tại Việt Nam.

Theo nghiên cứu mới nhất của HSBC, Việt Nam là điểm đến tăng trưởng hấp dẫn, thu hút đầu tư tốt nhất trong khu vực. HSBC cho rằng, khi nền kinh tế mở cửa trở lại, các khó khăn của chuỗi cung ứng sẽ sớm được giải quyết, đơn hàng sẽ lại đổ về và FDI vào Việt Nam cũng phục hồi với các chính sách nhất quán, các lợi thế về nguồn nhân lực, một loạt hiệp định thương mại tự do và cam kết của Chính phủ đầu tư vào phát triển cơ sở hạ tầng...

Những động thái mới nhất của Chính phủ trong mở cửa nền kinh tế, thay đổi phương thức chống dịch sang thích ứng, linh hoạt, an toàn, kiểm soát dịch hiệu quả, sản xuất an toàn trong đại dịch, nỗ lực ngoại giao vắc-xin, tiêm chủng quy mô và tốc độ chưa từng có để nhanh chóng đạt được miễn dịch cộng đồng, chỉ đạo mới về “thẻ xanh Covid” là những tín hiệu rất tích cực đưa đất nước trở lại trạng thái bình thường mới.

Dịch bệnh sẽ còn diễn biến rất khó lường, song niềm tin, sự đồng lòng của người dân và cộng đồng DN sẽ giúp vượt qua đại dịch, kinh tế sẽ phục hồi phát triển, thu hút đầu tư nước ngoài FDI sẽ khởi sắc.

Đăng ký mới giảm nhưng số vốn tăng

Trong 9 tháng của năm 2021, Việt Nam có 1.212 dự án đầu tư nước ngoài mới được cấp giấy chứng nhận đang ký đầu tư (giảm 37,8%), tổng vốn đăng ký mới đạt gần 12,5 tỷ USD (tăng 20,6% so với cùng kỳ). Vốn điều chỉnh có 678 lượt dự án đăng ký điều chỉnh vốn đầu tư (giảm 15%), tổng vốn đăng ký tăng thêm đạt trên 6,4 tỷ USD (tăng 25,6% so với cùng kỳ).

Nguyễn Văn Toàn (Chuyên gia kinh tế)