Dịch bệnh tiếp tục kéo giảm tiến độ thu ngân sách Tiếp tục căn cơ trong chi tiêu ngân sách Thu nội địa có xu hướng giảm do ảnh hưởng dịch Covid-19

Thu nội địa có xu hướng giảm những tháng cuối năm

Theo báo cáo của Tổng cục Thuế, thu nội địa trong 9 tháng đầu năm 2021 ước đạt 898.813 tỷ đồng, bằng 80,5% so với dự toán, bằng 106,5% so với cùng kỳ năm 2020.

Yếu tố tác động chính là do sự lây lan mạnh của dịch bệnh Covid-19 trong thời gian qua, nhiều tỉnh, thành phố đã phải thực hiện giãn cách xã hội, điều này đã ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất, kinh doanh của nhiều doanh nghiệp, do đó cũng ảnh hưởng đến tình hình thu ngân sách của ngành Thuế.

Thu ngân sách nhà nước quý I/2021 đạt khá do được hưởng lợi từ các chính sách tài khóa, tiền tệ mà Chính phủ đã triển khai thực hiện trong năm 2020, trong đó một số ngành, lĩnh vực tăng trưởng khá như: ngân hàng, chứng khoán, bất động sản, sản xuất lắp ráp ô tô. Tuy nhiên, từ cuối tháng 4/2021 đến nay, khi đợt dịch bệnh Covid-19 lần thứ 4 bùng phát trở lại, diễn biến thu qua từng tháng giảm nhanh theo đà suy giảm của nền kinh tế, đặc biệt thu ngân sách giảm sâu từ quý III/2021 khi dịch bệnh diễn biến phức tạp tại các tỉnh, thành phố khu vực phía Nam.

Dự báo thu ngân sách những tháng cuối năm sẽ có nhiều khó khăn do hậu quả của dịch bệnh Covid-19. Ảnh: NM.
Dự báo thu ngân sách những tháng cuối năm sẽ có nhiều khó khăn do hậu quả của dịch bệnh Covid-19. Ảnh: NM.

Thu thuế, phí nội địa từ mức tăng trưởng 17,5% của 4 tháng đầu năm 2021, tháng 5 tăng 28%, tháng 6 chỉ còn tăng 9,1%, tháng 7 giảm 10,8%, tháng 8 giảm 21%, tháng 9 ước giảm 26,5% so với cùng kỳ.

Về quy mô, số thu thuế phí nội địa, từ mức thu bình quân đạt xấp xỉ 91,5 ngàn tỷ đồng/tháng trong 6 tháng đầu năm, đã giảm xuống còn 59,5 ngàn tỷ đồng/tháng trong quý III/2021.

Đến nay, một số địa phương bị ảnh hưởng nghiêm trọng của dịch bệnh đã dần nới lỏng các biện pháp giãn cách xã hội từ thực hiện Chỉ thị số 16 của Thủ tướng Chính phủ xuống thực hiện theo Chỉ thị số 15. Tuy nhiên, dự báo cần thêm thời gian để kiểm soát cơ bản dịch bệnh tại các địa phương phía Nam.

Bên cạnh đó, nhiều người lao động do lo ngại tình hình dịch bệnh đã rời bỏ các thành phố lớn trở về địa phương, dẫn đến các doanh nghiệp thiếu hụt lao động tạm thời, việc quay trở lại sản xuất của doanh nghiệp thêm khó khăn, thách thức.

Trước thực tế trên, thu ngân sách nhà nước trong quý IV/2021 dự báo vẫn còn rất nhiều khó khăn, rủi ro, ước thu 3 tháng cuối năm đạt 208.394 tỷ đồng, bằng 67% cùng kỳ, nếu loại trừ yếu tố gia hạn thì bằng 63% cùng kỳ.

Nhiều giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp và người dân

Mặc dù đến nay tình hình dịch bệnh Covid-19 cơ bản đã được kiểm soát ở nhiều địa phương, tuy nhiên hậu quả mà đợt dịch lần thứ 4 bùng phát vừa qua sẽ còn ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất, kinh doanh của các doanh nghiệp trong những tháng cuối năm.

Để hỗ trợ doanh nghiệp, người dân vượt qua khó khăn, Tổng cục Thuế cho biết sẽ tiếp tục triển khai thực hiện tốt các chính sách hỗ trợ mà Quốc hội, Chính phủ đã ban hành, giúp doanh nghiệp giảm bớt khó khăn, ổn định và khôi phục sản xuất kinh doanh.

Ngoài các giải pháp hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, người nộp thuế. Tổng cục Thuế cho biết đã chỉ đạo cơ quan thuế các cấp triển khai quyết liệt công tác quản lý thu, chống thất thu, thu hồi nợ đọng thuế, đảm bảo thu đúng, đủ và kịp thời các khoản thu phát sinh theo đúng quy định của pháp luật vào ngân sách nhà nước kịp thời. Khẩn trương đưa các chính sách hỗ trợ của Nhà nước cho doanh nghiệp và người dân vào cuộc sống.

Phối hợp chặt chẽ với các cơ quan công an, hải quan, quản lý thị trường để kiểm soát chặt chẽ về hoạt động thương mại điện tử, kinh doanh dựa trên nền tảng số, tạo môi trường kinh doanh bình đẳng để khuyến khích, thu hút đầu tư trên địa bàn, tạo nguồn tăng thu cho ngân sách nhà nước.

Cụ thể, ngành Thuế sẽ tiếp tục thực hiện hiệu quả Nghị định số 52/2021/NĐ-CP; Nghị quyết số 1148/2020/UBTVQH14; Thông tư số 112/2020/TT-BTC và Thông tư số 47/2021/TT-BTC; Nghị quyết của UBTVQH về ban hành một số giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp và người dân chịu tác động của dịch bệnh Covid-19; Quyết định số 27/2021/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về giảm 30% tiền thuê đất năm 2021 đối với các đối tượng bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19...

Ngoài việc thực hiện các chính sách hỗ trợ về thuế, phí, Tổng cục Thuế cũng tiếp tục phối hợp với các bộ, ngành, tham mưu cấp có thẩm quyền ban hành các giải pháp về tín dụng, tài khóa để tháo gỡ khó khăn về vốn, thị trường, cung ứng nguyên vật liệu, nguồn lực lao động, thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công... giúp doanh nghiệp khôi phục sản xuất kinh doanh, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, tạo tiền đề tăng thu bền vững cho ngân sách nhà nước trong những tháng cuối năm 2021 và cả năm 2022.

Để tạo điều kiện thuận lợi cho người nộp thuế, Tổng cục Thuế cho biết sẽ tiếp tục đẩy mạnh cải cách, đơn giản hóa thủ tục hành chính thuế, nâng cao chất lượng dịch vụ kê khai, nộp thuế, hoàn thuế điện tử, hóa đơn điện tử.

Tổ chức bộ phận trực đảm bảo hệ thống công nghệ thông tin thông suốt 24/7 để hỗ trợ người nộp thuế thực hiện nghĩa vụ với ngân sách nhà nước từ khâu đăng ký, kê khai, nộp thuế, hoàn thuế điện tử mà không cần phải đến trực tiếp cơ quan thuế, giảm thời gian thực hiện các thủ tục tạo thuận lợi cho người nộp thuế thực hiện nghĩa vụ với Nhà nước.

Cùng với đó, ngành Thuế cũng đẩy nhanh tiến độ xử lý hồ sơ hoàn thuế giá trị gia tăng cho người nộp thuế có thêm nguồn vốn duy trì hoạt động sản xuất kinh doanh, đảm bảo hoàn thuế kịp thời theo đúng chính sách, pháp luật.