Thủ tướng chỉ đạo về thị trường vàng

Tuần qua, Thủ tướng Chính phủ đã có công điện số 23/CĐ-TTg yêu cầu tăng cường các biện pháp quản lý thị trường vàng. Công điện của Thủ tướng cho biết NHNN chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan khẩn trương thực hiện nghiêm túc, đầy đủ, hiệu quả, kịp thời các nhiệm vụ, giải pháp bình ổn thị trường vàng đã được giao tại các văn bản của Chính phủ và Thủ tướng ban hành thời gian qua.

Thủ tướng yêu cầu đánh giá toàn diện, phân tích kỹ lưỡng và có các giải pháp hiệu quả, kịp thời, đúng quy định, theo nguyên tắc thị trường để xử lý ngay tình trạng chênh lệch giữa giá vàng miếng trong nước và vàng quốc tế ở mức cao trong thời gian qua; không để tình trạng “vàng hóa” nền kinh tế, không để tác động tiêu cực đến tỷ giá, lãi suất, thị trường tiền tệ, ngoại hối…

Ngay sau khi có công điện của Thủ tướng, Phó Thủ tướng Lê Minh Khái đã có cuộc họp với các cơ quan liên quan về công tác quản lý thị tường vàng. Phó Thủ tướng yêu cầu NHNN báo cáo về tình hình sản xuất, kinh doanh vàng; tìm ra nguyên nhân, qua đó nhanh chóng có giải pháp khắc phục; bảo đảm quản lý vàng an toàn, bền vững, phù hợp với nhu cầu thực tế của người dân, liên thông với các thị trường liên quan, tránh tình trạng lợi dụng tình hình để buôn lậu, đầu cơ, thao túng thị trường.

Thủ tướng chỉ đạo quản lý thị trường vàng, Ngân hàng Nhà nước tiếp tục hút tiền
Thị trường mở đã hoạt động liên tục trong vòng 2 tuần qua. Ảnh: T.L
Bộ Công an sẽ “quan tâm” đến hoạt động buôn lậu vàng Nhanh chóng đưa thị trường vàng vào quỹ đạo ổn định

Ngân hàng Nhà nước tiếp tục bán tín phiếu

Một trong những động thái đáng quan tâm trên thị trường tài chính tuần qua là động thái tiếp tục hút tiền qua bán tín phiếu của NHNN trên thị trường mở. Theo đó, đây là tuần thứ hai liên tiếp NHNN thực hiện đợt bán tín phiếu lần này kể từ phiên đầu tiên diễn ra hôm 11/3.

Lãi suất liên ngân hàng tiếp đà giảm mạnh

Tuần qua cũng ghi nhận diễn biến giảm mạnh của lãi suất thị trường liên ngân hàng. Theo đó, lãi suất cho vay qua đêm đã giảm về mức chỉ còn 0,16%/năm. Với các kỳ hạn khác, lãi suất kỳ hạn 1 tuần còn 0,58%, kỳ hạn 2 tuần còn 1,25%, kỳ hạn 1 tháng còn 1,7%...

Hoạt động bán tín phiếu của NHNN được giới tài chính đặc biệt quan tâm do trong lần bán tín phiếu lần trước kéo dài 1,5 tháng hồi tháng 9,10/2023, thị trường chứng khoán chứng kiến đợt sụt giảm mạnh. Khi đó, chỉ số VN-Index rơi một mạch từ mốc 1.250 điểm hồi đầu tháng 9/2023 xuống dưới 1.230 điểm vào cuối tháng 10/2023.

Tuy nhiên, một số chuyên gia cho biết, bối cảnh thị trường thời điểm này có nhiều điểm khác so với đợt bán tín phiếu lần trước của NHNN và theo đó, việc bán tín phiếu lần này không phải là yếu tố có thể làm chao đảo được sàn chứng khoán.

Bà Phan Thị Thu Hằng - Trưởng phòng Khối tư vấn đầu tư thuộc Công ty chứng khoán VPBank cho biết, thực chất tín phiếu không phải là vấn đề lo lắng với thị trường chứng khoán thời điểm này mà vấn đề đáng quan tâm hơn là động thái của Cục Dữ trữ liên bang Mỹ (FED).

FED kết thúc cuộc họp tháng 3

Sự kiện tài chính quốc tế nổi bật nhất trong tuần qua là cuộc họp tháng 3 của FED với kết quả cho thấy cơ quan này tiếp tục duy trì lãi suất ở mức 5,25 - 5,5%, cũng là mức lãi suất cao nhất trong vòng 23 năm qua.

Kết quả giữ nguyên lãi suất của FED không quá bất ngờ đối với thị trường, nhưng cuộc họp cũng hé lộ thông điệp cho thấy cơ quan này vẫn bảo lưu khả năng có thể sẽ thực hiện 3 đợt giảm lãi suất trong năm 2024. Đây là một thông điệp được giới tài chính cho là tích cực và theo đó, thị trường chứng khoán đã phản ứng tích cực với các chỉ số chứng khoán đã tăng sau kết quả cuộc họp.

Sau cuộc họp của FED, giới tài chính quốc tế cũng có niềm tin nhiều hơn về khả năng sẽ có đợt hạ lãi suất đầu tiên vào tháng 6/2024. Công cụ FEDWatch dự báo động thái của FED cho kết quả về khả năng 63,7% FED sẽ hạ lãi suất trong cuộc họp vào tháng 6/2024, cao hơn khá nhiều so với dự báo trước khi có kết quả cuộc họp tháng 3 vừa diễn ra.

Thủ tướng chỉ đạo quản lý thị trường vàng, Ngân hàng Nhà nước tiếp tục hút tiền
Giá vàng thế giới đã có một tuần biến động mạnh. Ảnh: T.L

Tỷ giá và giá vàng cùng tăng

Tỷ giá trung tâm mở đầu tuần mới ở mức 23.994 đồng/USD, tăng 15 USD so với cuối tuần trước và tiếp tục duy trì trạng thái tăng dần qua các ngày trong tuần. Hôm thứ sáu cuối tuần, tỷ giá trung tâm đạt mốc 24.003 đồng/USD, theo đó đã tăng 24 đồng mỗi Đô la trong vòng 1 tuần qua.

Tại ngân hàng thương mại, hôm đầu tuần 18/3, Vietcombank niêm yết tỷ giá USD bán ra là 24.880 đồng/USD, giảm nhẹ so với cuối tuần trước, nhưng sau đó ngân hàng này liên tục điều chỉnh tăng tỷ giá trong các ngày tiếp theo. Hôm cuối tuần, tỷ giá bán ra tại Vietcombank ghi nhận ở mức 24.970 đồng/USD, tăng 90 đồng mỗi Đô la so với hôm đầu tuần.

Trong khi đó, giá vàng trong nước cũng có một số thời điểm bật tăng mạnh và một phần do sự ảnh hưởng bởi sức nóng từ thị trường thế giới. Giá vàng miếng SJC 9999 hôm 21/3 mua vào là 79,8 triệu đồng/lượng và bán ra là 81,8 triệu đồng/lượng; vàng nhẫn SJC 9999 mua vào 68,6 triệu đồng/lượng và bán ra quanh mốc 70 triệu đồng/lượng. Giá vàng trong nước tăng một phần chịu sự ảnh hưởng bởi đợt tăng mạnh của giá vàng thế giới trong 2 ngày 20 và 21/3, khi đó, giá vàng có lúc vượt mốc 2.210 USD/ounce, ghi nhận kỷ lục mọi thời đại.

Tuy nhiên, giá vàng cả thế giới và trong nước đã quay đầu giảm mạnh hôm thứ sáu cuối tuần, khi giá vàng thế giới tại thời điểm chiều ngày 22/3 theo giờ Việt Nam đã lùi về mốc chỉ còn 2.166 USD/ounce. Tại thị trường trong nước, giá vàng miếng SJC 9999 chiều ngày 22/3 mua vào ở mức 77,8 triệu đồng/lượng và bán ra ở mức 79,8 triệu đồng/lượng; giá vàng nhẫn SJC 9999 mua vào là 67,8 triệu đồng/lượng và bán ra là 69,1 triệu đồng/lượng.

Tăng cường thanh kiểm tra về thị trường vàng

Công điện 23 của Thủ tướng chỉ đạo các cơ quan nhà nước có thẩm quyền phải kịp thời phát hiện những sơ hở, bất cập để xử lý chủ động, tích cực, hiệu quả theo thẩm quyền và báo cáo đề xuất cấp có thẩm quyền các biện pháp xử lý phù hợp, đúng quy định đối với những vấn đề vượt thẩm quyền. Thủ tướng yêu cầu xử lý nghiêm các hành vi vi phạm theo quy định pháp luật, nhất là các hành vi buôn lậu vàng qua biên giới, trục lợi, đầu cơ, thao túng, lợi dụng chính sách đẩy giá của các tổ chức, cá nhân...