Vận dụng sáng tạo lý luận, thực tiễn trong triển khai nhiệm vụ

Thay mặt Lãnh đạo Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ gửi lời thăm hỏi ân cần và chúc mừng tốt đẹp nhất đến ngành Tài chính.

Trước khi đề cập đến các vấn đề tài chính - ngân sách nhà nước (NSNN), Thủ tướng Phạm Minh Chính đã đặt vấn đề làm rõ hơn một số nội dung liên quan đến tình hình chung của cả nước.

Thủ tướng Chính phủ nhấn mạnh: Chúng ta phải nhìn nhận năm 2021 trong bối cảnh “cái gì là cái chung, cái gì là khác và đâu là diễn biến mới của năm 2021”, bởi theo Thủ tướng, việc phân tích thêm bối cảnh đều có liên quan đến ngành Tài chính.

Thủ tướng Chính phủ: Thành tích của cả nước có đóng góp quan trọng của ngành Tài chính
Thủ tướng Chính phủ: Trong khó khăn, thu ngân sách tăng là kết quả rất đáng phấn khởi. Ảnh: Đức Minh.

“Chúng ta đang thực hiện nền dân chủ XHCN, công khai, minh bạch; xây dựng nhà nước pháp quyền XHCN và mọi công dân, tổ chức đều phải làm theo Hiến pháp và pháp luật. Chúng ta triển khai xây dựng nền kinh tế thị trường XHCN, phải tôn trọng quy luật cung cầu, cạnh tranh lành mạnh. Tăng cung cầu cho nền kinh tế phát triển, điều tiết chính sách tài khóa, chính sách tiền tệ theo kinh tế thị trường”, Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh.

Ngành Tài chính phải đi đầu tạo điều kiện cho người dân, doanh nghiệp

“Tôi mong các đồng chí phải đi đầu trong lĩnh vực này, tạo điều kiện thuận lợi cho người dân và doanh nghiệp. Chủ tịch Hồ Chí Minh đã dặn ngành Tài chính: “Nền tài chính phải phục vụ sản xuất và thúc đẩy sản xuất phát triển. Chúng ta phải ra sức hướng dẫn và giúp đỡ nhân dân hơn nữa trong việc sản xuất và tiết kiệm, làm cho dân giàu, nước mạnh”. Ngành Tài chính phải vì dân, vì nước”, Thủ tướng Chính phủ nhấn mạnh.

Theo Thủ tướng Chính phủ, sau 35 năm đổi mới, chúng ta có nhiều kinh nghiệm, có cái đạt được, có cái chưa đạt được, nhưng tổng kết lại các kinh nghiệm tốt, bài học hay của thế giới, chúng ta đã từng bước xây dựng và hoàn thiện lý luận chủ nghĩa xã hội (CNXH) và con đường đi lên CNXH. Bài viết của Tổng Bí thư đã khái quát lên lý luận CNXH và con đường đi lên CNXH. Cốt lõi là lấy con người làm trung tâm, chủ thể, động lực và mục tiêu của sự phát triển. Không hy sinh an sinh xã hội, hy sinh môi trường để tăng trưởng đơn thuần.

Thủ tướng dẫn dắt các vấn đề lý luận và thực tiễn, bởi vì theo ông, “những vấn đề chung này, có liên quan đến ngành Tài chính rất chặt chẽ. Chúng tôi muốn các đồng chí nghiên cứu để vận dụng sáng tạo trong thực hiện chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của mình”.

Đối với việc thực hiện các nhiệm vụ năm 2021, Thủ tướng Phạm Minh Chính cho rằng, nhìn lại năm 2021 có liên quan đến năm 2022 và liên quan đến việc chúng ta tổ chức thực hiện kế hoạch 5, 10 năm tới và tầm nhìn dài hạn đến năm 2045. Năm 2022 là năm bản lề thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng lần thứ 13.

“Cái khác của năm 2021 đó là, chúng ta tổ chức thành công Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ 13, tổ chức bầu cử Đại biểu Quốc hội và bầu cử HĐND các cấp; bầu ra các chức danh của Nhà nước; triển khai 7 hội nghị thành công liên quan đến Mặt trận Tổ quốc, nội chính, xây dựng Đảng, văn hóa, đối ngoại... Bên cạnh đó, diễn biến mới là đại dịch Covid-19 rất khốc liệt trên toàn thế giới với biến chủng Delta lây lan nhanh và nguy hiểm hơn các biến chủng gốc, tác động chi phối đến toàn thế giới và đặc biệt đối với nước ta. Trong bối cảnh đó, như Tổng Bí thư phát biểu, chúng ta đạt được kết quả quan trọng và thành tích to lớn trên phạm vi cả nước”, Thủ tướng nói.

Thu ngân sách tăng, tiên phong trong chuyển đổi số

Với bối cảnh “cái chung, cái khác và cái mới” đó, Thủ tướng Phạm Minh Chính cho rằng, đều liên quan đến việc thực hiện chính sách tài chính - NSNN của ngành Tài chính.

Nhắc đến công tác đối ngoại đạt được nhiều thành tích rất quan trọng, đặc biệt là ngoại giao vắc- xin, chúng ta đi sau về trước, Thủ tướng cũng nhắc đến việc triển khai kịp thời, hiệu quả Quỹ Vắc-xin phòng Covid-19 của Bộ Tài chính.

Chỉ sau 1 đêm Bộ đã có tờ trình Chính phủ

Thủ tướng khẳng định: “Các đồng chí rất nhanh đề xuất trong 1 đêm, đêm trước gọi cho Bộ trưởng, sáng hôm sau đã có tờ trình. Điều này rất quan trọng, do chúng ta xây dựng chiến lược vắc-xin. Tôi đánh giá rất cao vấn đề này”. Với vai trò tham mưu của Bộ Tài chính, việc hình thành Quỹ Vắc-xin đã thể hiện tinh thần đại đoàn kết toàn dân tộc, huy động sức mạnh toàn dân tộc trong khó khăn để phòng chống Covid-19.

Sở dĩ người đứng đầu Chính phủ nhắc đến những khó khăn rất lớn do dịch Covid-19 gây ra, “để thấy sức chống chọi của dân tộc khi phải đương đầu với thử thách, thử thách này lại là “kẻ thù vô hình”, chưa có tiền lệ, nhưng chúng ta khẳng định được mình, trưởng thành hơn thì sẽ ý nghĩa hơn”.

Trong bài phát biểu của mình, Thủ tướng Chính phủ đã nhắc đến những thành công khi thực hiện vượt nhiều chỉ tiêu về kinh tế - xã hội, như: lạm phát được kiểm soát, lãi suất giảm, tỷ giá ổn định, dự trữ ngoại hối tăng, bội chi ngân sách được kiểm soát thấp hơn chỉ tiêu Quốc hội giao, các cân đối lớn về thu - chi NSNN đều đạt kết quả khả quan. Trong đó, đáng chú ý, thu NSNN đã vượt dự toán, nhờ đó có nguồn để chi cho các nhiệm vụ đột xuất, bất ngờ.

Cùng với đó, tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu hàng hóa tăng 22,6%, đạt 668,5 tỷ USD, cao nhất từ trước đến nay, đưa Việt Nam trở thành 1 trong 20 nước có quy mô thương mại lớn nhất thế giới...

Thủ tướng Chính phủ: Thành tích của cả nước có đóng góp quan trọng của ngành Tài chính
Toàn ngành Tài chính đã hết sức nỗ lực, sáng tạo trong triển khai nhiệm vụ năm 2021. Ảnh: Đức Minh

Trong thành tích chung đáng tự hào của cả nước, Thủ tướng cho rằng, có sự đóng góp quan trọng của ngành Tài chính. “Tôi ghi nhận, biểu dương và đánh giá cao những đóng góp quan trọng của ngành Tài chính vào thành tích chung của đất nước cũng như của Chính phủ”, người đứng đầu Chính phủ nhấn mạnh.

“Trong điều kiện khó khăn, thu ngân sách tăng hơn so với năm ngoái là kết quả rất đáng phấn khởi. Ngành Tài chính đi tiên phong trong thực hiện chuyển đổi số, đẩy mạnh thực hiện hóa đơn điện tử hỗ trợ doanh nghiệp...”, Thủ tướng Phạm Minh Chính khen ngợi.

Bên cạnh thành tích, Thủ tướng Chính phủ cũng đã thẳng thắn chỉ ra một số hạn chế, tồn tại và đề nghị ngành Tài chính cần có giải pháp khắc phục trong thời gian tới.

Tháo gỡ thể chế, hỗ trợ người dân và doanh nghiệp

Đối với triển khai nhiệm vụ tài chính – NSNN năm 2022, Thủ tướng cho biết, Chính phủ xác định năm 2022 là năm “Đoàn kết kỷ cương, chủ động thích ứng, an toàn hiệu quả, phục hồi phát triển”, do đó, nhiệm vụ của Bộ Tài chính cũng triển khai trên cơ sở đó.

Tán thành với các giải pháp Bộ Tài chính đã nêu cũng như ý kiến của các bộ, ngành, địa phương, Thủ tướng Chính phủ đề nghị: Bộ Tài chính cần căn cứ chức năng, nhiệm vụ để thể chế, cụ thể hóa Nghị quyết Đại hội 13 của Đảng vào nhiệm vụ năm 2022. Đồng thời triển khai thực hiện trên cơ sở 6 quan điểm, 12 nhóm nhiệm vụ của Chính phủ.

Thủ tướng đề nghị ngành Tài chính phải bám sát thực tiễn, lấy thực tiễn làm thước đo để điều chỉnh và chủ động thích ứng, thực hiện các vấn đề dự báo, cụ thể hóa các nhiệm vụ, giải pháp đề ra trong Nghị quyết Đại hội 13 của Đảng, Nghị quyết số 01 và Nghị quyết số 02 năm 2022 Chính phủ chuẩn bị ban hành.

Bên cạnh đó, nắm chắc tình hình, tham mưu chiến lược về các vấn đề tài chính - NSNN cho Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ; tập trung đẩy mạnh 3 đột phá chiến lược, đảm bảo tháo gỡ các vướng mắc của doanh nghiệp, người dân để thúc đẩy thể chế.

Góp phần tích cực vào công tác xây dựng thể chế

“Năm ngoái Bộ Tài chính là 1 trong các bộ góp phần xây dựng thể chế rất tốt, năm nay cần phát huy. Thể chế phải phục vụ cho sự phát triển và đáp ứng yêu cầu thực tiễn”, Thủ tướng Phạm Minh Chính nói.

Ngoài các nhóm nhiệm vụ nêu trên, người đứng đầu Chính phủ gợi ý: Ngành Tài chính cần điều hành chính sách tài khóa phối hợp nhịp nhàng với chính sách tiền tệ, để cùng hỗ trợ, thúc đẩy phát triển; đẩy mạnh tăng thu ngân sách, giảm chi nhất là các khoản chi không cần thiết; kiểm soát chặt bội chi và nợ công; quản lý hiệu quả tài sản công...

“Trong lúc này phải thắt lưng buộc bụng, không phải chi tiêu xả láng được. Nhiều khoản chi phải cắt giảm từ dự toán, phải thực hiện ngay, không chỉ là hô khẩu hiệu”, Thủ tướng nói.

Theo người đứng đầu Chính phủ, trong năm 2022, Bộ Tài chính cần tiếp tục: Phát triển đồng bộ và nâng cao chất lượng thị trường tài chính, chứng khoán, bảo hiểm mang tính dài hạn, minh bạch và bền vững; tăng cường kỷ luật, kỷ cương tài chính, tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, phát hiện và xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm, chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả, chống gian lận xuất xứ có hiệu quả...

Ngoài ra, Thủ tướng đề nghị ngành Tài chính: tiếp tục thực hiện tinh gọn bộ máy quản lý, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước và chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức ngành Tài chính; chủ động hội nhập, hợp tác tài chính quốc tế, nâng cao hiệu quả công tác đối ngoại, tích cực tham gia các hoạt động hợp tác tài chính, nâng cao vị thế của Việt Nam trên trường quốc tế; coi trọng sức chiến đấu, nâng cao vai trò vị thế của tổ chức Đảng trong ngành Tài chính, góp phần nâng cao hiệu quả, năng suất chất lượng dựa vào đổi mới, sáng tạo, thúc đẩy phát triển ngành, đóng góp vào sự phát triển chung của cả nước.

“Tôi mong các đồng chí phải đi đầu trong lĩnh vực này, tạo điều kiện thuận lợi cho người dân và doanh nghiệp. Chủ tịch Hồ Chí Minh đã dặn ngành Tài chính: “Nền Tài chính phải phục vụ sản xuất và thúc đẩy sản xuất phát triển. Chúng ta phải ra sức hướng dẫn và giúp đỡ nhân dân hơn nữa trong việc sản xuất và tiết kiệm, làm cho dân giàu, nước mạnh”. Ngành Tài chính phải vì dân, vì nước”, Thủ tướng Chính phủ nhấn mạnh.

Thủ tướng bày tỏ mong muốn, phát huy tinh thần đoàn kết, truyền thống quý báu, ngành Tài chính tiếp tục đổi mới, phát triển. Với thành quả đạt được năm 2021, Thủ tướng tin tưởng ngành Tài chính tiếp tục đạt được nhiều thành tích cao hơn trong của năm 2022. “Mong các đồng chí thực hiện tốt 8 chữ vàng mà Bác Hồ kính yêu của chúng ta tặng cho ngành Tài chính “cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư”, Thủ tướng nói./.