Phát biểu tại hội nghị, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính nhấn mạnh, bối cảnh phát triển mới của đất nước, đặc biệt trong năm 2023 là vừa có thuận lợi, vừa có khó khăn song khó khăn nhiều hơn.

Bối cảnh thế giới là sức ép lạm phát sẽ có tác động đến Việt Nam. Việt Nam có độ mở kinh tế lớn, gấp đôi GDP nên biến động nhỏ bên ngoài cũng là tác động lớn bên trong. Các thị trường lớn của Việt Nam đều có giảm phát. Cùng với đó là khủng hoảng năng lượng và các yếu tố của biến đổi khí hậu là khó tránh khỏi.

Trong nước năng lực chống chịu sức cạnh tranh có hạn, tránh “cơn gió ngược” thế nào để thoát ra được. Năm 2022 chúng ta đã vượt qua được các thách thức này. Năm 2023 đã qua 1 tháng, những tác động bên ngoài làm cho sản xuất giảm đơn hàng. Áp lực lạm phát trong năm 2023 sẽ vẫn còn lớn.

Thủ tướng dự hội nghị thúc đẩy sản xuất trong nước và mở rộng xuất khẩu
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính phát biểu tại hội nghị. Ảnh: CTV

Tại hội nghị, Thủ tướng Phạm Minh Chính cũng cho rằng, bối cảnh như trên, nhất là khi cả tổng cung và tổng cầu đều giảm thì rõ ràng cần tập trung thúc đẩy việc đa dạng hoá sản phẩm, thị trường và chuỗi cung ứng. Điều cần tập trung thực hiện tới đây là thúc đẩy tiêu dùng, đầu tư và xuất nhập khẩu. Cùng đó là bảo đảm các cân đối lớn, năng lượng; đẩy mạnh sản xuất kinh doanh, tạo việc làm cho nền kinh tế và người lao động.

Gợi ý thảo luận, Thủ tướng Phạm Minh Chính lưu ý ngành Công thương cần tập trung giải quyết các vấn đề tồn đọng như các quy hoạch gồm: Quy hoạch năng lượng, hạ tầng cung ứng xăng dầu khí đốt, thăm dò khai thác khoáng sản và đặc biệt là quy hoạch điện VIII.

Tại hội nghị, Bộ trưởng Bộ Công thương Nguyễn Hồng Diên nêu 9 nhóm nhiệm vụ nhằm thúc đẩy sản xuất trong nước, mở rộng thị trường xuất khẩu năm 2023.

Trong đó, để góp phần thực hiện thắng lợi, toàn diện các mục tiêu kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2023 đã đề ra, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên cho biết, toàn ngành sẽ tập trung triển khai đồng bộ, hiệu quả Chương trình hành động của ngành Công thương thực hiện Nghị quyết số 01/NQ-CP.

Tăng cường đàm phán, ký kết các cơ chế hợp tác song phương và đa phương mới với các nước, các khu vực còn tiềm năng, gắn với lợi ích quốc gia - dân tộc; chú trọng phát huy tốt vai trò của hệ thống cơ quan Thương vụ Việt Nam ở nước ngoài, hỗ trợ các địa phương, hiệp hội, doanh nghiệp khai thác có hiệu quả các Hiệp định thương mại đã thực thi để mở rộng, đa dạng hóa thị trường, chuỗi cung ứng và mặt hàng xuất nhập khẩu.

Trong năm 2023, Bộ Công thương tiếp tục đẩy mạnh tạo thuận lợi hoá thương mại; tập trung tháo gỡ "rào cản" kỹ thuật để doanh nghiệp thâm nhập các thị trường mới thị trường lân cận còn tiềm năng; đồng thời, chuyển mạnh sang xuất khẩu chính ngạch gắn với xây dựng thương hiệu để thúc đẩy xuất khẩu bền vững.

Tiếp tục đẩy mạnh chuyển đổi số trong các hoạt động xúc tiến thương mại, kết nối cung cầu, xây dựng và phát triển thương hiệu hàng Việt Nam ở các thị trường ngoài nước. Chú trọng phát triển dịch vụ logistic, thương mại điện tử, đặc biệt là thương mại xuyên biên giới, tạo điều kiện thuận lợi cho mở rộng thị trường, thúc đẩy xuất khẩu.