Thúc đẩy giám sát toàn diện để phòng ngừa rủi ro một cách chủ động
Trên thị trường chứng khoán vẫn còn tình trạng nhiều chủ doanh nghiệp “biến hóa”
số liệu báo cáo tài chính.

PV: Thưa ông, vấn đề lập báo cáo tài chính và công bố thông tin của doanh nghiệp trên sàn chứng khoán đã có nhiều chuyển biến tích cực, tuy nhiên vẫn còn nhiều trường hợp công bố sai lệch, sai sót ảnh hưởng chất lượng phát triển của thị trường. Ông đánh giá thế nào về chất lượng báo cáo tài chính và sự tuân thủ, trung thực của các doanh nghiệp trong công bố thông tin tài chính trên thị trường chứng khoán thời gian qua?

Ông Trần Minh Hải: Tôi cho rằng, chúng ta cần phân biệt hai vấn đề bản chất liên quan đến báo cáo tài chính, đó là báo cáo theo thủ tục và báo cáo theo bản chất. Về thủ tục, hầu hết các doanh nghiệp niêm yết tuân thủ các quy định về lập, công bố, kiểm toán; tuy nhiên, về bản chất lại là câu chuyện khác. Số liệu trong báo cáo tài chính doanh nghiệp nếu minh bạch, ngay thẳng thì nhà đầu tư dễ nhìn được thực chất sức khoẻ doanh nghiệp. Ngược lại, số liệu ngụy tạo che dấu bản chất hậu quả từ các giao dịch thì cho dù đúng thủ tục, quy trình, báo cáo tài chính cũng không chất lượng.

Thúc đẩy giám sát toàn diện để phòng ngừa rủi ro một cách chủ động
Ông Trần Minh Hải

Một thực tế là trong báo cáo tài chính của một số doanh nghiệp tại Việt Nam vẫn còn tình trạng thiếu minh bạch về số liệu. Chẳng ai có thể nhìn vào báo cáo tài chính mà dám khẳng định vốn nợ của doanh nghiệp đang tốt, hàng hoá, nguyên vật liệu tồn kho dồi dào và thanh khoản đang ngon lành. Tại sao tôi nói vậy? hãy nhìn vào hàng loạt doanh nghiệp thời gian qua, đến thời điểm đổ vỡ, thậm chí chủ doanh nghiệp bị truy cứu trách nhiệm hình sự mới rõ doanh nghiệp có nợ xấu trầm trọng, kho hàng rỗng tuếch mà báo cáo tài chính vẫn đẹp.

PV: Có ý kiến cho rằng, các cơ quan quản lý cần tiếp tục nghiên cứu, xem xét để tăng mức xử phạt hành chính, thậm chí cả hình sự đối với các doanh nghiệp, cá nhân vi phạm để đảm bảo tính răn đe, kỷ cương của thị trường chứng khoán. Quan điểm của ông thì thế nào?

Ông Trần Minh Hải: Tôi nghĩ rằng, chúng ta không nên hình sự hoá các vấn đề kinh tế, dân sự. Những vụ án hình sự trong lĩnh vực kinh doanh vừa làm tăng tính răn đe trên thị trường, nhưng cũng ảnh hưởng không nhỏ tới tâm lý nhà đầu tư, doanh nghiệp. Các chế tài, nhất là chế tài hình sự hầu hết mang tính trừng phạt là chính, còn vấn đề cần của thị trường chứng khoán là sự phòng ngừa.

Do vậy, tôi cho rằng, cần nghiên cứu thúc đẩy hơn cơ chế giám sát toàn diện, đa bên đối với doanh nghiệp niêm yết. Một doanh nghiệp niêm yết cần được giám sát bởi nhiều kênh gồm: kênh chủ nợ (giới ngân hàng), kênh đối tác (giới cung ứng hàng hoá, dịch vụ), kênh nhà đầu tư (những người sở hữu cổ phần) và kênh quản lý (lĩnh vực chuyên ngành mà doanh nghiệp hoạt động). Khi nào cơ chế giám sát đa bên được thúc đẩy hiệu quả ở những kênh giám sát này, thì thị trường được phòng ngừa chủ động hơn là chờ vào những chế tài nặng nề, những vụ hình sự hóa.

PV: Có một vấn đề trong báo cáo tài chính kiểm toán đó là các đơn vị cung cấp dịch vụ kiểm toán vẫn lơ là, hoặc “làm ngơ” trước lỗ hổng tài chính của các doanh nghiệp được kiểm toán. Ông đánh giá thế nào về điều này? Làm thế nào để tăng chất lượng kiểm toán các báo cáo tài chính trên thị trường chứng khoán, thưa ông?

Ông Trần Minh Hải: Không khó để thay đổi vấn đề này nếu chúng ta hệ thống hóa những sai phạm vừa qua trên thị trường của hàng loạt hãng kiểm toán để cập nhật vào cơ chế xử phạt hành chính trong hoạt động kiểm toán. Hiện tại mức xử phạt các công ty kiểm toán phần lớn tập trung vào lỗi về thủ tục. Do vậy, nếu như cập nhật dữ liệu tốt các tình huống sai phạm và xử phạt nghiêm minh không phân biệt cho dù là hãng kiểm toán tầm “Big 4” hay hạng gì đi nữa, thì chất lượng kiểm toán tại các báo cáo sẽ khác.

PV: Ông có khuyến nghị gì tới doanh nghiệp và nhà đầu tư trong việc lập, công bố báo cáo tài chính, cũng như thu nhận, phân tích đánh giá các thông tin này?

Ông Trần Minh Hải: Các nhà đầu tư hãy sử dụng nhiều hơn quyền hạn của mình theo Luật Doanh nghiệp. Đằng sau các số liệu trong báo cáo luôn là những giao dịch với bản chất thật sự khớp hay không khớp so với con số công bố. Trong khi đó, Luật Doanh nghiệp trao quyền cho cổ đông được tra soát thông tin, yêu cầu cung cấp tài liệu,... đối với doanh nghiệp. Tôi cho rằng, nhà đầu tư nên thực sự biết dùng quyền của mình trong giám sát doanh nghiệp.

PV: Xin cảm ơn ông!

“Luật Doanh nghiệp trao quyền cho cổ đông được tra soát thông tin, yêu cầu cung cấp tài liệu,... đối với doanh nghiệp. Tôi cho rằng, nhà đầu tư nên thực sự biết dùng quyền của mình trong giám sát doanh nghiệp”. - Luật sư Trần Minh Hải – Tổng Giám đốc Công ty Luật Basico