vat lieu xay dung

Các đại biểu tại hội thảo đều nhất trí với việc tăng cường sản xuất, sử dụng VLXD thân thiện môi trường. Ảnh ĐD

Hội thảo có sự tham gia của đại diện các cơ quan quản lý trung ương và địa phương như Bộ Xây dựng, Bộ Khoa học và Công nghệ, các sở ban ngành TP. Hồ Chí Minh và sở xây dựng 7 tỉnh lân cận, cộng đồng doanh nghiệp (DN), nhà chế tạo và cung cấp thiết bị công nghệ, các hiệp hội ngành nghề...

Trong những năm qua, Quốc hội và Chính phủ đã thông qua nhiều chính sách phát triển VLXD mới và thân thiện môi trường như Luật Sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả ban hành năm 2010, trong đó quy định “Sử dụng VLXD tiết kiệm năng lượng, vật liệu không nung, lắp đặt thiết bị sử dụng năng lượng mặt trời, khí sinh học trong các công trình xây dựng”;

Nghị định 24a/2016/NĐ-CP ngày 05/4/2016 của Chính phủ về quản lý VLXD, đưa ra các chính sách khuyến khích phát triển vật liệu mới thân thiện môi trường trong đó có vật liệu xây không nung; Quyết định số 567/QĐ-TTg ngày 28/4/2010 của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt chương trình phát triển vật liệu xây không nung.

Cùng với đó là sự hỗ trợ của Quỹ Môi trường toàn cầu (GEF) thông qua Chương trình phát triển Liên hợp quốc (UNDP) cho Chính phủ Việt Nam để thực hiện Dự án “Tăng cường sản xuất và sử dụng gạch không nung ở Việt Nam” do Bộ Khoa học và Công nghệ và Bộ Xây dựng tổ chức thực hiện.

Mục tiêu của dự án là cắt giảm tỷ lệ tăng hàng năm mức phát thải khí nhà kính bằng cách giảm dần việc sử dụng nhiên liệu hóa thạch và đất màu để làm gạch thông qua việc tăng cường sản xuất, mua bán và sử dụng gạch không nung ở Việt Nam.

Tại hội thảo, ý kiến của đa số các đại biểu đều cho rằng, cần đẩy mạnh hoạt động quảng bá giao thương, mở rộng thị trường tiêu thụ, nghiên cứu phát triển, ứng dụng khoa học và công nghệ, đầu tư sản xuất VLXD tiết kiệm tài nguyên khoáng sản, tiết kiệm năng lượng, thân thiện với môi trường nhằm góp phần giảm phát thải khí nhà kính, tăng cường sử dụng năng lượng hiệu quả, phát triển ngành xây dựng theo hướng tăng trưởng xanh, gắn với phát triển đô thị bền vững, ứng phó với biến đổi khí hậu.

Theo Ban tổ chức, đây là hội thảo tiền đề cho nhiều hoạt động phong phú nhằm xúc tiến thương mại cho ngành VLXD như: Tổ chức và tham gia các sự kiện quảng bá sản phẩm chuyên ngành trong nước và khu vực, tổ chức đoàn khảo sát thị trường, tham quan công nghệ và sản phẩm mới tại một số nước nhằm học tập công nghệ mới, khuyến khích thu hút đầu tư công nghệ nâng cao giá trị sản phẩm.

Được biết, ngành VLXD nước ta đã có những tiến bộ rõ nét cả về chất và lượng. Từ việc phải nhập khẩu gần như toàn bộ vật liệu xây dựng, Việt Nam đã trở thành quốc gia xuất khẩu một số sản phẩm VLXD có thế mạnh đến 120 quốc gia và vùng lãnh thổ, với giá trị kim ngạch xuất khẩu trong năm 2017 trên 1,67 tỷ USD./.

Đỗ Doãn