Ưu đãi thuế không phải là lý do chính đối với quyết định đầu tư

Tình trạng cạnh tranh thuế có hại ở Đông Á - Thái Bình Dương đã gia tăng trong những năm gần đây khi nhiều quốc gia đang phát triển trong khu vực sử dụng ưu đãi thuế như một công cụ chính để thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI). Trong khi các nền kinh tế tiên tiến ở khu vực như Úc, Nhật Bản, Hồng Kông (Trung Quốc) và New Zealand ít sử dụng ưu đãi, các nền kinh tế đang phát triển lại áp dụng nhiều biện pháp miễn thuế và giảm thuế suất, gây ra ảnh hưởng xấu đến ngân sách.

Thuế tối thiểu toàn cầu sẽ tạo cơ hội tăng số thu nội địa với các nước đang phát triển

Năng suất thuế TNDN (2019). Nguồn: Tính toán của cán bộ WB sử dụng dữ liệu từ IMF FAD, PwC, OECD và Bộ Tài chính các nước (EAP: khu vực Đông Á - Thái Bình Dương; ECA: châu Á và Trung Âu)

Nỗ lực thu hút FDI là điều dễ hiểu, nhưng nhiều nghiên cứu và khảo sát cho thấy các công ty không coi ưu đãi thuế là lý do chính lựa chọn địa điểm đầu tư. Thay vào đó, sự ổn định chính trị và kinh tế vĩ mô, môi trường pháp lý và kỹ năng lao động là những yếu tố quyết định chính của FDI, nhận định này được đưa ra tại Báo cáo Năng lực cạnh tranh đầu tư toàn cầu 2020 của Ngân hàng Thế giới (WB).

Ở Đông Á - Thái Bình Dương, các chính sách thu hút vốn FDI đã áp đảo những nỗ lực cải cách ưu đãi thuế, dẫn đến thất thu ngân sách đáng kể. Trên thực tế, cạnh tranh về thuế dẫn đến một “cuộc đua xuống đáy”, theo đó các nhà đầu tư lớn có thể lợi dụng sự cạnh tranh giữa các quốc gia để đạt được các thỏa thuận miễn thuế kéo dài. Hệ quả là trong những năm gần đây, một số quốc gia trong khu vực như Campuchia, Indonesia, Fiji, Myanmar, Papua New Guinea… đã đẩy mạnh các biện pháp ưu đãi thuế.

Kết quả là năng suất thuế thu nhập doanh nghiệp (TNDN) trong khu vực, hay tỷ lệ giữa số thu thuế TNDN thực tế tính trên GDP và thuế suất tiêu chuẩn theo luật định trở nên rất thấp. Năng suất thuế TNDN phản ánh hiệu quả của toàn bộ hệ thống thuế TNDN và bị ảnh hưởng nhiều bởi các chính sách ưu đãi dựa trên lợi nhuận như miễn thuế và giảm thuế suất.

Năm 2019, năng suất thuế TNDN ở một số quốc gia như: Myanmar, Philippines, Papua New Guinea… dao động quanh mức 10% hoặc nhỏ hơn - thấp hơn đáng kể so với mức trung bình quan sát được ở khu vực Đông Á - Thái Bình Dương (14,6%) hoặc ở khu vực châu Âu và Trung Á (18,6%).

Ưu đãi thuế quá mức làm suy yếu tính công bằng và hiệu quả của hệ thống thuế và làm giảm khả năng của chính phủ trong chi đầu tư công vào cơ sở hạ tầng và nguồn nhân lực để thúc đẩy tăng trưởng.

Điều này đặc biệt nghiêm trọng tại các quốc gia đang phát triển khu vực Đông Á - Thái Bình Dương, với tỷ lệ thuế tính theo GDP trung bình là 13,1%, thấp hơn đáng kể so với các quốc gia có thu nhập cao là mục tiêu hướng tới, với tỷ lệ trung bình khoảng 17,6%.

Lợi ích tiềm năng từ thuế tối thiểu toàn cầu

Tình trạng này có thể thay đổi vào năm tới khi thuế tối thiểu toàn cầu (GMT) có hiệu lực vào năm 2024. GMT không trực tiếp bắt buộc các quốc gia áp dụng thuế suất thuế TNDN tối thiểu 15%. Tuy nhiên, quy định GMT khuyến khích các quốc gia tăng thuế suất thuế TNDN hiệu quả lên mức tối thiểu 15%.

Hai bộ quy tắc về thuế tối thiểu toàn cầu

Quy tắc thứ nhất cho phép các quốc gia nơi công ty mẹ của MNE chịu thuế được ban hành thuế bổ sung đối với lợi nhuận của bất kỳ công ty con nước ngoài nào đang có mức thuế suất thực tế dưới 15%. Nếu quốc gia nơi công ty mẹ đặt trụ sở chọn áp dụng thuế suất thuế TNDN dưới 15%, thì quy tắc thứ hai cho phép quốc gia nơi công ty con của MNE thực hiện các hoạt động kinh doanh được chia quyền đánh thuế bổ sung đối với những khoản thu nhập chưa bị đánh thuế đủ 15% này.

Mặc dù các quốc gia được tự do đưa ra các ưu đãi miễn thuế và thuế suất thuế TNDN dưới 15%, nhưng với việc ngày càng nhiều các quốc gia đang nội luật hóa các quy định của GMT, thì các quốc gia không nội luật hóa GMT sẽ trao quyền đánh thuế của mình cho các quốc gia xuất khẩu đầu tư, hoặc cho các quốc gia khác nơi cũng có các công ty con của các tập đoàn đa quốc gia (MNE) hoạt động.

Đồng thời, các MNE không còn được hưởng lợi từ việc miễn, giảm thuế vì luôn có một hoặc một số quốc gia sẽ áp dụng các khoản thuế bổ sung để nâng thuế suất thực tế của các MNE lên 15%.

Các quốc gia không áp dụng GMT, đặc biệt là các quốc gia đang phát triển với nhiều ưu đãi về thuế có thể bị thua thiệt khi các quốc gia khác đưa ra các quy định thuế nội địa nhằm đánh thuế bổ sung đối với các khoản lợi nhuận chịu mức thuế thấp. Một số quốc gia trong khu vực như Úc, Nhật Bản, Hàn Quốc, Malaysia và New Zealand đang đẩy mạnh việc triển khai áp dụng.

Thuế tối thiểu toàn cầu có giúp giảm ưu đãi thuế ở Đông Á- Thái Bình Dương?
Ảnh minh họa

Ở mức tối thiểu, các quốc gia cần đánh giá mức thuế hiệu quả áp dụng đối với các doanh nghiệp thuộc các MNE chịu tác động của GMT đang hoạt động tại quốc gia mình. Nếu có trường hợp thuế suất thuế TNDN thực tế thấp hơn 15%, các quốc gia cần xem xét áp dụng thuế bổ sung nội địa để mở rộng cơ sở tính thuế.

Ngoài ra, các quốc gia cũng cần cân nhắc cải cách hệ thống ưu đãi thuế để phù hợp với GMT. Các quốc gia có thể tiến xa hơn bằng cách xem xét một cách tổng thể chính sách thuế TNDN nhằm tương thích với GMT, đồng thời giúp chế độ thuế TNDN hấp dẫn hơn đối với đầu tư, kích thích tăng trưởng kinh tế.

GMT tạo cơ hội cho các quốc gia đang phát triển tại khu vực Đông Á - Thái Bình Dương tăng số thu nội địa trong bối cảnh một nỗ lực toàn cầu có sự phối hợp nhằm thiết lập mức thuế thu nhập doanh nghiệp tối thiểu. Các quốc gia trong khu vực cần nắm lấy cơ hội này và sử dụng cơ chế phối hợp toàn cầu của GMT làm bàn đạp để vượt qua sự cạnh tranh có hại về thuế trong khu vực và cam kết phối hợp mạnh mẽ hơn trong cải cách các ưu đãi thuế./.