Mục tiêu của việc hình thành tiết kiệm nhà ở là để huy động nguồn vốn nhàn rỗi của người dân
Phát biểu tại Hội thảo, Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Trần Nam cho rằng: Thời gian qua, nguồn vốn phục vụ cho phát triển nhà ở chủ yếu được huy động từ nguồn vốn Nhà nước thông qua việc hỗ trợ ngân sách, hỗ trợ tín dụng cũng như các loại thuế phí... Nhưng do ngân sách nhà nước hạn chế, nên nhiều năm qua việc phát triển nhà ở chủ yếu phụ thuộc vào nguồn vốn tín dụng thương mại. Đứng trước sự khủng hoảng kinh tế, các nguồn vốn tín dụng thắt chặt, Nhà nước đang rất cần tìm ra giải pháp nhằm hỗ trợ người dân nghèo có được nhà ở”.
“Có nhà ở cho riêng mình là giấc mơ của tất cả mọi người trên thế giới. Chúng ta muốn có nhà thì chúng ta phải tiết kiệm. Hiện, cứ hai gia đình ở Đức thì có 1 gia đình sở hữu hợp đồng tiết kiệm nhà ở, nhờ đó gánh nặng cho nhà nước trong việc cung cấp nhà ở cho người dân được giảm bớt. Được biết, việc phát triển nhà ở là mục tiêu quan trọng của Chính phủ Việt Nam. Với mô hình này chúng tôi cũng hy vọng, sẽ giúp những người nghèo tại Việt Nam sớm có nhà và giúp các ngân hàng thương mại giảm bớt được rủi ro. Đồng thời, nâng cao tình đoàn kết, hữu nghị giữa hai nước Việt Nam và CHLB Đức…” , bà Jutta Frasch, Đại sứ đặc mệnh toàn quyền CHLB Đức tại Việt Nam nhấn mạnh.
Trên thế giới, việc tiết kiệm nhà đã giúp hàng triệu người có được căn nhà riêng của mình, đơn cử như Đức, tiết kiệm nhà đã góp phần rất lớn trong việc giải quyết vấn đề thiếu hụt nhà ở vào những năm 1920. Sau thế chiến thứ hai, tiết kiệm nhà ở tiếp tục phát triển mạnh mẽ và bền vững qua nhiều thập kỷ…
Giới thiệu về mô hình tiết kiệm nhà ở, đại diện Ngân hàng tiết kiệm nhà ở Schwäbisch Hall cho biết, các nhà phát triển bất động sản riêng rẽ khó vay được tín dụng ngân hang, vì vậy họ kết hợp với nhau tạo thành một cộng đồng đoàn kết.
Trong một cộng đồng tiết kiệm nhà ở, nhiều người cùng bỏ tiền tiết kiệm vào một quỹ riêng, để sau đó dùng khoản tiết kiệm này chi cho các khoản vay với mục đích xây dựng hoặc mua nhà ở cá nhân.
Các điều kiện cho vay rất rõ ràng với lãi suất thấp và cố định trong suốt thời hạn hợp đồng. Hợp đồng tiết kiệm nhà ở là một hợp đồng kết hợp giữa tiết kiệm và cho vay, trong đó chủ sở hữu nhà tương lai gửi tiết kiệm một phần tiền của tổng số tiền cần tiết kiệm để xây dựng nhà ở, phần còn lại sẽ được ngân hàng tiết kiệm nhà ở cấp vốn qua một khoản tín dụng tiết kiệm nhà ở.
Được biết, trong 60 năm qua, các ngân hàng tiết kiệm nhà ở Đức đã giải ngân hơn 1.000 tỷ Euro cho các dự án về nhà ở. Với khoản tiền này, hơn 13 triệu gia đình có thể trang trải chi phí xây dựng, cải tạo nâng cấp, hiện đại hoá mái ấm của mình. Ở nhiều nước khác như Cộng hoà Séc, Trung Quốc, Hungary… tiết kiệm nhà cũng giúp nhiều người có được ngôi nhà riêng cho mình.
Thông qua tiết kiệm nhà ở, việc sở hữu nhà ở cá nhân sẽ liên tục phát triển, nhờ đó, ngành xây dựng cũng có hướng phát triển bền vững. Ngay cả trong giai đoạn lãi suất cho vay cao, tiền cũng vẫn được rót vào việc xây dựng nhà ở, giúp giảm khủng hoảng trong ngành xây dựng. Tiết kiệm nhà ở cũng vì thế đảm bảo được công ăn việc làm cho người dân...
Ghi nhận những kinh nghiệm quý từ cuộc hội thảo này, Bộ Xây dung cho biết sẽ xem xét, trao đổi và có thể nghiên cứu để có thể áp dụng vào Dự thảo Luật Nhà ở (sửa đổi) trong thời gian tới./.
Kim Thoa