PV: Xin ông cho biết về chức năng, nhiệm vụ của Tổ công tác đặc biệt của Bộ Tài chính vừa được thành lập?

Ông Đặng Quyết Tiến: Thực hiện chỉ đạo của Chính phủ về việc giao các bộ thành lập tổ công tác, Bộ trưởng Tài chính đã quyết định thành lập Tổ công tác đặc biệt của Bộ Tài chính tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp và người dân bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19, do Bộ trưởng Hồ Đức Phớc là tổ trưởng. 12 thành viên khác của tổ là cán bộ lãnh đạo của Tổng cục Thuế, Tổng cục Hải quan và một số đơn vị có liên quan.

Chức năng của tổ là tiếp nhận các phản ánh, kiến nghị về những vướng mắc khó khăn của doanh nghiệp và người dân, phân loại, chuyển tiếp và đôn đốc nhắc nhở các đơn vị liên quan trong Bộ Tài chính xử lý nhanh, giảm bớt thủ tục hành chính để hỗ trợ doanh nghiệp kịp thời, linh hoạt.

Tổ công tác đặc biệt của Bộ Tài chính: Gỡ nhanh khó khăn, vướng mắc của doanh nghiệp
Ông Đặng Quyết Tiến

Với chức năng nhiệm vụ và các cơ chế chính sách mà Bộ Tài chính đã tham mưu cho Chính phủ, Quốc hội ban hành, khi tổ chức thực hiện thì vẫn còn một số ý kiến phản ánh là chưa đến được với người dân và doanh nghiệp. Do đó, tổ công tác sẽ tập hợp, lắng nghe các phản ánh của doanh nghiệp, người dân những vướng mắc liên quan đến lĩnh vực của ngành Tài chính.

Một nhiệm vụ chính nữa của tổ là đôn đốc các đơn vị trong bộ về nghiên cứu xây dựng các thể chế được Thủ tướng Chính phủ giao, tại Nghị quyết 105/NQ-CP về hỗ trợ doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh trong bối cảnh dịch Covid-19 và các nhiệm vụ khác, đảm bảo tiến độ triển khai nhanh nhất, đáp ứng yêu cầu.

PV: Cơ chế làm việc và các kênh tiếp nhận thông tin của tổ là như thế nào, thưa ông?

Ông Đặng Quyết Tiến: Tổ tiếp nhận thông tin từ Tổ công tác đặc biệt của Thủ tướng Chính phủ do Phó Thủ tướng Lê Minh Khái làm tổ trưởng, đặt tại Bộ Kế hoạch và Đầu tư. Đồng thời, tổ cũng tiếp nhận thông tin trực tiếp qua email của tổ thường trực, hoặc các đường dây nóng của các cơ quan thuế, hải quan.

Cách làm việc của tổ theo hướng ứng dụng công nghệ thông tin, họp trực tuyến, trao đổi qua email, điện thoại. Khi người dân chuyển tải công văn, kiến nghị đến thì tổ thường trực có nhiệm vụ chuyển ngay đến các cục, vụ để xử lý, với nguyên tắc trong một ngày phải có ý kiến trả lời.

Đối với những kiến nghị thuộc lĩnh vực mà 12 thành viên của tổ phụ trách thì thành viên của tổ giao các đơn vị của mình xử lý ngay. Ví dụ, trong tổ có thành viên là lãnh đạo của Tổng cục Hải quan, Tổng cục Thuế, thì khi tiếp nhận thông tin, rà soát thấy thuộc lĩnh vực hải quan hoặc thuế thì sẽ chỉ đạo xử lý ngay. Đồng thời, đơn vị cũng chuyển thông tin về việc xử lý lên Tổ công tác của Bộ Tài chính, để tổ chuyển tiếp lên Tổ công tác của Thủ tướng Chính phủ, đảm bảo sao cho một thông tin đến đơn vị đều được thông suốt cho các tổ biết; tránh việc thông tin gửi đến nhiều nơi, phân tán, không theo dõi và đôn đốc việc xử lý được. Tổ cũng có nhiệm vụ đôn đốc sao cho các kiến nghị được xử lý nhanh nhất. Sau khi có kết quả thì sẽ tập hợp, báo cáo cho tổ trưởng là Bộ trưởng Bộ Tài chính; đồng thời chuyển đến cho Tổ công tác của Thủ tướng Chính phủ để biết nội dung đã được xử lý.

Trong quá trình xử lý như vậy, nhiệm vụ của tổ là tháo gỡ vướng mắc của doanh nghiệp trong thời gian nhanh nhất trong những lĩnh vực liên quan đến chức năng, nhiệm vụ của Bộ Tài chính. Trường hợp không đúng chức năng thì báo cáo cho tổ công tác của Thủ tướng để chuyển cho các bộ, ngành, địa phương khác xử lý.

PV: Đối với nhiệm vụ về nghiên cứu xây dựng chính sách thì tổ thực hiện như thế nào, thưa ông?

Ông Đặng Quyết Tiến: Về nghiên cứu chính sách, với nhiệm vụ được giao trong Nghị quyết 105, tổ công tác tham mưu cho Bộ trưởng đôn đốc các đơn vị trong ngành nghiên cứu việc xử lý các cơ chế chính sách đã được Chính phủ giao. Ví dụ như việc miễn thuế trước bạ vừa qua, tổ công tác đã kiến nghị Vụ Chính sách thuế của Bộ Tài chính sớm trình dự thảo nghị định để lấy ý kiến về triển khai miễn thuế trước bạ cho ô tô. Hay là để triển khai nghị quyết của Quốc hội về miễn giảm thuế, chúng tôi đang đôn đốc, đẩy nhanh việc xây dựng Nghị định hướng dẫn nghị quyết của Quốc hội để có thể triển khai sớm nhất, hỗ trợ kịp thời cho doanh nghiệp lúc khó khăn.

Liên quan đến cơ chế chính sách của lĩnh vực hải quan, mới đây chúng tôi đã phối hợp với hải quan đẩy nhanh việc xử lý và ban hành Thông tư 82 về giám sát hải quan trong trường hợp hàng hóa nhập khẩu ùn tắc cảng biển ở nơi thực hiện giãn cách, từ đó góp phần thúc đẩy thông quan hàng hóa nhanh hơn, tiết kiệm thời gian và chi phí cho doanh nghiệp…..

Tổ công tác đặc biệt của Bộ Tài chính: Gỡ nhanh khó khăn, vướng mắc của doanh nghiệp
Các doanh nghiệp xuất khẩu duy trì sản xuất trong thời gian giãn cách xã hội.

PV: Sau một thời gian ngắn được thành lập, xin ông cho biết sơ bộ về kết quả triển khai các nội dung công việc của tổ?

Ông Đặng Quyết Tiến: Theo những nhiệm vụ được giao trong Nghị quyết 105, Bộ Tài chính có 2 nhóm nhiệm vụ. Ở nhóm nhiệm vụ liên quan đến chính sách thuế, có 2 nghị định đã triển khai. Về hải quan thì đã ban hành 1 thông tư và sẽ tiếp tục rà soát các nội dung khác. Trong tổ chức triển khai thông quan với những mặt hàng y tế, Bộ Tài chính đã đảm bảo được vấn đề nhanh nhất, giảm bớt thủ tục theo yêu cầu của Nghị quyết 105, như là nợ hồ sơ bản chính, nộp bản sao…

Còn về giải quyết những kiến nghị, đến nay chúng tôi nhận được 7 kiến nghị, đã xử lý 5 kiến nghị, còn lại 2 kiến nghị đang tiếp tục nghiên cứu vì liên quan đến cơ chế chính sách. Ví dụ như về việc doanh nghiệp FDI có dự án lớn, đang triển khai dở dang, giấy phép ưu đãi hết hạn nhưng chưa được gia hạn do vướng giãn cách, thì có cơ chế nào để họ được thông quan vì theo quy định là có giấy phép ưu đãi mới được thông quan. Vấn đề này lại liên quan đến trách nhiệm của Sở Kế hoạch và Đầu tư về gia hạn giấy phép. Vì vậy, chúng tôi chỉ đạo hải quan trả lời cho doanh nghiệp và có công văn gửi Hà Nội để xử lý. Mặt khác, chúng tôi đang nghiên cứu đề xuất để có cơ chế xử lý thông thoáng hơn cho doanh nghiệp.

Ngoài ra, tôi trực tiếp cũng đã nhận được 3, 4 phản ánh của doanh nghiệp và triển khai xử lý ngay. Hiện các kiến nghị chủ yếu liên quan đến giải phóng nhanh hàng hóa của hải quan, sau khi rà soát, nếu thuộc trách nhiệm hải quan thì xử lý ngay. Cũng có những kiến nghị liên quan đến quy định chống dịch của Bộ Y tế nên hải quan không được thông quan, thì tổ chuyển cho tổ công tác của Thủ tướng để chuyển cho Bộ Y tế.

Tới đây, chúng tôi sẽ kiến nghị tiếp giải pháp cho nghị quyết phục hồi kinh tế sau đại dịch Covid-19 và thúc đẩy phát triển doanh nghiệp. Trong đó, tập trung vào việc giảm bớt thủ tục hành chính, xây dựng cơ chế thông thoáng hơn cho doanh nghiệp….

PV: Xin cảm ơn ông!

Thành phần Tổ công tác

Tổ công tác đặc biệt của Bộ Tài chính do Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc là Tổ trưởng. Các tổ phó là: ông Đặng Quyết Tiến - Cục trưởng Cục Tài chính doanh nghiệp (tổ phó thường trực); ông Vũ Đức Hội - Phó Vụ trưởng Vụ Ngân sách nhà nước; ông Nguyễn Thành Hưng - Phó Vụ trưởng Vụ Chính sách thuế.

Ông Mai Xuân Thành - Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Hải quan; ông Phạm Hồng Sơn, Phó Chủ tịch Ủy ban Chứng khoán Nhà nước; ông Phạm Chí Thanh - Phó Chánh văn phòng, Bộ Tài chính; ông Đặng Công Khôi - Phó Cục trưởng Cục Quản lý giá; bà Nguyễn Thị Thoa - Phó Cục trưởng Cục Quản lý công sản; bà Nguyễn Thu Thủy - Phó Vụ trưởng Vụ Pháp chế; bà Vũ Thị Hải Yến - Phó Vụ trưởng Vụ Tài chính hành chính sự nghiệp; ông Nguyễn Hoàng Dương - Phó Vụ trưởng Vụ Tài chính các ngân hàng và tổ chức tài chính; ông Lưu Đức Huy - Vụ trưởng Vụ Chính sách, Tổng cục Thuế là thành viên tổ công tác.