Ngày hội Di sản Văn hóa Việt Nam lần thứ 4 nhằm hướng đến việc xúc tiến các hoạt động liên kết giữa văn hóa và doanh nghiệp, đồng hành chung tay cùng doanh nhân, doanh nghiệp góp phần bảo tồn và phát triển những di sản văn hóa Việt Nam.

Tại lễ khai mạc Ngày hội Di sản Văn hóa Việt Nam lần thứ 4, Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Liên hiệp các Hội UNESCO Việt Nam Trần Văn Mạnh cho biết, tính đến nay, Việt Nam có 8 di sản văn hóa và thiên nhiên, 14 di sản văn hóa phi vật thể đã được UNESCO nâng lên tầm giá trị toàn nhân loại, cùng với gần 20 địa danh và hàng chục loại hình văn hóa phi vật thể khác đang chờ đợi để được Nhà nước và UNESCO xem xét đưa tiếp vào danh sách di sản thế giới.

Việt Nam thực sự là một đất nước có tiềm năng văn hóa và có lợi thế để phát triển các ngành kinh tế dựa trên khai thác giá trị kinh tế của di sản. Việc khai thác các tiềm năng và lợi thế về văn hóa, thiên nhiên sẵn có như nguồn lực để phục vụ phát triển kinh tế - xã hội là thực tế đang diễn ra ở Việt Nam và nhiều nước trên thế giới.

Tôn vinh giá trị các di sản văn hóa mang bản sắc Việt Nam

Phần trình diễn áo dài di sản trong chương trình Ngày hội Di sản Văn hóa Việt Nam năm 2022

"Với 8 di sản văn hóa và thiên nhiên, với hàng chục di sản văn hóa vật thể và phi vật thể cùng các khu sinh quyển, vườn địa chất và nhiều bằng chứng lịch sử - văn hóa của quốc gia đã được Công ước quốc tế về di sản xếp hạng trong chặng đường hơn 30 năm qua. Đó là ước mơ đã thành hiện thực, là niềm tự hào sâu sắc của mỗi người dân Việt Nam" - ông Trần Văn Mạnh nhấn mạnh.

Đặc biệt, áo dài Việt được trình diễn như một điểm nhấn của sự kiện, góp phần tôn vinh và tạo dấu ấn cho hồ sơ trình UNESCO công nhận di sản phi vật thể đại diện của nhân loại.

Với sự xuất hiện của các nghệ nhân ưu tú, có nhiều đóng góp cho sự nghiệp bảo tồn và phát huy các giá trị di sản Việt Nam, chương trình đã mang đến cho công chúng những trải nghiệm đặc biệt, mang đậm giá trị văn hóa truyền thống.

Bên cạnh đó, một trong những hoạt động quan trọng nhất của ngày hội, Diễn đàn "Doanh nhân doanh nghiệp với việc bảo tồn và gìn giữ di sản văn hóa" cũng đã diễn ra. Diễn đàn đã đưa ra những ý kiến, quan điểm về vai trò quan trọng của các doanh nhân, doanh nghiệp trong việc bảo tồn và gìn giữ di sản văn hóa, đặc biệt là gắn với phát triển kinh tế - xã hội. Các đại biểu đánh giá cao nỗ lực bảo tồn, gìn giữ di sản văn hoá của Việt Nam, đưa ra kỳ vọng vào thời gian tới khi có sự tham gia hiệu quả của các doanh nghiệp./.

Tạo dấu ấn trong bạn bè quốc tế về “Di sản Văn hóa Việt Nam”

Ban tổ chức lựa chọn những loại hình văn hóa, nghệ thuật, thể thao, võ thuật đặc sắc, điển hình có tính truyền thống, nhằm giới thiệu, quảng bá mạnh mẽ tới đại chúng; đồng thời tạo nên một dấu ấn trong bạn bè quốc tế góc nhìn ấn tượng về “Di sản Văn hóa Việt Nam”. Đây cũng là một dịp để nhân dân Thủ đô cùng du khách trong và ngoài nước được thưởng lãm và trải nghiệm những loại hình văn hóa nghệ thuật và thể thao độc đáo của Việt Nam như: Thư pháp Việt, hát then, hát văn, bài chòi, quan họ, chèo, ví giặm, ca trù, hát xẩm, và các thể thức trống hội.