TP. Hồ Chí Minh: 60 ngày “chạy nước rút” giải ngân vốn đầu tư công
Thi công đường Vành đai 3 đoạn qua TP. Thủ Đức, TP. Hồ Chí Minh. Ảnh: Sơn Nam

Không thể chần chừ

Tính đến ngày 10/11, TP. Hồ Chí Minh (TP.HCM) đã giải ngân được hơn 25.800 tỷ đồng, đạt tỷ lệ 38% trong tổng số vốn giao. TP.HCM dự báo sẽ có hơn 1.800 dự án hoàn thành mục tiêu 95% với tổng số vốn hơn 27.700 tỷ đồng; có 233 dự án dự kiến sẽ giải ngân dưới 95% với số vốn dự kiến không giải ngân được là hơn 19.500 tỷ đồng.

Trước áp lực giải ngân thời gian còn lại của năm 2023 rất lớn, Giám đốc Kho bạc Nhà nước (KBNN) TP.HCM Nguyễn Hoàng Hải cho biết, với trách nhiệm được giao, đơn vị đang tiếp tục tổng hợp và tham mưu UBND thành phố các giải pháp nhằm chỉ đạo các chủ đầu tư đẩy nhanh công tác giải ngân vốn đầu tư công.

Chủ tịch UBND TP.HCM Phan Văn Mãi yêu cầu: “Thành phố phải luôn xác định là kiên trì thực hiện mục tiêu giải ngân 95%, nhưng nếu như một số chủ đầu tư, dự án có lí do khách quan thì chúng ta cũng quyết tâm không để dưới 80%. Điều này không phải làm phong trào mà có tập trung lãnh đạo, chỉ đạo, kiểm tra, phân công, giao việc để làm”.

Cụ thể, đơn vị đang tiếp tục phối hợp chặt chẽ với Sở Kế hoạch và Đầu tư, Sở Tài chính triển khai kế hoạch vốn và số liệu giải ngân vốn đầu tư công để kịp thời tham mưu UBND thành phố điều chỉnh kế hoạch vốn từ các dự án không có nhu cầu hấp thụ vốn, đến các dự án triển khai nhằm phù hợp với tiến độ thực hiện từng dự án.

“Cùng thời điểm này, KBNN liên tục thông báo đến các chủ đầu tư gửi hồ sơ pháp lý đã hoàn thiện cũng như hồ sơ thanh toán khối lượng hoàn thành đến KBNN để kịp thời kiểm soát và thanh toán; thông tin đến chủ đầu tư các vấn đề cần lưu ý trong nhiệm vụ kiểm soát chi vốn đầu tư công vào thời điểm cuối năm, các sai sót thường gặp để các đơn vị chủ động thực hiện” - ông Hải thông tin.

Chủ tịch UBND TP.HCM Phan Văn Mãi cho biết, thành phố đang tập trung xác định rõ trách nhiệm của các sở, ngành, Chủ tịch UBND quận, huyện và TP. Thủ Đức, chủ đầu tư dự án để xem xét, xử lý trách nhiệm đối với tập thể và người đứng đầu các cơ quan, đơn vị nếu không hoàn thành nhiệm vụ được giao. Đồng thời, xác định kết quả giải ngân vốn đầu tư công là căn cứ để đánh giá, xếp loại mức độ hoàn thành nhiệm vụ, năng lực chỉ đạo, điều hành đối với từng tập thể, cá nhân, cơ quan, đơn vị…Với những nỗ lực, quyết tâm đó, thành phố luôn kỳ vọng sẽ giải ngân ở mức cao nhất có thể.

Theo ông Mãi, để đạt chỉ tiêu giải ngân, vai trò của các chủ đầu tư lớn là rất quan trọng. Ngoài việc nỗ lực phấn đấu giải ngân đầu tư công ở mức cao nhất có thể, thành phố cũng đang tính toán, dự báo cho kế hoạch năm tới sát với thực tế, tránh tình trạng “trừ hao quá lớn”, ảnh hưởng đến kết quả.

Rút ngắn thời gian xử lý tình huống phát sinh

Là đơn vị được giao hơn 30.000 tỷ đồng, tương đương gần 44% tổng vốn đầu tư công toàn TP.HCM, hiện nay Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình giao thông TP.HCM (Ban Giao thông) đang chạy đua với thời gian để hoàn thành mục tiêu giải ngân.

Ông Lương Minh Phúc - Giám đốc Ban Giao thông cho biết, đến ngày 21/11, Ban đã giải ngân được 14.200/30.000 tỷ đồng, tỷ lệ 47%. Thời gian còn lại của năm là không nhiều nên Ban đang tập trung quyết liệt các giải pháp, đặc biệt là đẩy nhanh khối lượng xây lắp; cùng với 6 địa phương triển khai tốt công tác giải phóng mặt bằng, kịp thời báo cáo tổ công tác, đặc biệt là phối hợp với các địa phương, sở ngành để xử lý các vấn đề liên quan đến quy hoạch, cấp phép thi công…

TP. Hồ Chí Minh: 60 ngày “chạy nước rút” giải ngân vốn đầu tư công
Thi công dự án cải tạo kênh Tham Lương. Ảnh: Sơn Nam

Ông Phúc cũng cho biết, đơn vị đang tập trung vào 4 nhóm giải pháp. Thứ nhất là đẩy nhanh tiến độ thi công các công trình đủ mặt bằng; thứ hai là đẩy nhanh tiến độ các gói thầu xây lắp còn lại, đặc biệt là dự án vành đai 3; thứ ba là tiếp tục cùng với các địa phương hoàn thành 20 dự án giải phóng mặt bằng, chiếm tỷ trọng 40% phần vốn còn lại; thứ tư là phối hợp với các địa phương, sở ngành, rút ngắn thời gian xử lý tình huống phát sinh, phấn đấu đảm bảo tỷ lệ giải ngân.

Cũng theo Giám đốc KBNN TP.HCM Nguyễn Hoàng Hải, thời gian qua đơn vị đã phân loại trạng thái 06 nhóm dự án được giao kế hoạch vốn đầu tư công năm 2023 để theo dõi tỷ lệ giải ngân hàng tháng nhằm đôn đốc chủ đầu tư.

Đồng thời, KBNN báo cáo, đề xuất, kiến nghị đến các cơ quan quản lý liên quan có biện pháp tham gia tháo gỡ vướng mắc, theo các tiêu chí như: nhóm dự án hoàn thành được phê duyệt quyết toán; nhóm dự án đã hoàn thành đang thực hiện quyết toán; nhóm dự án có khả năng hoàn thành năm 2023; nhóm dự án chuyển tiếp (hoàn thành sau năm 2023); nhóm dự án khởi công mới; nhóm dự án chuẩn bị đầu tư.

Trước áp lực rất lớn trong thực thi công vụ, KBNN TP. Hồ Chí Minh tiếp tục phân cấp, giao nhiệm vụ đến KBNN Thủ Đức và 21 KBNN các quận, huyện trực thuộc thực hiện kiểm soát các dự án của chủ đầu tư trên địa bàn nhằm tạo điều kiện chủ động, thuận lợi cho các chủ đầu tư giao dịch và thống nhất đầu mối kiểm soát thanh toán các khoản chi tại hệ thống KBNN TP. Hồ Chí Minh.

Mới đây, tại hội nghị chuyên đề về công tác giải ngân vốn đầu tư công trên địa bàn, Bí thư Thành ủy TP.HCM Nguyễn Văn Nên cho rằng, qua thực tế kiểm tra, vẫn còn có tình trạng trên nóng dưới chưa nóng theo; lãnh đạo địa phương có nơi nắm, có nơi khi được hỏi thì bảo chờ để kiểm tra, báo cáo lại.

Ông Nên cho biết, thực tế đã chứng minh, nơi nào công tác lãnh đạo sâu sát, chỉ đạo bài bản, có trọng tâm, phân công cụ thể, dự báo, giám sát, kiểm tra tiến độ thì kết quả tốt. Ngược lại, nơi nào không theo sát tình hình, không đeo bám, không quyết liệt thì chắc chắn công tác thông tin, chỉ đạo rất khó khăn và không hiệu quả.

Bí thư Thành ủy TP.HCM Nguyễn Văn Nên yêu cầu, lãnh đạo địa phương, chủ đầu tư có cam kết rõ ràng trong thời gian còn lại của năm, cụ thể, rạch ròi những giả định, quy định về chế tài cụ thể; nêu cao tinh thần trách nhiệm với quyết tâm nỗ lực và thử thách chính mình. Đồng thời, cố gắng hoàn thành với điều kiện khả năng cao nhất có thể để chuẩn bị cho kế hoạch tiếp theo.

Để đạt mục tiêu 95%, thành phố cũng đã phát động thi đua 60 ngày đêm phấn đấu thực hiện giải ngân đầu tư công, quyết liệt giải quyết các khó khăn vướng mắc liên quan đến các dự án đầu tư công; hiện các chủ đầu tư đang tập trung đẩy nhanh thực hiện, trong đó có 48 chủ đầu tư cam kết giải ngân tỷ lệ 95%.