anh moi

Dây chuyền lắp ráp linh kiện điện tử của một doanh nghiệp tại TP. Hồ Chí Minh. Ảnh: TL

Dịch Covid-19 đã “hạ nhiệt”

Đợt dịch Covid-19 lần thứ tư bùng phát, TP. Hồ Chí Minh được xem là tâm điểm của dịch bệnh, không chỉ khu vực phía Nam mà của cả nước. Cao điểm có ngày số người mắc Covid-19 lên tới cả chục nghìn người, cùng với đó, tỷ lệ bệnh nhân tử vong do Covid-19 cũng trên dưới 3 con số mỗi ngày.

Lãnh đạo các cấp, các ngành, các địa phương coi đây là cuộc chiến khốc liệt chưa từng có tiền lệ. Với mục tiêu sớm khống chế, ngăn chặn, đẩy lùi dịch bệnh, trở lại cuộc sống bình thường mới, cả nước đã đồng lòng chung tay “chia lửa”, hỗ trợ phòng chống dịch trong điều kiện hết sức khó khăn, nhất là việc huy động tổng lực cho nơi tuyến đầu.

Sau hơn 100 ngày nỗ lực của cả hệ thống chính trị, sự chung tay góp sức của người dân, cuộc chiến chống dịch đã đi đúng hướng, đạt được những kết quả rất khả quan, dịch Covid-19 tại TP. Hồ Chí Minh đã cơ bản được khống chế.

Tỷ lệ người mắc Covid-19 đã giảm sâu mỗi ngày, tỷ lệ nhập viện, điều trị nơi tuyến đầu đã giảm tải rõ rệt. Đặc biệt, tin vui trong những ngày qua tại TP. Hồ Chí Minh, số ca nhiễm đang điều trị và tử vong có xu hướng giảm nhanh. Số ca tử vong trong ngày tiếp tục giảm xuống thấp dưới 100 ca/ngày.

Liên tiếp trên nhiều diễn đàn, nhiều cuộc họp mới đây, người đứng đầu TP. Hồ Chí Minh luôn nhấn mạnh phải tập trung đẩy mạnh thực hiện lộ trình nới lỏng giãn cách xã hội với mục tiêu là tiếp tục kiểm soát, phòng, chống dịch Covid-19 đi đôi với khôi phục, phát triển kinh tế.

Trong đó, thành phố đặc biệt ưu tiên bảo vệ sức khỏe, tính mạng của người dân là trên hết, trước hết, kéo giảm số ca nhập viện và số ca tử vong đến mức thấp nhất; củng cố, tăng cường hệ thống y tế, nhất là y tế cơ sở; từng bước khôi phục và phát triển kinh tế - xã hội, đưa sinh hoạt của người dân bước sang trạng thái bình thường mới.

Quan điểm của lãnh đạo TP. Hồ Chí Minh được thể hiện rất rõ trong Chỉ thị 18 mới đây là một mặt bảo vệ sức khỏe người dân, một mặt cũng quan tâm bảo vệ “sức khỏe” của kinh tế, trong đó có “sức khỏe” của doanh nghiệp. Thành phố cũng xem bảo vệ sức khỏe người dân và bảo vệ “sức khỏe” của doanh nghiệp (DN), kinh tế là hai mặt trận chiến lược song hành của cuộc chiến phòng chống dịch Covid-19.

“Chúng tôi không thể nào xem trọng một mặt trận mà bỏ quên mặt trận khác. Giống như người vừa vượt qua bạo bệnh, rất cần thời gian dưỡng bệnh sau đó mới có đủ lực để phát triển, nên thời gian để phục hồi kinh tế TP. Hồ Chí Minh trở lại trạng thái bình thường trước khi có dịch, khoảng 6 tháng, 9 tháng, thậm chí cả năm sau mới phục hồi như cũ” - Phó Chủ tịch UBND TP. Hồ Chí Minh Võ Văn Hoan nhấn mạnh.

Cần nhiều thời gian để phục hồi kinh tế

Theo thống kê của UBND TP. Hồ Chí Minh, bình quân 6 tháng đầu năm, mỗi ngày thành phố thu ngân sách khoảng 1.400 tỷ đồng. Đến tháng 7/2021 giảm còn 700 tỷ đồng/ngày và đến tháng 9/2021 chỉ còn hơn 600 tỷ đồng/ngày, giảm hơn 50% so với mức thu của một ngày bình thường.

Nguyên nhân chính là do DN không sản xuất, không có nguồn thu nên không thu được ngân sách. Cùng với đó, GRDP của TP. Hồ Chí Minh vào đầu tháng 8/2021 âm 2,8%, đến tháng 9/2021 giảm sâu khoảng (-5,6%).

Đại biểu Quốc hội, nguyên Bí thư Thành ủy TP. Hồ Chí Minh Nguyễn Thiện Nhân dẫn chứng, hiện tượng TP. Hồ Chí Minh tăng trưởng âm là điều chưa từng có. DN còn hoạt động chỉ chiếm khoảng 20%, đây cũng là tình huống chưa từng có. DN duy trì dòng tiền cầm cự được 1 tháng chiếm trên 40%, từ 1 - 3 tháng chiếm 45%, chỉ 15% DN còn nguồn tài chính duy trì hoạt động trên 3 tháng, đây cũng là tình thế hết sức đặc biệt. Khi DN không hoạt động, người lao động không có việc làm dẫn tới thu nhập không còn, đây cũng là tình huống rất đặc biệt.

Ông Nguyễn Thiện Nhân nhìn nhận, về mặt kinh tế xã hội đứng trước tình huống đặc biệt chưa từng có trong lịch sử phát triển TP. Hồ Chí Minh, cho nên về nguyên tắc, tình huống chưa từng có thì giải pháp cũng chưa từng có. Đồng thời, ông cho biết, cần hỗ trợ để DN duy trì dòng tiền để hoạt động, giữ chân, hỗ trợ người lao động, người dân. Khi người dân, người lao động có tiền thì mới kích cầu sản xuất hàng tiêu dùng. Do đó ý nghĩa việc hỗ trợ tiền cho người dân, người lao động rất quan trọng. Bên cạnh đó, có 3 lĩnh vực y tế, giáo dục, văn hoá nghệ thuật cần hỗ trợ để thích ứng với tình hình mới.

Phó Chủ tịch UBND TP. Hồ Chí Minh Võ Văn Hoan cho biết, thành phố đã xây dựng kế hoạch nới lỏng giãn cách xã hội để phục hồi và phát triển kinh tế. Các ngành kinh tế đều có bộ tiêu chí an toàn và từng lĩnh vực đều có chuẩn bị các phương án để thực hiện.

Phó Chủ tịch UBND TP. Hồ Chí Minh đánh giá, sức khỏe của người dân, “sức khỏe” của DN, “sức khỏe” của kinh tế đã đứng trước một tình huống rất khó khăn và thách thức. Các chỉ tiêu phát triển kinh tế của TP. Hồ Chí Minh trong 9 tháng đầu năm đều giảm sâu. Đặc biệt, có các ngành thương mại, dịch vụ, công nghiệp giảm rất sâu, thậm chí du lịch trong nhiều tháng có doanh số bằng 0. Thu ngân sách TP. Hồ Chí Minh có khả năng không hoàn thành nhiệm vụ của năm 2021.

Rất nhiều DN của TP. Hồ Chí Minh đang đóng cửa, phá sản, tạm đóng cửa. Những DN có điều kiện thì hoạt động cũng không hết công suất và gặp rất nhiều khó khăn, chi phí tăng lên. Nguồn vốn của DN đang cạn kiệt dần còn nguồn lực ngân sách đang ở vào thế khó khăn.

Thời gian qua, TP. Hồ Chí Minh được sự hỗ trợ của trung ương, đã triển khai có hiệu quả và tích cực công tác phòng chống dịch. Thành phố vẫn tích cực làm mạnh mẽ hơn nữa, quyết liệt hơn nữa, kiên trì hơn nữa để công tác phòng chống dịch có hiệu quả cao hơn, bảo vệ tốt hơn sức khỏe người dân.

Theo Phó Chủ tịch UBND TP. Hồ Chí Minh Võ Văn Hoan, chính sách ban hành là đang ban hành phổ biến chung, khó có thể áp dụng cho từng nhóm DN. Vì vậy, nên phân loại ra từng nhóm DN theo từng nhóm “sức khỏe” của DN và có chính sách với từng nhóm thì phù hợp hơn./.

Các chuyên gia kinh tế và các DN cho rằng, để phục hồi kinh tế của DN tại TP.Hồ Chí Minh đòi hỏi phải có thời gian đủ cho hồi phục, chứ không phải đơn thuần mở cửa là có thể phục hồi ngay được.

Gia Cư