TP. Hồ Chí Minh: Dự báo tổng sản phẩm trên địa bàn năm 2022 tăng trên 9%
Một góc trung tâm TP. Hồ Chí Minh. Ảnh: Sơn Nam

Kết quả của sự chủ động, thích ứng linh hoạt

Theo đánh giá tổng hợp của Cục Thống kê TP. Hồ Chí Minh cũng như các dự thảo báo cáo về tình hình kinh tế - xã hội của Thành ủy TP. Hồ Chí Minh, trong năm 2022, dù đối diện nhiều khó khăn nhưng tình hình kinh tế - xã hội thành phố đã phục hồi nhanh và khá toàn diện.

Dự báo tổng sản phẩm trên địa bàn TP. Hồ Chí Minh (GRDP) năm 2022 tăng trên 9% với 14/19 chỉ tiêu cơ bản đạt và vượt kế hoạch.

Tổng thu ngân sách nhà nước trên địa bàn thành phố 11 tháng năm 2022 ước đạt 434.857 tỷ đồng, vượt 12,5% dự toán và tăng 22,5% so với cùng kỳ. Trong đó các khoản thu liên quan đến bất động sản tăng 110,2% so với cùng kỳ, dầu thô tăng 87,3%.

Bên cạnh đó, thị trường tiền tệ trên địa bàn thành phố vẫn được duy trì ổn định mặc dù có nhiều thông tin ảnh hưởng tiêu cực đến thị trường. Tính đến 1/11/2022, tổng vốn huy động tăng 7,0% so cùng kỳ và dư nợ tín dụng tăng 19,5%. Số doanh nghiệp trong nước thành lập mới 11 tháng năm 2022 tăng 47,8%.

Thành phố tiếp tục định hướng phát triển nền nông nghiệp đô thị hiện đại, hiệu quả, bền vững gắn với phát triển du lịch mang nét đặc trưng riêng của thành phố.

Chỉ số sản xuất toàn ngành công nghiệp trên địa bàn thành phố, tính chung 11 tháng năm 2022 tăng 15,7% so với cùng kỳ. Điển hình là kinh tế trọng điểm: khai khoáng tăng 42,2%; công nghiệp chế biến, chế tạo tăng 15,6%; sản xuất và phân phối điện tăng 12,9%; cung cấp nước và xử lý rác thải tăng 12,1%.

Bí thư Thành ủy TP. Hồ Chí Minh Nguyễn Văn Nên khẳng định: “Sau gần một năm phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội đầy khó khăn thách thức, TP. Hồ Chí Minh đã lấy lại được những gì đã mất. Mặc dù đối mặt với những khó khăn do áp lực lạm phát, các sở, ban, ngành cùng UBND các cấp đã đồng hành cùng doanh nghiệp nổ lực hoàn thành các chỉ tiêu kinh tế - xã hội; tập trung tháo gỡ khó khăn trong lĩnh vực thuế, đất đai, đầu tư công, cấp phép dự án; bình ổn giá cả thị trường; lành mạnh hoá thị trường bất động sản".

Trong chuyến thăm và làm việc với lãnh đạo TP. Hồ Chí Minh mới đây, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính cũng nhận xét: “TP. Hồ Chí Minh đã góp phần rất quan trọng vào thành quả chung của cả nước, nhất là ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát".

Tăng tốc nhanh, phát triển bền vững

Theo đánh giá của Thành ủy TP. Hồ Chí Minh, bên cạnh kết quả đạt được, thành phố đã, đang và sẽ đối diện với rất nhiều khó khăn, thách thức. Nhiều chủ trương, nhiệm vụ đã được tập trung chỉ đạo thực hiện quyết liệt nhưng kết quả vẫn chưa đạt yêu cầu, nhất là giải ngân vốn đầu tư công, công tác quy hoạch, điều chỉnh quy hoạch, các chương trình giảm ngập nước, ùn tắc giao thông, nhà ở xã hội, nhà ở cho công nhân…

Ngoài ra, thực trạng vấn đề mới phát sinh liên quan đến tình hình tài chính, tiền tệ, trái phiếu, chứng khoán, bất động sản, cung ứng xăng dầu… khiến thành phố đối diện không ít khó khăn. Giá xăng, dầu điều chỉnh tăng trong 11 tháng qua. Theo dự báo của Cục Chăn nuôi giá các mặt hàng nguyên vật liệu, thức ăn chăn nuôi tăng và duy trì mức tăng này đến hết năm 2022.

Năm 2023, chủ đề TP. Hồ Chí Minh được chọn và thống nhất cao tại hội nghị Ban Chấp hành Đảng bộ mới đây là: “Nâng cao chất lượng hoạt động công vụ, đẩy mạnh cải cách hành chính và cải thiện môi trường đầu tư”.

TP. Hồ Chí Minh: Dự báo tổng sản phẩm trên địa bàn năm 2022 tăng trên 9%
Dây chuyền sản xuất ngành cơ khí, chế tạo tại TP.Hồ Chí Minh. Ảnh: Sơn Nam

Mới đây, Viện Nghiên cứu phát triển TP. Hồ Chí Minh (HIDS) cũng đưa ra 3 kịch bản dự báo về tăng trưởng kinh tế TP. Hồ Chí Minh trong năm 2023. Theo HIDS, cả 3 kịch bản tăng trưởng kinh tế của TP. Hồ Chí Minh trong năm 2023 được xây dựng với giả định các yếu tố tác động tăng trưởng ở góc độ tổng cung, tổng cầu và phân tích năng lực nội tại của địa phương.

Bí thư Thành ủy TP. Hồ Chí Minh Nguyễn Văn Nên cho rằng, trong số các nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm trong năm 2023 cần lưu ý, quán triệt sâu sắc quan điểm phát triển hài hòa giữa kinh tế với văn hóa - xã hội, chăm lo xây dựng đời sống văn hóa, tinh thần, nâng cao chất lượng sống người dân.

Theo Chủ tịch HĐND TP. Hồ Chí Minh Nguyễn Thị Lệ, đối với nhiệm vụ phát triển kinh tế trong năm 2023, TP. Hồ Chí Minh đang rất quan tâm xây dựng đề án phát triển ngành công nghiệp chế biến, bảo quản hàng hóa sản phẩm bên cạnh phát triển các dự án sản xuất nông nghiệp công nghệ cao đã được phê duyệt; đề án xây dựng phát triển ngành công nghiệp dược.

Bên cạnh đó, thành phố cũng quan tâm chỉ đạo các đơn vị rà soát lại các dự án trong danh mục đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025, trong đó, phân tích thống kê các dự án theo từng lĩnh vực, có giải pháp ưu tiên bố trí vốn. Đồng thời, đảm bảo bố trí đủ vốn để thực hiện các dự án trọng điểm, nhất là vốn để chi bồi thường, hỗ trợ, tái định cư./.

Trong cải cách hành chính, UBND TP. Hồ Chí Minh cũng đang tập trung các nội dung mà thành phố bị đánh giá thấp trong những năm qua; tập trung việc đánh giá sự hài lòng của người dân đối với tất cả cán bộ có nhiệm vụ tương tác trực tiếp với người dân.