Vốn đầu tư công tăng đều qua các năm
Thông tin về công tác giải ngân vốn đầu tư công trong kỳ trung hạn giai đoạn 2021-2025, ông Nguyễn Trung Anh - Phó Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư TP. Hồ Chí Minh, cho biết kế hoạch đầu tư công giai đoạn 2021-2025 được TP. Hồ Chí Minh bố trí tập trung xây dựng và hoàn thiện hệ thống kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội, qua đó đã tác động sâu sắc đến nhiều mặt của đời sống kinh tế - xã hội.
TP. Hồ Chí Minh vừa khánh thành đường Long Phước nối hai phường của TP Thủ Đức qua cầu Long Đại. Ảnh: Việt Dũng |
Trong giai đoạn này, Sở Kế hoạch và Đầu tư đã tham mưu chính quyền thành phố phân bổ, giao tổng số vốn trên 217.527 tỷ đồng. Kết quả đã thực hiện cho thây, tổng vốn giải ngân hàng năm giai đoạn trung hạn 2021-2025 đều tăng qua các năm.
Cụ thể, năm 2021 đã giải ngân được 19.721 tỷ đồng, đạt tỷ lệ 61% trên tổng kế hoạch vốn giao (32.263 tỷ đồng); Năm 2022 giải ngân được 26.202 tỷ đồng, đạt tỷ lệ 70% trên tổng kế hoạch vốn giao (37.366 tỷ đồng); Năm 2023 giải ngân được 48.046 tỷ đồng, đạt tỷ lệ 70% trên tổng kế hoạch vốn giao (68.634 tỷ đồng).
Nhiều công trình, dự án được đầu tư giai đoạn 2021-2025 tại TP. Hồ Chí Minh đã kịp thời giải quyết những yêu cầu bức thiết về ùn tắc giao thông, giảm ngập nước, giảm thiểu ô nhiễm môi trường, thúc đẩy phát triển kinh tế, bảo đảm an sinh xã hội; nhất là đầu tư xây dựng đưa vào sử dụng nhiều trường học và bệnh viện với số lượng phòng học, giường bệnh tăng thêm đáng kể, đáp ứng phần lớn nhu cầu cơ bản của người dân. |
Năm 2024, theo số liệu cập nhật đến hết ngày 31/8 do Kho bạc Nhà nước công bố, tổng vốn số vốn đã giải ngân là 14.539 tỷ đồng, đạt tỷ lệ 18,3% trên tổng mức vốn kế hoạch vốn đầu tư công được giao (79.264 tỷ đồng). Thành phố đặt mục tiêu giải ngân kế hoạch vốn đầu tư công năm 2024 đạt từ 95% trở lên. Năm 2025 dự kiến giải ngân theo kế hoạch là 103.242 tỷ đồng.
Ưu tiên cho dự án đủ điều kiện cấp vốn
Về nhu cầu kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2026 – 2030 trên cơ sở tổng hợp đề xuất của các cơ quan, đơn vị trực thuộc UBND TP. Hồ Chí Minh, tổng nhu cầu vốn đầu tư của địa phương giai đoạn này là 1.530.743 tỷ đồng. Hiện tại, Sở Kế hoạch và Đầu tư đã kiến nghị UBND thành phố giao Sở Tài chính trong quá trình xây dựng kế hoạch tài chính 5 năm giai đoạn 2026 - 2030 đề xuất cân đối số vốn ngân sách địa phương phù hợp, đảm bảo đủ vốn để thực hiện.
TP. Hồ Chí Minh sẽ ưu tiên cho các dự án phù hợp với quy hoạch phát triển địa phương trong giai đoạn 2026-2030. Ảnh: Việt Dũng |
Sở Kế hoạch và Đầu tư cũng đã phối hợp với các sở ngành, chính quyền các quận, huyện, TP. Thủ Đức sắp xếp thứ tự ưu tiên của các dự án. Do đó, trong trường hợp khả năng huy động vốn cho kế hoạch đầu tư công giai đoạn 2026 - 2030 chưa đảm bảo để cân đối cho toàn bộ các dự án, đơn vị này đã kiến nghị UBND thành phố đề xuất xem xét, điều chỉnh việc cân đối vốn theo tỷ lệ tương ứng cho từng lĩnh vực và lựa chọn danh mục theo thứ tự ưu tiên đã được các cơ quan, đơn vị rà soát, đề xuất.
Liên quan đến công tác triển khai kế hoạch đầu tư công giai đoạn 2026 - 2030, tại một cuộc họp mới đây, ông Phan Văn Mãi - Chủ tịch UBND TP. Hồ Chí Minh, đã đề nghị các đơn vị tiếp tục phối hợp theo nhóm ngành, lĩnh vực rà soát đồng bộ, đề xuất danh mục dự án trong từng ngành, lĩnh vực theo thứ tự ưu tiên và chậm nhất chiều ngày 13/9 phải gửi báo cáo cho Sở Kế hoạch và Đầu tư tổng hợp xác định danh mục theo thứ tự ưu tiên các dự án đủ điều kiện giao kế hoạch vốn, đủ điều kiện giải ngân kế hoạch vốn giai đoạn 2026 – 2030 để trình Trung ương và Hội đồng nhân dân thành phố ngay cuối tháng 9/2024.
Theo văn bản chỉ đạo của Chủ tịch UBND TP. Hồ Chí Minh Phan Văn Mãi về công tác xây dựng, hoàn thiện kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2026-2030, cần tập trung đề xuất các dự án góp phần thực hiện các định hướng, hoàn thành các chỉ tiêu phát triển thành phố, các dự án thuộc danh mục dự án ưu tiên thực hiện trong thời kỳ quy hoạch; phù hợp với phương án phát triển của các ngành lĩnh vực và các quận, huyện, TP. Thủ Đức. |