Khó khăn bủa vây

Liên quan đến phát triển các dự án nhà ở xã hội (NOXH), đại diện Sở Xây dựng TP. Hồ Chí Minh cho biết, chương trình di dời nhà ở trên và ven kênh rạch với nguồn vốn ngân sách của thành phố không đủ so với nhu cầu, nên phần lớn các tuyến rạch không được mở rộng hơn so với biên chỉnh trang, từ đó không tạo được quỹ đất có giá trị thương mại, không hấp dẫn các nhà đầu tư nên phải thực hiện bằng nguồn vốn ngân sách. Trong khi nguồn vốn này của thành phố phải chia sẻ cho nhiều chương trình khác, nên luôn không đủ.

Một dự án nhà ở xã hội bị ngưng triển khai tại huyện Bình Chánh. Ảnh Đình Sơn
Một dự án nhà ở xã hội đang tạm ngưng triển khai tại huyện Bình Chánh. Ảnh: Đình Sơn

Trình tự thực hiện các thủ tục đối với dự án bồi thường, hỗ trợ và tái định cư bằng nguồn vốn ngân sách cũng phức tạp, kéo dài gồm nhiều giai đoạn… nên đa số các dự án (42/59 dự án) dừng lại ở các bước chuẩn bị đầu tư, chỉ có 17/59 dự án được phê duyệt dự án bồi thường để triển khai thực hiện công tác tiếp theo.

Theo báo cáo của Sở Xây dựng TP. Hồ Chí Minh, giai đoạn từ năm 2016 - 2020, địa phương hoàn thành đưa vào sử dụng 19 dự án NOXH, tăng thêm 1,23 triệu m2 sàn NOXH trong khi chỉ tiêu con số này phải là 1,78 triệu m2 sàn. Chỉ tiêu cho giai đoạn 2021 - 2025, thành phố tăng thêm 2,467 triệu m2 sàn NOXH, tuy nhiên đến nay, thành phố chưa làm được bao nhiêu vì cả mặt thủ tục pháp lý, cơ chế ưu đãi đều rất khó khăn.

Đối với chương trình cải tạo, sửa chữa, xây dựng mới thay thế chung cư cũ được xây dựng trước năm 1975, quá trình triển khai lại gặp nhiều vướng mắc do có liên quan trực tiếp đến quyền lợi của người dân và phần diện tích nhà, đất thuộc quyền sở hữu Nhà nước, trong điều kiện các quy định liên quan xử lý các phần diện tích trên không rõ ràng, nhiều quy định mâu thuẫn nhau theo các pháp luật chuyên ngành…

Về cải tạo chỉnh trang các khu dân cư hiện hữu, công tác lập quy hoạch xây dựng chi tiết 1/500 và lập quy hoạch lộ giới hẻm để phục vụ quản lý Nhà nước chưa theo kịp và nhiều trường hợp chưa phù hợp với tình hình thực tế ở địa bàn dân cư có tốc độ tăng dân số cơ học quá nhanh, nên việc mở rộng hẻm theo đúng quy hoạch gặp khó.

Ngoài ra, việc xác định chi phí đầu tư hạ tầng kỹ thuật và chi phí bồi thường giải phóng mặt bằng; thủ tục đầu tư dự án NOXH còn nhiều hạn chế, bất cập…

Tìm giải pháp phát triển nhà ở cho người có nhu cầu

Trong khi đó, TP. Hồ Chí Minh cũng đã đưa các giải pháp đã, đang và sẽ thực hiện để đảm bảo tiến độ hoàn thành các dự án nhà ở bao gồm: nhà ở thương mại, nhà ở riêng lẻ, NOXH theo từng giai đoạn 2016 - 2020, 2021 - 2025; nhóm giải pháp về phát triển nhà ở cho các nhóm đối tượng được hưởng chính sách về NOXH; nhóm giải pháp về chỉnh trang và phát triển đô thị; nhóm giải pháp về khoa học - công nghệ.

Chung cư nhà ở xã hội HQC Bình Trưng Đông, TP. Thủ Đức được khánh thành và đưa vào sử dụng trong năm 2022. Ảnh minh họa
Chung cư nhà ở xã hội HQC Bình Trưng Đông, TP. Thủ Đức được khánh thành và đưa vào sử dụng trong năm 2022. Ảnh minh họa

Ông Bùi Xuân Cường - Phó Chủ tịch UBND TP. Hồ Chí Minh cho biết, theo dự báo bình quân 1 năm TP. Hồ Chí Minh tăng khoảng 200.000 người, 5 năm tăng khoảng 1 triệu người. Do đó, nhiệm vụ đặt ra cho thành phố là phải đẩy mạnh phát triển nhà ở cho các đối tượng có nhu cầu để cải thiện chất lượng nhà ở cho người dân, đảm bảo an sinh xã hội của một đô thị lớn với quy mô dân số khoảng 9 triệu người.

Trước tình hình đó, thành phố đặt ra mục tiêu phát triển 40 triệu m2 sàn nhà ở giai đoạn 2016 - 2020, nâng chỉ tiêu diện tích nhà ở bình quân đầu người vào cuối năm 2020 là 19,8m2/người, đồng thời phê duyệt Đề án “Xây dựng chương trình phát triển nhà ở TP. Hồ Chí Minh giai đoạn 2021 - 2030" và Kế hoạch nghiên cứu xây dựng chương trình phát triển nhà ở TP. Hồ Chí Minh giai đoạn 2021 - 2030 với mục tiêu khắc phục những hạn chế trong việc phát triển nhà ở của thành phố thời gian qua, đáp ứng tốt hơn nhu cầu nhà ở cho các tầng lớp dân cư với các mức thu nhập khác nhau, đặc biệt là các đối tượng cần được tiếp cận về NOXH.

Theo ông Cường, hiện tại, TP. Hồ Chí Minh đang thực hiện những giải pháp tháo gỡ kịp thời các vướng mắc về quy trình thực hiện, cải cách hành chính trong lĩnh vực đất đai, quy hoạch, tài chính, tăng nguồn cung nhà ở cho TP, đặc biệt là căn hộ bình dân, giá thấp…, đồng thời đã đề xuất nhiều chính sách trong dự thảo thay thế Nghị quyết 54 về cơ chế đặc thù nhằm tháo gỡ vướng mắc cho NOXH nhằm đáp ứng nhu cầu của người dân.

Giai đoạn 2016 - 2020, TP. Hồ Chí Minh phát triển khoảng 53,7 triệu m2 sàn nhà ở, vượt 34% chỉ tiêu đề ra, nhưng nguồn cung NOXH, nhà cho thuê và nhà phù hợp khả năng chi trả rất thiếu, trong khi nhu cầu lại rất lớn vì mỗi năm thành phố có thêm 200.000 người. Việc đầu tư, cải tạo, nâng cấp hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội chưa tương xứng với tốc độ phát triển nhà ở; việc quản lý, vận hành, bảo trì nhà ở còn gặp nhiều khó khăn, bất cập...