Trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ - sân chơi chỉ dành cho nhà đầu tư chuyên nghiệp
Nguồn: Bộ Tài chính. Đồ họa: Phương Anh

2 hình thức phát hành trái phiếu doanh nghiệp

Hiện nay, trái phiếu doanh nghiệp (TPDN) được phát hành theo 2 hình thức là phát hành riêng lẻ và phát hành ra công chúng. Theo đó, mỗi hình thức được thực hiện theo các cơ sở quy định pháp luật riêng. TPDN phát hành ra công chúng phải tuân thủ các yêu cầu cao hơn về điều kiện phát hành (thể hiện tại Luật Chứng khoán và Nghị định 155/2020/NĐ-CP hướng dẫn Luật Chứng khoán). Trong khi đó, TPDN phát hành riêng lẻ đặt ra yêu cầu chặt chẽ hơn về điều kiện đối với đối tượng tham gia mua trái phiếu.

Đối với phát hành ra công chúng, tổ chức phát hành chứng khoán phải đáp ứng đủ các yêu cầu chung về điều kiện đối với tổ chức chào bán chứng khoán ra công chúng (bao gồm cả điều kiện chào bán cổ phiếu và trái phiếu). Đồng thời, hồ sơ đăng ký chào bán phải được Ủy ban Chứng khoán Nhà nước cấp giấy chứng nhận chào bán trái phiếu ra công chúng.

Trong khi đó, TPDN phát hành riêng lẻ chịu sự chi phối bởi Nghị định 153/2020/NĐ-CP (Nghị định 153), sau được sửa đổi bổ sung bởi Nghị định số 65/2022/NĐ-CP (Nghị định 65) và Nghị định số 08/2023/NĐ-CP (Nghị định 08). Các nghị định này không điều chỉnh việc chào bán, giao dịch TPDN phát hành ra công chúng tại thị trường trong nước. Trong đó, nguyên tắc đáng chú ý nhất đối với TPDN phát hành riêng lẻ là tính linh hoạt tự chủ của các bên tham gia.

Cụ thể, doanh nghiệp phát hành trái phiếu theo nguyên tắc tự vay, tự trả, tự chịu trách nhiệm về hiệu quả sử dụng vốn và đảm bảo khả năng trả nợ. Trong khi đó đối với nhà đầu tư, Nghị định 153 và Nghị định 65 đều có quy định: “Nhà đầu tư tự đánh giá, tự chịu trách nhiệm về quyết định đầu tư của mình và tự chịu các rủi ro phát sinh trong việc đầu tư và giao dịch trái phiếu”.

Sau đó, Nghị định 08 ban hành tháng 3/2023 cho phép ngưng hiệu lực một số quy định tại Nghị định 65 và Nghị định 153 về một số nội dung: quy định về việc xác định tư cách nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp là cá nhân; quy định về thời gian phân phối trái phiếu của từng đợt phát hành; quy định về kết quả xếp hạng tín nhiệm đối với doanh nghiệp phát hành trái phiếu.

Ý thức về trách nhiệm nhà đầu tư

Trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ -

Ông Nguyễn Hoàng Dương - Vụ trưởng Vụ Tài chính các ngân hàng và tổ chức tài chính (Bộ Tài chính) cho biết, Bộ Tài chính trình Chính phủ ban hành Nghị định 08 trong đó có nội dung tạm hoãn thi hành một số quy định của Nghị định 65 để doanh nghiệp có thêm thời gian xử lý các khó khăn trước mắt về trái phiếu; góp phần giảm áp lực thanh khoản và dần khôi phục niềm tin cho thị trường.

Về thời gian theo Nghị định 08, các nội dung của Nghị định 65 và Nghị định 153 được ngưng hiệu lực đến hết ngày 31/12/2023. Theo đánh giá của một số chuyên gia tài chính độc lập, Nghị định 08 được ban hành thời điểm đó thể hiện sự quan tâm, nỗ lực của Chính phủ đối với sự phát triển của thị trường, hỗ trợ doanh nghiệp chân chính có biện pháp tái cấu trúc nợ để vượt qua giai đoạn khó khăn do các biến động khách quan.

Tuy nhiên, nhận xét về việc chỉ ngưng hiệu lực có thời hạn một số nội dung (mà không phải bãi bỏ hẳn), ông Đỗ Ngọc Quỳnh - Tổng Thư ký Hiệp hội Thị trường trái phiếu Việt Nam cho biết, tinh thần của Nghị định 65 là kế thừa các chính sách và nghị định đã ban hành trước để hướng thị trường tới sự phát triển minh bạch chuyên nghiệp và bền vững hơn.

Theo đó, tinh thần chung của TPDN phát hành riêng lẻ khác với TPDN phát hành ra công chúng nằm ở yêu cầu về tính chuyên nghiệp của nhà đầu tư. Theo đó, Bộ Tài chính thời gian qua vẫn tiếp tục khuyến cáo các tổ chức cung cấp dịch vụ có trách nhiệm nâng cao chất lượng dịch vụ; tuyệt đối không được mời chào nhà đầu tư không đáp ứng đủ điều kiện trở thành nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp mua trái phiếu.

Trong khi đó, Luật Chứng khoán hiện hành cũng đã có những quy định rất cụ thể về yêu cầu năng lực tài chính và kiến thức kinh nghiệm đối với nhà đầu tư chuyên nghiệp. Đó phải là các định chế tài chính (ngân hàng, công ty tài chính, công ty bảo hiểm, công ty chứng khoán, quỹ đầu tư...).

Nhà đầu tư là doanh nghiệp phải có vốn điều lệ thực góp trên 100 tỷ đồng hoặc tổ chức niêm yết, tổ chức đăng ký giao dịch. Trường hợp nhà đầu tư là cá nhân phải có chứng chỉ hành nghề chứng khoán, hoặc là nhà đầu tư đã nắm giữ danh mục chứng khoán có giá trị tối thiểu là 2 tỷ đồng, hoặc thu nhập chịu thuế năm gần nhất tối thiểu là 1 tỷ đồng.

Các khó khăn tạm thời của thị trường trái phiếu doanh nghiệp đang dần được tháo gỡ

Trong giai đoạn 2017-2022, thị trường trái phiếu doanh nghiệp (TPDN) đã có sự phát triển rất mạnh mẽ với dư nợ TPDN đạt 1,2 triệu tỷ đồng, tương đương với 12,66% GDP.

Tuy nhiên trong giai đoạn 2022, một số doanh nghiệp phát hành sai mục đích có biểu hiện vi phạm pháp luật đang bị cơ quan chức năng xử lý. Trong khi đó, một số doanh nghiệp khác gặp khó khăn về thanh khoản do các yếu tố khách quan của nền kinh tế.

Trước tình hình đó, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã có những chỉ đạo quyết liệt, kịp thời ban hành Nghị định 65 và Nghị định 08 nhằm tăng cường quản lý thị trường, nâng cao chất lượng TPDN, đồng thời tháo gỡ các khó khăn.