Hướng dẫn thực hiện khai, nộp thuế hoạt động thương mại điện tử tại Cục Thuế TP. Hồ Chí Minh. |
Không thể đăng ký kinh doanh vẫn phải đăng ký thuế
Cục Thuế TP. Hồ Chí Minh hiện đang quản lý số lượng người nộp thuế lớn nhất cả nước, với trên 350 nghìn doanh nghiệp, tổ chức kinh tế đang hoạt động có quy mô đa dạng; hơn 250 nghìn hộ kinh doanh; trên 11,6 triệu mã số thuế thu nhập cá nhân… Trong số đó, cơ quan thuế đã đưa vào quản lý được hơn 11 nghìn người nộp thuế có hoạt động kinh doanh liên quan đến lĩnh vực thương mại điện tử. Với số lượng người nộp thuế lớn như vậy, thời gian qua, Cục Thuế TP. Hồ Chí Minh đã đẩy mạnh công tác tuyên truyền và thường xuyên duy trì công tác này, cũng như chủ động phối hợp với các đơn vị chức năng nhằm giúp người nộp thuế hiểu và nắm rõ những quy định liên quan, đặc biệt là thương mại điện tử.
Bổ sung quy định sàn giao dịch thương mại điện tử có trách nhiệm khai thuế thay, nộp thuế thay Tại dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung Luật Quản lý thuế đang trình Quốc hội thông qua tại kỳ họp thứ 8 Quốc hội khóa XV, cơ quan soạn thảo đã đề xuất quy định các sàn giao dịch thương mại điện tử có trách nhiệm khai thuế thay, nộp thuế thay cho các hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh trên sàn thương mại điện tử nhằm cải cách thủ tục hành chính, gia tăng tính tuân thủ thuế. |
Về nguyên tắc, mọi tổ chức, cá nhân có hoạt động thương mại điện tử đều phải đăng ký kinh doanh, theo quy định pháp luật. Tuy nhiên, trong thực tế có những trường hợp các chủ thể không thể đăng ký kinh doanh, do không đáp ứng được điều kiện về thông tin đăng ký kinh doanh. Ví dụ điển hình là các cá nhân, hộ kinh doanh hoạt động kinh doanh tại căn hộ chung cư của chính mình, không thể đăng ký kinh doanh vì pháp luật không cho phép đăng ký căn hộ để ở làm trụ sở kinh doanh. Những cá nhân, tổ chức này vẫn có trách nhiệm đăng ký thuế trực tiếp với cơ quan thuế cũng như thực hiện nghĩa vụ thuế phù hợp, theo quy định của Luật Quản lý thuế (Điều 30 Luật Quản lý thuế năm 2019).
Riêng đối với các tổ chức kinh doanh ''website'' thương mại điện tử bán hàng, ''website'' dịch vụ thương mại điện tử (sàn thương mại điện tử) thì ngoài các điều kiện về đăng ký kinh doanh, các đơn vị này cũng phải đáp ứng các điều kiện và thực hiện nghĩa vụ theo quy định về hoạt động thương mại điện tử, tại Nghị định số 52/2013/NĐ-CP ngày 16/5/2013 và Nghị định số 85/2021/NĐ-CP ngày 25/9/2021 của Chính phủ.
Trường hợp cá nhân, tổ chức có hoạt động thương mại điện tử không thực hiện đăng ký kinh doanh theo quy định thì sẽ bị xử phạt theo quy định tại Nghị định số 122/2021/NĐ-CP ngày 28/12/2021 của Chính phủ quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực kế hoạch và đầu tư.
Phải thực hiện nghĩa vụ với ngân sách nhà nước
Quy trình đăng ký với hoạt động thương mại điện tử được đã được quy định khá chi tiết trong hệ thống pháp luật thuế Việt Nam (hướng dẫn chi tiết tại Thông tư 105/2020/TT-BTC ngày 3/12/2020 của Bộ trưởng Bộ Tài chính). Thời hạn đăng ký thuế lần đầu được thực hiện theo quy định tại Điều 33 Luật Quản lý thuế năm 2019. Các hành vi vi phạm về thời hạn đăng ký thuế sẽ bị xử phạt theo quy định, tại Điều 10 Nghị định số 125/2020/NĐ-CP ngày 19/10/2020 của Chính phủ quy định về xử phạt vi phạm hành chính về thuế, hóa đơn, với mức phạt tối đa lên tới 10 triệu đồng đối với tổ chức, 5 triệu đồng đối với cá nhân.
Người nộp thuế có thể thực hiện khai thuế điện tử thông qua Cổng thông tin điện tử của Tổng cục Thuế. Việc nộp thuế có thể được thực hiện qua các kênh thanh toán điện tử như Internet Banking, Mobile Banking hoặc các đơn vị được ủy nhiệm thu thuế. Trường hợp người nộp thuế là cá nhân thì hiện nay còn có thể thực hiện việc nộp thuế thông qua ứng dụng Etax Mobile của ngành Thuế. Đặc biệt, theo Luật Quản lý thuế, Nghị định số 126/2020/NĐ-CP ngày 19/10/2020, Nghị định số 91/2022/NĐ-CP ngày 30/10/2022 và Thông tư 40/2021/TT-BTC ngày 1/6/2021, các sàn giao dịch thương mại điện tử có trách nhiệm cung cấp thông tin về doanh thu của người bán hàng cho cơ quan thuế định kỳ hàng quý.
Bên cạnh đó, các doanh nghiệp, tổ chức cần lưu ý tuân thủ các thời hạn khai nộp thuế theo quy định: khai thuế giá trị gia tăng theo tháng hoặc quý tùy theo doanh thu, khai thuế thu nhập cá nhân, thuế thu nhập doanh nghiệp theo quý và quyết toán thuế hàng năm. Đối với các cá nhân, hộ kinh doanh có hoạt động thương mại điện tử, cần lưu ý lựa chọn phương pháp tính thuế và thực hiện khai, nộp thuế phù hợp theo hướng dẫn tại Thông tư số 40/2021/TT-BTC. Đồng thời, các đơn vị phải lưu trữ đầy đủ chứng từ, hóa đơn điện tử và các tài liệu liên quan để phục vụ công tác thanh tra, kiểm tra thuế khi cần thiết. Các hành vi vi phạm về khai thuế, nộp thuế và hóa đơn sẽ bị xử phạt theo quy định pháp luật (Luật Xử lý vi phạm hành chính 2012 (sửa đổi, bổ sung năm 2020); Nghị định số 125/2020/NĐ-CP ngày 19/10/2020 của Chính phủ) và có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự.
Khung pháp lý về thương mại điện tử khá toàn diện Chia sẻ thông tin về khung pháp lý đối với hoạt động thương mại điện tử, một cán bộ chuyên quản của Cục Thuế TP. Hồ Chí Minh cho hay, hoạt động thương mại điện tử tại Việt Nam được điều chỉnh bởi một hệ thống văn bản pháp luật khá toàn diện. Khung pháp lý chính được xây dựng dựa trên Luật Thương mại năm 2005, Luật Giao dịch điện tử 2005 và Nghị định 52/2013/NĐ-CP ngày 16/5/2013 về thương mại điện tử, tạo nền tảng cơ bản cho các hoạt động kinh doanh trực tuyến. Trong năm 2021, Nghị định 85/2021/NĐ-CP được Chính phủ ban hành, sửa đổi Nghị định 52/2013/NĐ-CP đã bổ sung nhiều quy định mới để phù hợp với thực tiễn phát triển của thị trường. Thông tư 01/2022/TT-BCT ngày 18/01/2022 của Bộ Công thương cũng quy định chi tiết về quản lý đối với thương mại điện tử, góp phần minh bạch hóa nghĩa vụ tài chính của các chủ thể tham gia. Ngoài ra, các quy định về thanh toán điện tử, chứng từ điện tử, và chữ ký số trong Nghị định 130/2018/NĐ-CP ngày 27/9/2018 của Chính phủ cũng đóng vai trò quan trọng trong việc tạo hành lang pháp lý cho các giao dịch thương mại điện tử. Hệ thống văn bản này liên tục được cập nhật và hoàn thiện, nhằm tạo môi trường kinh doanh lành mạnh, bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng và thúc đẩy sự phát triển của nền kinh tế số tại Việt Nam. Liên quan đến lĩnh vực quản lý thuế, Luật Quản lý thuế năm 2019, Nghị định số 126/2020/NĐ-CP, Nghị định số 91/2022/NĐ-CP cũng có quy định về nội dung này. Các quy định về thương mại điện tử thường xuyên được sửa đổi, bổ sung phù hợp để đáp ứng chuyển biến trong thực tiễn. Tuy vậy, do tính chất nội tại của hoạt động thương mại điện tử cũng như ảnh hưởng từ tình hình kinh tế, quốc tế, các doanh nghiệp, tổ chức và cá nhân thường gặp khó khăn, lúng túng trong việc áp dụng và thực hiện quy định của pháp luật. ''Do vậy, các doanh nghiệp, cá nhân, hộ kinh doanh có hoạt động kinh doanh liên quan đến thương mại điện tử cần nắm một số vấn đề gồm đăng ký kinh doanh, đăng ký thuế và kê khai nộp thuế'' – chuyên viên của Cục Thuế TP. Hồ Chí Minh khuyến nghị. |