Sửa đổi quy định để sẵn sàng cho KRX vận hành và đáp ứng nâng hạng Sửa đổi quy định về công bố thông tin phục vụ mục tiêu nâng hạng |
Xuất khẩu nỗ lực thích ứng mới
Đánh giá về chính sách thương mại đang diễn ra trên toàn cầu và những tác động như thế nào đến kinh tế Việt Nam, ông Nguyễn Kỳ Minh - Kinh tế trưởng Công ty CP Chứng khoán Guotai Junan Việt Nam (IVS) nhận định, chắc chắn kinh tế Việt Nam sẽ chịu tác động nhất định từ những biến động toàn cầu, bởi đây là một nền kinh tế mở. Tuy nhiên, trong ngắn hạn, ông cho rằng vẫn tồn tại những yếu tố thuận lợi, đặc biệt là đối với mục tiêu tăng trưởng 8% trong năm 2025.
Một tín hiệu tích cực đầu tiên là tăng trưởng GDP quý I/2025 đạt 6,93%, mức cao nhất trong vòng 6 năm qua. Bên cạnh đó, việc hoãn áp thuế từ phía đối tác lớn như Mỹ đã tạo ra một phản ứng tích cực trong hoạt động sản xuất và xuất khẩu, khi nhiều doanh nghiệp tranh thủ gia tăng đơn hàng, chuẩn bị trước cho những biến động có thể xảy ra trong các quý tiếp theo. Nhờ đó, các chỉ số tăng trưởng trong quý II được kỳ vọng tiếp tục duy trì ở mức tích cực.
![]() |
Nguồn: Cục Hải quan. |
“Nhờ nền tảng thuận lợi trong nửa đầu năm, Việt Nam hoàn toàn có cơ sở để kỳ vọng đạt mục tiêu tăng trưởng cả năm. Dù thừa nhận rằng nửa cuối năm sẽ gặp nhiều thách thức hơn, nhưng với những nỗ lực hiện tại, khả năng hiện thực hóa mục tiêu tăng trưởng vẫn trong tầm tay” - chuyên gia từ IVS nhận định.
Dưới góc nhìn của ông Lương Duy Phước - quyền Giám đốc Nghiên cứu Thị trường, Công ty CP Chứng khoán Kafi, xuất khẩu của Việt Nam sang Mỹ trong 5 năm qua liên tục tăng trưởng mạnh, duy trì mức tăng từ 15 đến 20% mỗi năm. Với đà tăng trưởng cao như vậy, bất kỳ thay đổi nào từ phía Mỹ, đặc biệt là các chính sách thuế mới, đều có thể tạo ra tác động đáng kể, nhất là đối với những ngành xuất khẩu truyền thống như thủy hải sản.
Tuy nhiên, theo chuyên gia từ Chứng khoán Kafi, trong năm 2025, Chính phủ Việt Nam đã và đang triển khai nhiều biện pháp hỗ trợ nhằm giảm bớt khó khăn cho khu vực xuất khẩu.
Ngoài ra, việc tích cực mở rộng thị trường, tìm kiếm các điểm đến mới bên ngoài những đối tác truyền thống, cùng với nỗ lực thúc đẩy đàm phán và ký kết thêm các hiệp định song phương sẽ góp phần gia tăng khả năng thích ứng của doanh nghiệp xuất khẩu trong bối cảnh mới. Đây được xem là những hướng đi quan trọng giúp Việt Nam duy trì đà tăng trưởng xuất khẩu, đồng thời hạn chế phụ thuộc vào một số thị trường chủ lực.
Thị trường đón kỳ vọng nâng hạng
Về diễn biến trên sàn chứng khoán và triển vọng cho thị trường, chuyên gia từ IVS cho rằng, thông tin về khả năng triển khai hệ thống giao dịch KRX vào ngày 5/5 sắp tới là một tín hiệu rất tích cực đối với thị trường. Khi hệ thống này đi vào vận hành, nó sẽ giúp giải tỏa áp lực tâm lý và tạo sự hứng khởi cho nhà đầu tư, đặc biệt trong bối cảnh quý II được kỳ vọng sẽ có những số liệu tích cực từ hoạt động sản xuất - kinh doanh.
![]() |
Bên cạnh yếu tố kỹ thuật, chuyên gia từ IVS đánh giá rằng, triển vọng nâng hạng thị trường nếu diễn ra sớm nhất vào tháng 9 tới sẽ là cú hích mạnh, giúp thu hút thêm dòng tiền vào thị trường chứng khoán Việt Nam. Điều này mở ra một kịch bản khả quan cho thị trường trong ngắn hạn, khi các yếu tố hỗ trợ đang dần hội tụ.
Chia sẻ về tiềm tăng tăng trưởng của các nhóm ngành trong năm 2025, chuyên gia từ IVS dự báo ngành tài chính có thể đạt mức tăng trưởng từ 10-15%, ngành thép từ 8-10%, và các nhóm ngành hưởng lợi từ đầu tư công có thể tăng trưởng từ 10-12%. |
Theo chuyên gia từ Chứng khoán Kafi, mặt bằng định giá của nhiều nhóm ngành trong năm 2025 đang ở mức tương đối hấp dẫn, mở ra cơ hội đầu tư tiềm năng. Tuy nhiên, chuyên gia cũng nhấn mạnh rằng thị trường sẽ chứng kiến sự phân hóa rõ nét giữa các nhóm cổ phiếu, đòi hỏi nhà đầu tư cần thận trọng, lựa chọn kỹ lưỡng và có chiến lược phù hợp để tối ưu hiệu quả đầu tư.
Về mặt định giá thị trường, chuyên gia từ Chứng khoán Kafi đặc biệt lưu ý đến chỉ số VN-Index. Trong bối cảnh kỳ vọng tăng trưởng lợi nhuận đạt khoảng 18% trở lên và mức định giá P/E ở mức hợp lý khoảng 12,5 lần, VN-Index hoàn toàn có khả năng chạm hoặc vượt mốc 1.400 điểm trong năm 2025. Nhận định này được xây dựng trên cơ sở giả định thị trường duy trì đà phục hồi tích cực, doanh nghiệp niêm yết cải thiện kết quả kinh doanh, và dòng tiền đầu tư được duy trì ổn định.
Về nhóm ngành tiềm năng, theo Chuyên gia từ Chứng khoán Kafi, ngân hàng sẽ là điểm sáng trong năm 2025 khi Chính phủ đặt mục tiêu tăng trưởng tín dụng trên 16%, trong bối cảnh lãi suất ổn định và nhu cầu tín dụng phục hồi.
Bất động sản cũng được kỳ vọng khởi sắc sau giai đoạn trầm lắng, với số lượng dự án tăng 40% từ cuối 2024. Nhờ cải thiện pháp lý và chính sách hỗ trợ, ngành này có thể ghi nhận tăng trưởng lợi nhuận 10–15% trong năm nay.
Chuyên gia từ Chứng khoán Kafi, cùng chiều phục hồi với bất động sản, nhóm vật liệu xây dựng dự báo tăng 20-25%, nhờ hưởng lợi từ làn sóng đầu tư công và thị trường nhà ở ấm dần. Đầu tư công cũng tiếp tục là động lực then chốt, với kế hoạch giải ngân hơn 791.000 tỷ đồng trong năm 2025, tăng 16% so với năm trước, tạo đòn bẩy cho nhiều lĩnh vực trong nền kinh tế. |