viện phí

Từ ngày 12/10/2016, viện phí chính thức được điều chỉnh tăng đợt 2 có tính chi phí tiền lương, áp dụng ở 16 tỉnh. Ảnh T.L minh họa

Bộ Y tế vừa có Công văn số 7354/BYT-KH-TC gửi 16 Sở Y tế về thực hiện giá dịch vụ khám chữa bệnh bảo hiểm y tế bao gồm chi phí tiền lương. Theo đó từ ngày 12/10/2016, viện phí chính thức được điều chỉnh tăng đợt 2 có tính chi phí tiền lương, áp dụng ở 16 tỉnh.

Cụ thể sẽ áp dụng tăng viện phí với các cơ y tế ở các tỉnh Kom Tum, Trà Vinh, Quảng Bình, Quảng Ngãi, Quảng Ninh, Quảng Trị, Bắc Ninh, Hà Nội, Hải Dương, Đăk Nông, Bình Dương, Đăk Lăk, Gia Lai, Phú Yên, Hà Nam, Long An.

Theo đó, viện phí tại 16 tỉnh nói trên tăng thêm khoảng 18% so với trước và chỉ áp dụng cho các bệnh nhân có thẻ BHYT, những bệnh nhân chưa có thẻ vẫn áp dụng theo mức giá cũ. Đối với người bệnh đang điều trị thời điểm trước ngày 12/10 sẽ vẫn áp dụng mức giá cũ cho đến khi kết thúc đợt điều trị.

16 địa phương đã điều chỉnh tăng viện phí có tính chi phí tiền lương đợt 1, hôm 12/8 gồm: Lào Cai; Thái Nguyên; Điên Biên; Hà Giang; Bắc Kạn; Sơn La; Tuyên Quang; Cao Bằng; Lai Châu; Đà Nẵng; Sóc Trăng; Hoà Bình; Thừa Thiên - Huế; Quảng Nam; Yên Bái; Lạng Sơn.

Các đơn vị, địa phương còn lại (trừ 16 tỉnh, thành phố đã được điều chỉnh từ tháng 8/2016, 16 tỉnh, thành phố được điều chỉnh đợt này và các đơn vị quy định tại khoản 3 Điều 5 của Thông tư số 37) tiếp tục thực hiện mức giá gồm chi phí trực tiếp và phụ cấp đặc thù cho đến khi Bộ Y tế có văn bản thông báo thời điểm thực hiện cụ thể đối với các đơn vị, địa phương.

Theo Bộ Y tế, việc thực hiện mức giá bao gồm cả tiền lương về cơ bản không làm ảnh hưởng đến các đối tượng chính sách xã hội, người nghèo, trẻ em dưới 6 tuổi, đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống ở vùng kinh tê xã hội khó khăn, người dân sinh sống ở vùng đặc biệt khó khăn, xã đảo, huyện đảo, người cận nghèo...

Bởi các đối tượng này, đã được nhà nước mua thẻ hoặc hỗ trợ phần lớn để mua BHYT, phần tăng thêm về cơ bản do BHXH thanh toán, tạo điều kiện cho các bệnh viện nâng cao chất lượng dịch vụ y tế, phục vụ người có thẻ BHYT được tốt hơn, khuyến khích các bệnh viện tuyến dưới phát triển các kỹ thuật y tế, giảm tải tuyến trên.

Đồng thời, mức giá có tiền lương chỉ áp dụng cho người có thẻ BHYT nên không ảnh hưởng đến người chưa tham gia BHYT.

Trước đó, giá dịch vụ khám chữa bệnh bảo hiểm y tế đã được điều chỉnh tăng theo quy định tại Thông tư liên tịch số 37/2015/TTLT-BYT-BTC ngày 29/10/2015, bước 1 mức giá khám bệnh, chữa bệnh bảo hiểm y tế gồm chi phí trực tiếp và phụ cấp đặc thù thực hiện từ 1/3/2016.

Bước 2 kết cấu thêm chi phí tiền lương vào trong giá, dự kiến chia thành 4 đợt (không điều chỉnh vào tháng 9 là thời điểm năm học mới), khoảng 15-16 tỉnh, thành phố/đợt để việc điều chỉnh giá tác động vào chỉ số giá tiêu dùng khoảng 0,4- 0,6%/đợt, tương đương khoảng dưới 2% cho cả 04 đợt điều chỉnh.

Đợt 1 của bước 2 được thực hiện điều chỉnh hôm 12/8 tại 16 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương có tỷ lệ dân số tham gia bảo hiểm y tế trên 85%. Cả hai lần tăng nói trên, đã tác động làm chỉ số giá tiêu dùng nhóm dịch vụ y tế 9 tháng đầu năm 2016 tăng 29,09% so cùng kỳ năm trước./.

N.P