Tỷ giá hỗ trợ lãi suất

Thời gian qua, diễn biến tỷ giá khá ổn định, thậm chí có những giai đoạn có chiều hướng đi xuống. Cụ thể trong giai đoạn chuyển giao giữa tháng 2 và tháng 3, tỷ giá USD trung tâm của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) giảm nhẹ từ mức 23.642 đồng/USD vào hôm 27/2, xuống mức 23.637 đồng/USD vào hôm 3/3. Trong những ngày tiếp theo, tỷ giá USD trung tâm có những phiên tăng, giảm, nhưng không có sự biến động quá lớn. Tính đến ngày 10/3 ghi nhận mức 23.639 đồng/USD, chỉ tăng nhẹ 2 đồng/ USD so với trước đó 1 tuần.

Thời gian qua, diễn biến tỷ giá khá ổn định, thậm chí có những giai đoạn có chiều hướng đi xuống.
Thời gian qua, diễn biến tỷ giá khá ổn định, thậm chí có những giai đoạn có chiều hướng đi xuống.

Tại ngân hàng thương mại, biên độ tỷ giá được thay đổi hàng ngày thường lớn hơn so với các mức điều chỉnh tỷ giá trung tâm của NHNN, tuy nhiên, diễn biến chung cho thấy xu hướng ổn định và giảm nhẹ. Tính đến sáng ngày 10/3, tỷ giá do Vietcombank công bố ở mức 23.490/23.520/23.860 đồng/USD (mua tiền mặt/mua chuyển khoản/bán ra), giảm khoảng 20 đồng/USD so với thời điểm trước đó 1 tuần. Đáng chú ý là trong tuần trước đó, tỷ giá USD theo công bố tại Vietcombank cũng đã có một giai đoạn đi xuống với mức giảm khoảng 110 đồng/USD trong tuần chuyển giao giữa tháng 2 và 3.

Diễn biến ổn định, thậm chí có xu hướng giảm nhẹ của tỷ giá đã là yếu tố thuận lợi cho các ngân hàng hiện thực hóa mục tiêu đưa mặt bằng lãi suất đi xuống. Điều này đã được thể hiện ở hành động giảm lãi suất được các ngân hàng công bố cách đây ít ngày.

Cụ thể là từ hôm 6/3 vừa qua, các ngân hàng thương mại đã đồng thuận giảm lãi suất tiền gửi. Trong đó, 4 ngân hàng thương mại nhà nước (BIDV, Vietcombank, VietinBank, Agribank) giảm 0,2%/năm so với mức lãi suất niêm yết của từng ngân hàng với nhóm kỳ hạn từ 6 - 12 tháng. Các ngân hàng thương mại cổ phần giảm

0,5%/năm so với mức lãi suất của từng ngân hàng đối với nhóm kỳ hạn từ 6 - 12 tháng. NHNN cho biết, việc đồng thuận giảm lãi suất tiền gửi sẽ giúp các ngân hàng thương mại giảm chi phí, qua đó có điều kiện để giảm lãi suất cho vay, hỗ trợ doanh nghiệp và nền kinh tế, nhất là đối với các lĩnh vực ưu tiên.

Ẩn số vẫn còn phía trước

Mặc dù diễn biến tỷ giá tại thời điểm này vẫn cho thấy xu hướng khá bình ổn, nhưng những yếu tố tiềm ẩn ảnh hưởng đến tỷ giá trong giai đoạn tới có thể sẽ xuất hiện.

Một trong những động thái đáng chú ý có thể tác động đến tỷ giá trong nước là những tuyên bố mới đây từ Cục Dự trữ liên bang Mỹ (FED) với các dữ liệu mới về lạm phát và thị trường việc làm cho thấy nền kinh tế Mỹ vẫn còn phát triển nóng. Điều này có thể buộc FED phải áp dụng chính sách lãi suất mạnh tay hơn. Hiện nay, các nhà đầu tư trên thị trường tài chính quốc tế vẫn đang dõi theo các tín hiệu về kinh tế vĩ mô để phán đoán các hành động chính thức từ FED.

Theo đó, các dữ liệu về việc làm, lạm phát dự kiến công bố sắp tới sẽ là cơ sở quan trọng để FED cân nhắc việc có tăng mạnh lãi suất hay không. Tuy nhiên, với các phát biểu gần đây của những người có thẩm quyền từ FED thì nhiều dự đoán trong giới tài chính quốc tế đưa ra nghiêng nhiều hơn về khả năng FED có thể tăng 0,5 điểm phần trăm tại cuộc họp diễn ra sắp tới. Đây là kịch bản có mức tăng lãi suất mạnh hơn so với kịch bản chỉ tăng 0,25% so với dự báo tại thời điểm đầu năm 2023.

Theo TS. Châu Đình Linh - Giảng viên Trường Đại học Ngân hàng TP. Hồ Chí Minh, nếu FED thực hiện lộ trình tăng lãi suất mạnh tay hơn so với dự báo trước kia thì đó sẽ là yếu tố tác động rất lớn với thị trường tài chính và chính sách tiền tệ của Việt Nam trong thời gian tới.

Hiện tại, NHNN vẫn đang tiếp tục kiên trì mục tiêu đưa lãi suất xuống thấp hơn nữa, nhưng vẫn theo dõi sát diễn biến tiền tệ trong nước, quốc tế, dự báo lạm phát và lãi suất thị trường để điều hành lãi suất phù hợp với cân đối vĩ mô, lạm phát và mục tiêu chính sách tiền tệ. Áp lực đối với chính sách tiền tệ trong nước sẽ nằm ở chỗ, nếu FED tiếp tục mạnh tay tăng lãi suất thì sẽ khiến đồng USD tăng giá so với đồng tiền khác trên thế giới, bao gồm cả đồng VND của Việt Nam.

Thông thường sau khi FED tăng lãi suất, các nền kinh tế nếu muốn bảo vệ giá trị đồng tiền bản địa cũng phải thực hiện tăng lãi suất theo và điều này sẽ là một áp lực không nhỏ, đi ngược với mong muốn tiếp tục giảm lãi suất của các ngân hàng Việt Nam.

Lãi suất liên ngân hàng đã hạ nhiệt, nhưng vẫn cao

Gần đây, lãi suất bình quân trên thị trường tiền tệ liên ngân hàng đã hạ nhiệt hơn so với thời điểm đầu tháng 3. Cụ thể, lãi suất qua đêm đang ở mức 5,98%, đã giảm thấp hơn so với mức 6,38% tại thời điểm đầu tháng 3. Một số kỳ hạn khác cũng hạ nhiệt phần nào, với kỳ hạn 1 tuần là 6,17% (đầu tháng 3 là 6,48%).

Diễn biến trên cho thấy lãi suất liên ngân hàng đã giảm, nhưng vẫn cao hơn khá nhiều so với mặt bằng lãi suất giai đoạn giữa tháng 2. Cụ thể, lãi suất qua đêm ghi nhận hôm 15/2 chỉ là 3,64%. Thời điểm đó, các mức lãi suất các kỳ hạn khác cũng khá thấp với lãi suất 1 tuần là 4,05%; kỳ hạn 2 tuần là 3,64%; kỳ hạn 1 tháng là 5,68%; kỳ hạn 3 tháng là 7,83%...