Tỷ giá nhích tăng nhẹ

Báo cáo thị trường tiền tệ tuần qua của SSI Research cho biết, toàn cầu đã có hơn 33,3 triệu ca nhiễm và hơn 1 triệu người tử vong vì dịch Covid-19 tính tới cuối tuần qua. Không chỉ tăng mạnh ở các ổ dịch như Mỹ, Ấn Độ, Brazil; các ổ dịch đang lan rộng trở lại ở khu vực châu Âu (Anh, Pháp, Hà Lan, Tây Ban Nha, Italy). Tình hình dịch bệnh nhiều khả năng còn phức tạp hơn nữa khi các nước này bước vào mùa thu đông. Tâm lý e ngại rủi ro và các phát biểu kém nới lỏng hơn của một số thành viên Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) đã khiến nhu cầu với USD tăng lên.

Tuần qua, chỉ số đo lường sức mạnh của đồng USD (DXY) đã bật tăng mạnh mẽ từ 92,9 lên 94,6 điểm, ghi nhận mức đỉnh trong vòng 2 tháng gần đây và cũng là tuần tăng giá mạnh nhất của USD kể từ đầu tháng 4/2020 đến nay. Các đồng tiền chủ chốt đều giảm giá mạnh so với USD: EUR (-1,77%), GPB (-1,32%), JPY (-0,97%), CNY (-0,81%), CHF (-1,83%), KRW (-0,81%)… Nhu cầu thoát vị thế của giới đầu cơ đã bán tháo USD thời gian gần đây cũng khiến cho sự đảo chiều càng mạnh mẽ hơn.

tỷ giá

Cũng theo số liệu từ SSI Research, diễn biến trên thị trường quốc tế và chênh lệch lãi suất VND-USD ở mức thấp khiến tỷ giá USD/VND niêm yết của các ngân hàng thương mại nhích tăng 10 đồng/USD, lên 23.070/23.280 đồng (mua vào/bán ra); và tăng 50 đồng/USD chiều mua vào, 30 đồng/USD chiều bán ra trên thị trường tự do, lên mức 23.220/23.230 đồng. Tỷ giá trung tâm tăng thêm 23 đồng/USD, lên 23.218 đồng/USD.

Theo Tổng cục Hải quan, Việt Nam tiếp tục thặng dư thương mại gần 1 tỷ USD trong nửa đầu tháng 9, nâng mức thặng dư từ đầu năm đến giữa tháng 9 lên mức kỷ lục 14,5 tỷ USD. “Cung cầu ngoại tệ trong nước vẫn khá thuận lợi nên chúng tôi cho rằng tỷ giá USD/VND sẽ không có nhiều biến động trong ngắn hạn” – các chuyên gia của SSI Research nhận định.

Nhu cầu tín dụng vẫn yếu

Còn trên thị trường tiền tệ, tuần qua, Ngân hàng Nhà nước không thực hiện giao dịch trên thị trường mở, lãi suất trên liên ngân hàng ổn định ở mức 0,18%/năm với kỳ hạn qua đêm và 0,23%/năm với kỳ hạn 1 tuần.

Theo thông tin từ Ngân hàng Nhà nước, tính đến 16/9, tín dụng chỉ tăng trưởng 4,81% so với đầu năm, tương đương khoảng 8,9% so với cùng kỳ 2019 và còn cách rất xa mục tiêu ban đầu của Ngân hàng Nhà nước là 14% trong năm 2020.

Các chuyên gia của SSI Research cho rằng, bất chấp việc lãi suất cho vay đã cắt giảm đáng kể, nhu cầu tín dụng vẫn khá yếu. Ngay cả với các lĩnh vực ưu tiên (như doanh nghiệp vừa và nhỏ, nông nghiệp, xuất khẩu), tăng trưởng tín dụng cũng chỉ ở mức 3 - 4%. “Đây là lý do chính khiến thanh khoản hệ thống ngân hàng dư thừa, lãi suất tiền gửi giảm mạnh và có thể còn tiếp tục giảm từ 10 – 30 điểm cơ bản trong thời gian tới” – chuyên gia SSI Research nhấn mạnh./.

Chu Duy