![]() |
Phân bổ sử dụng nguồn tiết kiệm 5% chi thường xuyên năm 2024 hỗ trợ xóa nhà tạm, nhà dột nát cho hộ nghèo, cận nghèo. Ảnh tư liệu |
Nhiều cách làm hay, sáng tạo
Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Môi trường (NN&MT) Đỗ Đức Duy cho biết, theo xác định nhu cầu thì có khoảng 95.700 hộ nghèo thuộc diện được hỗ trợ nhà ở tại Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo, trong đó xây mới hơn 61.000 căn và sửa chữa nhà tạm là 32.650 căn.
Về kinh phí, tổng cộng số tiền cần thiết để thực hiện chương trình là 3.173 tỷ đồng, trong đó năm 2023 đã phân bổ 1.020 tỷ đồng, năm 2024 đã giao 1.306 tỷ đồng, phần còn lại khoảng 767 tỷ đồng, dự kiến sẽ được phân bổ trong năm 2025.
Về tình hình thực hiện, năm 2023 đã thực hiện được hơn 16.000 căn, năm 2024 được 31.400 căn, tổng cộng 57.346 căn, tương đương với 60% tổng khối lượng phải thực hiện theo chương trình. Số còn lại của năm 2025 là 38.322 căn.
Theo ông Đỗ Đức Duy, đạt kết quả trên là do rất nhiều địa phương có các cách làm hay, sáng tạo, linh hoạt trong việc triển khai dự án.
Trước tiên, một số địa phương như TP. Hồ Chí Minh, Hà Nội, Bắc Ninh, Đồng Nai, Hải Dương đã chủ động trong việc hỗ trợ các tỉnh khó khăn. Những địa phương này đã sử dụng nguồn ngân sách địa phương để hỗ trợ thực hiện chương trình, góp phần giảm tải cho ngân sách trung ương. Theo đó, các tỉnh này không chỉ thực hiện chương trình nhà ở cho hộ nghèo mà còn tăng cường hỗ trợ cho các đối tượng khác gặp khó khăn.
Bên cạnh đó, các địa phương còn tích hợp nguồn vốn từ các chương trình mục tiêu quốc gia khác với nguồn vốn Trung ương để tạo ra các đề án chung, trình hội đồng nhân dân phê duyệt và triển khai. Những cách làm này giúp tiết kiệm chi phí và đảm bảo tính linh hoạt trong triển khai chương trình.
Không những vậy, nhiều địa phương cũng chủ động tăng mức hỗ trợ lên, không chờ Trung ương quyết định vừa rồi là 60/30 triệu đồng (xây mới/cải tạo sửa chữa nhà); nhiều địa phương đã huy động các nguồn xã hội hóa hay nguồn của địa phương để nâng mức lên là 50/25 hoặc 60/30, từ đó giúp cải thiện điều kiện sống cho các hộ nghèo.
Ngoài ra, một số địa phương rất linh hoạt trong thực hiện chương trình, nhất là vấn đề đất đai. Hiện nay, pháp luật về đất đai đã quy định rất linh hoạt và chi tiết việc bảo đảm quỹ đất ở cho đồng bào dân tộc thiểu số, nhiều địa phương đã vận dụng linh hoạt.
Ví dụ, trong trường hợp thiên tai, hiện nay luật cho phép trong trường hợp khẩn cấp chưa nhất thiết phải đưa đất vào kế hoạch sử dụng mà có thể làm trước, sau đó cập nhật vào quy hoạch sử dụng đất nông nghiệp sau. Thậm chí, có những địa phương làm theo hướng khoán. Cụ thể, kinh phí tỉnh phân bổ chung, huyện chịu trách nhiệm lo đất, xã chịu trách nhiệm lo nhân công; hoặc cũng có địa phương phân cho mỗi cán bộ tỉnh phụ trách một xã nghèo để lo thực hiện chương trình hỗ trợ nhà ở. Đây là những cách làm hay của nhiều địa phương.
Linh hoạt trong giải quyết vấn đề đất đai
Tuy nhiên, Bộ NN&MT cũng nhận định quá trình triển khai chương trình xóa nhà tạm, nhà dột nát vẫn gặp phải một số thách thức, trong đó là vấn đề đất đai. Thiếu đất sạch để xây dựng nhà cho hộ nghèo cũng là một thách thức lớn, đặc biệt là ở các vùng miền núi và vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Tình trạng này dẫn đến việc một số hộ nghèo không thể có đất để xây dựng nhà ở.
Để khắc phục tình trạng này, Bộ trưởng Đỗ Đức Duy đề nghị các địa phương cần linh hoạt hơn trong giải quyết các vấn đề đất đai, đặc biệt là ở các vùng khó khăn, miền núi. Cụ thể, các địa phương chủ động trong việc cấp đất và tổ chức giải phóng mặt bằng, đồng thời tìm kiếm giải pháp hợp lý để giải quyết vấn đề thiếu đất sạch cho hộ nghèo; có chính sách linh hoạt hơn trong việc cấp đất, bồi thường tái định cư và hỗ trợ cho hộ nghèo, nhất là những hộ sống ở vùng sâu, vùng xa.
“Ngoài ra cách thức phê duyệt đề án chung theo hướng tích hợp các nguồn vốn của chương trình như một số địa phương làm chúng tôi thấy rất hay. Những địa phương mà khối lượng lớn có thể làm theo hướng này để trình đề án của hội đồng nhân dân tỉnh và tích hợp các nguồn lực vào làm sẽ rất bài bản và hiệu quả”- ông Đỗ Đức Duy gợi ý.
Thực tế thời gian qua Ban Chỉ đạo Trung ương triển khai xóa nhà tạm, nhà dột nát đã tích cực tháo gỡ một số khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực hiện chương trình, nhất là khó khăn về đất đai. Để tiếp tục tháo gỡ về vấn đề đất đai cho chương trình, mới đây Thủ tướng Phạm Minh Chính đã yêu cầu Bộ NN&MT chủ trì, phối hợp với các bộ, cơ quan liên quan hướng dẫn các địa phương về bố trí đất xây dựng nhà ở đối với hộ có khó khăn về đất ở.
Sử dụng nguồn tiết kiệm 5% chi thường xuyên hỗ trợ xóa nhà tạm, nhà dột nát Phó Thủ tướng Chính phủ Hồ Đức Phớc vừa ký Quyết định số 559/QĐ-TTg ngày 10/3/2025 của Thủ tướng Chính phủ về việc phân bổ sử dụng nguồn tiết kiệm 5% chi thường xuyên năm 2024 để hỗ trợ xóa nhà tạm, nhà dột nát cho hộ nghèo, hộ cận nghèo. Theo đó, Thủ tướng Chính phủ quyết định phân bổ sử dụng 509,7 tỷ đồng nguồn tiết kiệm 5% chi thường xuyên năm 2024 của ngân sách trung ương bổ sung có mục tiêu cho 7 địa phương và điều chuyển 1.022,1 tỷ đồng nguồn tiết kiệm 5% chi thường xuyên năm 2024 không sử dụng hết của 28 địa phương cho 16 địa phương còn thiếu nguồn; phân bổ 999,967 tỷ đồng nguồn tiết kiệm 5% chi thường xuyên năm 2024 của 8 địa phương cho 15 địa phương để hỗ trợ xóa nhà tạm, nhà dột nát cho hộ nghèo, hộ cận nghèo. Bộ Tài chính và cơ quan Thường trực Ban Chỉ đạo Trung ương triển khai xóa nhà tạm, nhà dột nát trên phạm vi cả nước theo chức năng, nhiệm vụ được giao chịu trách nhiệm toàn diện về các nội dung, số liệu báo cáo và đề xuất, kiến nghị, đảm bảo theo đúng quy định của pháp luật. Các địa phương đã đáp ứng đủ nhu cầu chi mà không sử dụng hết nguồn tiết kiệm 5% chi thường xuyên, phải thực hiện chuyển kinh phí tiết kiệm còn dư vào tài khoản 3399.0.9114266 - kinh phí xóa nhà tạm, nhà dột nát các địa phương mở tại Sở Giao dịch - Kho bạc Nhà nước trước ngày 20/3/2025 để hỗ trợ các địa phương khác còn thiếu nguồn. Căn cứ mức điều chuyển cho từng địa phương tại Phụ lục I, Kho bạc Nhà nước thực hiện chuyển tiền cho các địa phương được hỗ trợ. Đối với 8 địa phương hỗ trợ cho 15 địa phương tại Phụ lục II, thực hiện chuyển tiền trực tiếp cho các địa phương được nhận hỗ trợ. Các địa phương thực hiện quản lý, sử dụng kinh phí bổ sung có mục tiêu từ ngân sách trung ương cho ngân sách địa phương, nguồn hỗ trợ từ các địa phương khác (nếu có) để thực hiện hỗ trợ xóa nhà tạm, nhà dột nát cho hộ nghèo, hộ cận nghèo trên địa bàn với mức hỗ trợ là 60 triệu đồng/nhà xây mới và 30 triệu đồng/nhà sửa chữa; đảm bảo kịp thời, đúng đối tượng, hiệu quả, không để xảy ra thất thoát, lãng phí, tiêu cực. |