hoi thao phai sinh

Trang bị kiến thức về quản trị rủi ro trong TTCK phái sinh cho các thành viên thị trường. Ảnh Đỗ Doãn

Sự kiện thu hút khoảng 200 đại diện đến từ các thành viên thị trường chứng khoán (TTCK), cơ quan quản lý, các tổ chức nghiên cứu, giới chuyên gia và các công ty chứng khoán.

Phát biểu tại hội thảo, bà Nguyễn Thị Hoàng Lan, Phó Chủ tịch HĐQT kiêm Phó Tổng Giám đốc phụ trách HNX cho biết, TTCK phái sinh được xây dựng nhằm cung cấp cho thị trường những công cụ để phòng ngừa rủi ro. Tuy nhiên, chính bản thân thị trường phái sinh cũng tiềm ẩn nhiều rủi ro nên buổi hội thảo nhằm giúp các thành viên thị trường hiểu và nắm rõ được kiến thức về rủi ro trên thị trường phái sinh, từ đó có những biện pháp phòng ngừa, hướng tới xây dựng một TTCK phái sinh bền vững.

Về vận hành thị trường này, theo bà Lan, HNX phải xem xét trên rất nhiều yếu tố, không chỉ có tính sẵn sàng của thị trường, của hệ thống, của thành viên thị trường mà phải sẵn sàng của thị trường chung, trong đó có cả thị trường cơ sở. Hiện tại HNX đang tập huấn, tuyên truyền cho rất nhiều NĐT, thành viên thị trường để họ hiểu biết để có sự chuẩn bị về chiến lược, về cơ sở hạ tầng, về cán bộ... sao cho cuối tháng 12 có thể báo cáo hoàn tất với Bộ Tài chính và Chính phủ.

“Việc đưa thị trường vào vận hành có thể trong quý 1 hoặc quý 2 năm sau”, bà Lan nói.

Tại hội thảo, đại diện của UBCKNN, HNX, Trung tâm Lưu ký Chứng khoán Việt Nam đã trình bày về cách vận hành, những mục tiêu, quy định, các biện pháp quản lý, sản phẩm chứng khoán phái sinh, nguyên tắc vận hành, thanh toán bù trừ..., đồng thời tổng quát được những rủi ro có thể gặp phải trong giao dịch tại TTCK phái sinh.

Theo ông Trịnh Hoài Giang, Phó Tổng Giám đốc Công ty CP Chứng khoán TP. Hồ Chí Minh, các công cụ phái sinh từ lâu đã được giao dịch trên thị trường tiền tệ Việt Nam, dự kiến sẽ bắt đầu được giao dịch trên sở giao dịch phái sinh vào đầu năm 2017. Đây sẽ là một thị trường mới nên các công ty chứng khoán sẽ phải thiết kế thêm các quy trình vận hành và quản trị rủi ro cho hoạt động tự doanh, tạo lập thị trường, môi giới.

Ông Giang cũng nêu các rủi ro của TTCK phái sinh; gồm có rủi ro thị trường, thanh khoản, tín dụng, pháp lý; rủi ro trong vận hành và rủi ro trong hệ thống giao dịch. Các công ty thành viên cần phải xây dựng cơ cấu quản trị rủi ro ở mức toàn công ty như bộ phận kiểm soát và quản trị, bộ phận quản lý rủi ro, bộ phận tài chính; xây dựng các quy định về tuân thủ và quản lý báo cáo; xây dựng kế hoạch về vốn và thực hiện các thử nghiệm về độ chịu đựng rủi ro.

“Việc quản trị rủi ro trên thị trường phái sinh tuy sẽ được xây dựng theo mức độ phát triển của thị trường nhưng cần được suy nghĩ xa hơn vài năm và bao quát tất cả những tài sản cơ sở, sản phẩm phái sinh và cơ cấu, cách thức giao dịch có thể có trong tương lai...”, ông Giang nói./.

Đỗ Doãn