Mặt hàng dược liệu thô từng là chủ lực tại cửa khẩu Chi Ma. Ảnh: Văn Tá |
Rào cản từ những yếu tố khách quan
Đề án thí điểm nhập khẩu (NK) dược liệu qua cửa khẩu Chi Ma (Lạng Sơn) được Chính phủ phê duyệt thực hiện trong 2 năm, tính từ ngày 1/10/2021 với kỳ vọng sẽ giúp kim ngạch xuất nhập khẩu (XNK) hàng hóa qua cửa khẩu này tăng cao hơn. Tuy nhiên, từ khi thí điểm đến nay, mới chỉ có 1 lô hàng dược liệu được NK qua cửa khẩu này có trị giá 433.208 USD với trọng lượng 23,4 tấn.
Hạn chế về kho bãi, quy trình nên không thu hút được doanh nghiệp Từ năm 2022, các sở, ngành liên quan và Hải quan Lạng Sơn đã thực hiện cung cấp thông tin, hỗ trợ 23 DN có nhu cầu tìm hiểu về NK một số mặt hàng như cây huyết đằng, sa nhân, đậu khấu… qua cửa khẩu Chi Ma nhưng qua khảo sát thực tế, nhận thấy những hạn chế về kho bãi, quy trình kiểm nghiệm… sau đó, DN đều chuyển hướng sang NK qua cửa khẩu khác (cửa khẩu quốc tế Hữu Nghị và cửa khẩu ga đường sắt quốc tế Đồng Đăng). |
Đánh giá nguyên nhân, trước tiên phải xét về yếu tố khách quan, theo thống kê của Cục Hải quan Lạng Sơn vào thời điểm trước khi áp dụng Đề án thí điểm, kim ngạch NK dược liệu thô qua Chi Ma khá cao. Năm 2015 nhập hơn 34 nghìn tấn, trị giá 14,2 triệu USD. Năm 2016 nhập 7 nghìn tấn, trị giá 9,7 triệu USD và 6 tháng đầu năm 2017 nhập khoảng 8 nghìn tấn, trị giá 12,7 triệu USD, chiếm 27% tổng kim ngạch NK qua cửa khẩu này. Thống kê cũng cho thấy, dược liệu thô có thể được coi là một mặt hàng NK “chủ lực” qua cửa khẩu Chi Ma.
Tuy nhiên, khi Nghị định 54/2017/NĐ-CP của Chính phủ quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Dược có hiệu lực, mặt hàng dược liệu chỉ được phép thực hiện NK qua cửa khẩu quốc tế. Nói cách khác, việc NK dược liệu qua Chi Ma là trái pháp luật. Tuy vậy, có một thực trạng đã diễn ra trong những năm 2018 - 2020 là vì bị “cấm” nên số vụ buôn lậu dược liệu qua cửa khẩu này gia tăng rất nhiều. Chi cục Hải quan cửa khẩu Chi Ma đã bắt giữ nhiều vụ việc lượng tang vật lên tới hàng trăm tấn. Điều này chứng tỏ, nhu cầu “được” vận chuyển mặt hàng này qua Chi Ma vẫn khá cao.
Đây cũng là một trong những tiền đề để thí điểm Đề án vào năm 2021. Nhưng đúng lúc này, dịch Covid-19 bùng phát, phía Trung Quốc thường xuyên áp dụng các biện pháp, chính sách kiểm soát chặt chẽ dịch Covid-19, dẫn tới hoạt động XNK hàng hóa gặp nhiều khó khăn.
Thêm vào đó, theo Sở Công thương Lạng Sơn, dược liệu là nhóm hàng hóa NK liên quan đến hoạt động chuyên ngành, các doanh nghiệp (DN) được phép hoạt động NK phải đáp ứng nhiều tiêu chí và được Bộ Y tế công nhận, vì vậy, số lượng DN hoạt động lĩnh vực này không nhiều. Đặc biệt, giấy phép NK dược liệu DN được cấp có thời hạn trong 1 năm. DN đã đăng ký tại cửa khẩu nào thì phải thực hiện hết thời hạn của giấy phép mới được phép chuyển đổi cửa khẩu làm thủ tục NK. Do vậy, từ thời điểm cuối năm 2021, khi tình hình XNK gặp khó do kiểm soát dịch nên các DN chuyển cửa khẩu. Khi dịch qua đi, hoạt động xuất NK trở lại bình thường, lúc này, các DN kinh doanh dược liệu NK đã cơ bản “quen” với việc chuyển sang thực hiện tại các cửa khẩu quốc tế; một số DN khác thực hiện qua cửa khẩu đường sắt theo quy định mới.
Chấm dứt thí điểm
Ở góc độ chủ quan, đánh giá của Ban Quản lý khu kinh tế cửa khẩu Đồng Đăng - Lạng Sơn cho thấy, một phần nguyên nhân của việc Đề án không đạt kỳ vọng là do là do hạ tầng kho bảo quản ở cả hai bên cửa khẩu đều chưa đáp ứng được yêu cầu của các DN NK dược liệu.
Hiện tại, khu vực cửa khẩu Chi Ma chưa có kho chuyên dụng để bảo quản mặt hàng dược liệu theo quy định vì chi phí đầu tư xây dựng các kho dạng này quá lớn, yêu cầu cao về máy móc, kỹ thuật, con người…, nên DN kinh doanh kho, bãi tại cửa khẩu Chi Ma chưa mạnh dạn đầu tư.
Bên cạnh đó, một số DN phản ánh rằng, quy trình kiểm nghiệm dược liệu còn kéo dài ngày, mất nhiều thời gian đi lại và chi phí…Thời gian kiểm nghiệm một mẫu dược liệu có thể kéo dài 3 - 5 ngày. Chưa kể, DN làm thủ tục NK vài chục loại dược liệu khác nhau trong cùng lô hàng, nhưng nếu cơ quan chức năng nghi ngờ và lấy mẫu một loại trong lô hàng đó thì cả lô sẽ phải lưu lại kho tại khu vực cửa khẩu. Điều này làm chi phí của DN tăng cao, ảnh hưởng thời gian giao hàng cho đối tác... khiến các DN NK dược liệu chưa thực sự "mặn mà".
Theo ông Hoàng Khánh Duy - Phó Trưởng Ban Quản lý Khu Kinh tế cửa khẩu Đồng Đăng (Lạng Sơn), trong 2 năm thí điểm, Ban Quản lý và các sở, ngành liên quan đã triển khai nhiều giải pháp thu hút DN NK qua cửa khẩu Chi Ma và cũng vận động các DN kinh doanh kho, bãi đầu tư kho bảo quản,... Đồng thời, phía Ban Quản lý cũng tăng cường trao đổi, hội đàm và gửi thư công tác đến Chính phủ nhân dân huyện Ninh Minh (Trung Quốc) đề nghị thực hiện đầu tư nâng cấp hạ tầng kho bãi khu vực cửa khẩu Ái Điểm (Trung Quốc); tiếp tục tuyên truyền quảng bá tiềm năng, thế mạnh của cặp cửa khẩu song phương Chi Ma - Ái Điểm, nhất là về những ưu thế trong hoạt động NK dược liệu; tiếp tục đầu tư máy kiểm nghiệm dược liệu, nhằm rút ngắn thời gian kiểm nghiệm mẫu các lô hàng NK…
Hải quan Chi Ma cũng đã chủ động gặp gỡ một số DN hoạt động lĩnh vực NK dược liệu để thu hút làm thủ tục nhập mặt hàng này qua cửa khẩu. Cũng đã có một số DN đến khảo sát về các điều kiện cơ sở hạ tầng, kho bãi ngoại quan…, nhưng sau đó, DN vẫn không quyết định thay đổi.
Mặc dù đã có nhiều nỗ lực, song với thực tế là mục tiêu đặt ra đã không đạt được, do vậy, tỉnh Lạng Sơn đã đề nghị và ngày 30/10 vừa qua, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 210/NQ-CP về việc chấm dứt Đề án thí điểm NK dược liệu theo Nghị quyết số 111/NQ-CP ngày 23/9/2021 của Chính phủ về việc thực hiện Đề án thí điểm NK dược liệu qua cửa khẩu song phương Chi Ma (Lạng Sơn). Tỉnh Lạng Sơn sẽ nghiên cứu báo cáo Chính phủ việc thực hiện NK dược liệu qua cửa khẩu Chi Ma vào thời điểm thích hợp./.