Đi tìm ẩn số

Với khá nhiều sự vụ bê bối nghiêm trọng liên quan đến công tác phòng chống dịch bị phanh phui từ cuối năm ngoái như vụ kit xét nghiệm Việt Á, đã khiến ít nhất hai ủy viên Trung ương Đảng liên quan; hay tiêu cực trong thực thi các chuyến bay “giải cứu” mà có ít nhất một thứ trưởng, một cục trưởng của Bộ Ngoại giao đã bị đưa đến nhà giam… Công tác phòng chống Covid-19 trở thành “lãnh địa” chứa nhiều ẩn số về tội phạm tham nhũng.

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ chủ trì phiên họp thứ 10 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội  từ ngày 14/4 đến 26/4/2022.
Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ chủ trì phiên họp thứ 10 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội từ ngày 14/4 đến 26/4/2022.

Vào đầu năm nay, Kiểm toán Nhà nước đã bắt tay triển khai cuộc kiểm toán chuyên đề “Việc huy động, quản lý, sử dụng các nguồn lực phục vụ công tác phòng, chống dịch Covid-19 và các chính sách hỗ trợ”. Cuộc kiểm toán kéo dài trong 60 ngày, từ ngày 16/2/2022 đến 16/4/2022. Niên độ kiểm toán là từ ngày 1/1/2020 đến 31/12/2021.

Mục tiêu kiểm toán chung là: đánh giá công tác quản lý, điều hành của các bộ, cơ quan trung ương trong việc huy động, quản lý, sử dụng các nguồn lực phục vụ công tác phòng, chống dịch Covid-19; phản ánh thực trạng tình hình quản lý, sử dụng các nguồn kinh phí từ nguồn ngân sách nhà nước (NSNN) và từ việc huy động, quản lý, sử dụng các nguồn lực phục vụ công tác phòng, chống dịch Covid-19 và các chính sách hỗ trợ; phát hiện những bất cập để kiến nghị sửa đổi cơ chế, chính sách, đề xuất giải pháp khắc phục hạn chế trong quá trình quản lý, điều hành, tổ chức thực hiện; cung cấp những thông tin, số liệu tin cậy cho Quốc hội, Chính phủ…

Nguồn: Kiểm toán Nhà nước					  		                     Đồ họa: Thế Dương
Nguồn: Kiểm toán Nhà nước Đồ họa: Thế Dương

Tổng hợp sơ bộ, tính đến 14/10/2021, số kinh phí đã vận động được là 20.646,4 tỷ đồng, trong đó đã phân bổ, sử dụng 17.387 tỷ đồng. Kinh phí NSNN năm 2021 đã cấp thực hiện phòng chống dịch Covid-19 là 30.489,9 tỷ đồng, trong đó các bộ, cơ quan trung ương đã sử dụng 25.335,78 tỷ đồng; hỗ trợ các địa phương trong niên độ 2021 là 5.154 tỷ đồng. Ngoài ra, các tập đoàn, doanh nghiệp trong nước đã hỗ trợ 1.449 máy thở chức năng cao; 3.700 máy thở sản xuất trong nước; 2.100 hệ thống thở ô xy dòng cao HFNC; 100 máy xét nghiệm và 63 máy tách chiết, 63 xe ô tô vận chuyển vắc-xin, 63 xe tiêm lưu động, 20 xe xét nghiệm lưu động; 23 tủ âm sâu; 156 triệu bơm kim tiêm, 800.000 hộp an toàn; 9,7 triệu dung dịch pha vắc-xin tiêm chủng; 10.959.800 test nhanh; 196.860 test kháng thể; 200.000 test PCR…

Tại Kỳ họp thứ 3, Quốc hội sẽ quyết chương trình hoạt động giám sát của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội năm 2023. Để chuẩn bị cho chương trình này, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã bỏ phiếu về 5 chuyên đề giám sát. Chuyên đề 1 về việc huy động, quản lý và sử dụng các nguồn lực phục vụ công tác phòng, chống dịch Covid-19, nhận được 17/18 phiếu đồng ý của ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội.

Hàng loạt vấn đề nóng

Nhưng việc nóng không chỉ có vậy. Kỳ họp thứ 3, sẽ diễn ra trong một tháng tới, cho đến lúc này, khi phiên họp thứ 10 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội kéo dài từ 14/4 đến 26/4/2022 tiến hành xem xét các nội dung bàn trong Kỳ họp thứ 3, thì đã có tới hàng loạt vấn đề nóng xếp hàng chờ lên bàn nghị sự.

Đừng chỉ chăm chăm vào báo cáo

“Khi giám sát, đừng chỉ chăm chăm vào các báo cáo, bởi các báo cáo chỉ là những con số và những con số, đôi khi lại khác xa so với thực tế. Giám sát là phải lắng nghe thông tin nhiều chiều, nhiều nguồn, phải mắt thấy tai nghe, phải nhanh nhậy nắm bắt. Mỗi cuộc giám sát đều phải kỹ lưỡng, bài bản, quyết liệt ngay từ trong khâu chuẩn bị đến tổ chức triển khai. Như vừa rồi chúng ta thực hiện các chuyên đề giám sát tối cao về quy hoạch, về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí… đã tạo ra ngay những chuyển biến trong thực tế. Một số địa phương đã quyết liệt thu hồi hàng chục nghìn ha đất dự án treo”. - Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ

Điển hình trong đó là câu chuyện xử lý nợ xấu. Kỳ họp thứ 3 sẽ xem xét gia hạn việc thực hiện Nghị quyết 42 ngày 21/6/2017 của Quốc hội về thí điểm xử lý nợ xấu của các tổ chức tín dụng. Nghị quyết 42 sẽ hết hiệu lực thi hành kể từ ngày 15/8/2022. Khi hết hiệu lực thi hành, toàn bộ cơ chế ưu tiên trong xử lý nợ xấu sẽ chấm dứt. Trước sự quá chậm trễ trong xử lý nợ xấu, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ gay gắt “đừng coi việc gia hạn là công cụ để có thể tiếp tục trì trệ”.

Báo cáo của Chính phủ về nội dung này cho biết, tại thời điểm ban hành Nghị quyết 42, nợ xấu là 542.000 tỷ đồng, sau đó phát sinh thêm khoảng 251.000 tỷ đồng đưa tổng nợ xấu là 793.000 tỷ đồng. Đến nay, đã giải quyết được 380.200 tỷ đồng, con số tổng nợ xấu chưa xử lý xác định theo Nghị quyết số 42 của toàn hệ thống các tổ chức tín dụng đến ngày 31/12/2021 là 412.700 tỷ đồng. “Một nghị quyết ra đời xử lý chỉ được 48%, trong khi còn “đẻ” thêm đến mấy chục phần trăm, thành ra lũy kế lại mới chỉ xử lý được 17% thì kết quả hết sức hạn chế. Phải nói thẳng như thế!” - Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh

Để nợ xấu bớt xấu, Chủ tịch Quốc hội yêu cầu Chính phủ khi báo cáo trước Quốc hội về tình hình này phải phân tích, làm rõ về thực trạng nợ xấu, kết quả xử lý nợ xấu, phân tích thực trạng nợ xấu của các tổ chức tín dụng (TCTD) tại thời điểm 31/12/2021 và kết quả xử lý nợ xấu nói chung, trong đó có các biện pháp xử lý như trích lập dự phòng rủi ro, mua bán nợ của các TCTD; kết quả xử lý nợ xấu của Công ty Quản lý tài sản của các TCTD Việt Nam (VAMC); báo cáo rõ về nợ xấu trong các lĩnh vực như bất động sản, chứng khoán, tín dụng tiêu dùng, trái phiếu doanh nghiệp, cho vay BOT; lãi dự thu, sở hữu chéo… Đồng thời, báo cáo phải phân tích ảnh hưởng của dịch Covid-19 đến kết quả xử lý nợ xấu theo Nghị quyết số 42; ảnh hưởng của việc thực hiện quyền thu giữ tài sản bảo đảm của khoản nợ xấu đối với công tác giữ gìn an ninh, trật tự, an toàn xã hội.

Dấu hỏi PPP

Sốt ruột với công cuộc thúc GDP “bật dậy”, Chính phủ liên tục trình dự án lên Quốc hội. Theo đó, tại Kỳ họp thứ 3, Chính phủ đề xuất Quốc hội xem xét cho 5 dự án quan trọng quốc gia gồm dự án Vành đai 4 vùng Thủ đô Hà Nội; dự án Vành đai 3 TP. Hồ Chí Minh; dự án Đường bộ cao tốc Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng; dự án Đường bộ cao tốc Khánh Hòa - Buôn Ma Thuột và dự án Đường bộ cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu.

Tuy nhiên, Ủy ban Thường vụ Quốc hội chỉ tán thành đưa vào chương trình Kỳ họp thứ 3 việc xem xét, quyết định với dự án đường Vành đai 4 vùng Thủ đô Hà Nội và Vành đai 3 TP. Hồ Chí Minh. 3 dự án còn lại, Ủy ban Thường vụ Quốc hội thấy còn khá nhiều vấn đề quan ngại nên thống nhất chưa trình Quốc hội tại Kỳ họp thứ 3 tới.

Một trong những vấn đề đáng quan ngại, theo Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - Ngân sách của Quốc hội Nguyễn Phú Cường, nếu chuyển tất cả các dự án đầu tư theo hình thức hợp tác đối tác công – tư (PPP) sang thực hiện theo hình thức đầu tư công sẽ không tốt cho cân đối ngân sách. Cùng đó, một số nghị quyết của Quốc hội đã khẳng định lấy đầu tư công để dẫn dắt đầu tư tư.

“Hiện nay, một số doanh nghiệp đã có văn bản đề nghị tham gia đầu tư vào những tuyến có khả năng thu hồi vốn tốt như tuyến Biên Hòa - Vũng Tàu, Nha Trang - Buôn Mê Thuột… Vậy tại sao không đầu tư theo hình thức PPP để giảm áp lực cho ngân sách?" - Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - Ngân sách đặt câu hỏi. Và đó cũng là câu hỏi mà Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đặt ra nhiều lần trên hành trình xuyên tết, xuyên Việt để kiểm tra tiến độ dự án cao tốc Bắc Nam hồi tháng 2 vừa qua. Đó là câu hỏi cần đặt lên bàn nghị sự để tìm câu trả lời.