Việt Nam chịu tác động ra sao nếu xung đột Hamas - Israel leo thang?
Trong quý vừa qua, Việt Nam đã khôi phục xuất khẩu. Ảnh: TL

Giá dầu tăng khiến lạm phát toàn cầu tăng

Giá dầu đã tăng 4% ngay sau vụ tấn công của Hamas vào Israel và đến ngày 13/10, giá dầu đã tăng lên 6%. Tuy Israel không phải là một nhà sản xuất dầu lớn, nhưng vị trí địa chính trị và khả năng leo thang của xung đột đã khiến nước này trở thành tâm điểm của sự quan tâm trên thị trường dầu mỏ. Trung Đông, với vai trò là một trong những nguồn cung dầu lớn nhất thế giới, luôn là tâm điểm của sự biến động khi có xung đột. Theo dự báo của các chuyên gia, xung đột có khả năng đẩy giá dầu tiếp tục tăng.

Cuộc chiến không chỉ làm tăng giá dầu do lo ngại về sự gián đoạn nguồn cung, mà còn làm tăng thêm mối lo về các sự kiện địa chính trị ảnh hưởng các chỉ số kinh tế toàn cầu. Tại Hội nghị thường niên mùa Thu của Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) và Ngân hàng Thế giới (WB) vừa diễn ra, các bộ trưởng tài chính và giới quan chức đã cảnh báo cuộc xung đột đang lan rộng ở Trung Đông có thể gây ra mối đe dọa mới cho nền kinh tế toàn cầu, ngay khi thế giới vừa thoát khỏi những cú sốc do đại dịch Covid-19 và xung đột ở Ukraine gây ra.

Người đứng đầu IMF - Kristalina Georgieva đã cảnh báo về một “đám mây che phủ nền kinh tế toàn cầu vốn đã không tươi sáng”, thể hiện quan ngại chung của các đại biểu tham dự sự kiện rằng, triển vọng trung hạn của nền kinh tế toàn cầu là không mấy khả quan. Điều này không chỉ ảnh hưởng đến niềm tin của nhà đầu tư, mà còn tạo ra một làn sóng lạm phát nữa cho các nền kinh tế mới chỉ bắt đầu phục hồi sau một loạt cú sốc giá cả. IMF tin rằng, giá dầu sẽ tăng 10%, nhiều khả năng sẽ làm tăng lạm phát toàn cầu khoảng 0,4 điểm phần trăm.

Kinh tế Việt Nam chịu tác động đa chiều

Trả lời phóng viên TBTCVN về tác động của cuộc xung đột Hamas - Israel, TS. Nguyễn Quốc Việt - Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu Kinh tế và Chính sách (VEPR) cho rằng, kinh tế Việt Nam sẽ chịu tác động không nhỏ nếu cuộc xung đột này tiếp tục leo thang.

Cần thúc đẩy thị trường trong nước

Theo TS. Nguyễn Quốc Việt, cuộc xung đột Hamas - Israel là tác động từ bên ngoài, trong khi nền kinh tế Việt Nam rất mở, nên trong ngắn hạn, để tránh khỏi những tác động tiêu cực là không thể. Về lâu dài, Việt Nam cần duy trì một nền kinh tế tự lực tự cường để có thể thích ứng và chống chịu được với những cú shock từ bên ngoài. Vì vậy, cần thúc đẩy năng suất và hiệu quả của chính các doanh nghiệp Việt, thúc đẩy phát triển thị trường trong nước.

Trước hết là những tác động trực tiếp. Dù quan hệ thương mại và đầu tư hai chiều giữa Việt Nam và Israel chưa nhiều, nhưng trong bối cảnh xung đột như hiện nay thì những quan hệ này sẽ bị ngưng trệ. Một kỳ vọng rất lớn nữa là Việt Nam và Israel đang trong quá trình đàm phán ký hiệp định thương mại tự do song phương nên chắc chắn cuộc xung đột sẽ làm ngưng trệ khả năng thúc đẩy hợp tác đầu tư mà Việt Nam kỳ vọng.

Theo TS. Nguyễn Quốc Việt, bất cứ một cuộc xung đột địa chính trị nào, nhất là xung đột mang tính chất vũ trang sẽ khiến cho sự phòng thủ kinh tế tăng lên. Mọi người sẽ lo sợ dẫn đến giảm tổng cầu tiêu dùng. Điều này chắc chắn sẽ ảnh hưởng đến xuất khẩu của Việt Nam. Trong quý vừa qua, Việt Nam đã khôi phục về xuất khẩu, nhưng với tác động của cuộc xung đột Trung Đông, cùng với các cuộc xung đột khác vẫn còn dai dẳng thì cuối năm nay và trong năm sau, xuất khẩu của Việt Nam sẽ tiếp tục bị ảnh hưởng.

Bên cạnh đó, cuộc xung đột sẽ làm đứt gãy các chuỗi cung ứng, ảnh hưởng đến nguồn cung về năng lượng, nhất là dầu mỏ. Theo vị chuyên gia này, khi cuộc chiến lan rộng và có thể cuốn theo nhiều quốc gia khác trong khu vực Trung Đông, đặc biệt là các nước Ả Rập, rất có thể các quốc gia Ả Rập sẽ gây sức ép bằng các biện pháp gắn với nguồn cung dầu mỏ của họ. Điều đó cũng sẽ ảnh hưởng đến nền kinh tế Việt Nam bởi vì Việt Nam vẫn phụ thuộc vào nguồn cung năng lượng của thế giới.

Một yếu tố nữa chắc chắn sẽ ảnh hưởng tới Việt Nam, đó là xu thế tái chuyển dịch các chuỗi cung ứng và thương mại đầu tư quốc tế. Khi có những căng thẳng địa chính trị thì các nhà đầu tư sẽ quay về đầu tư trong nước, hoặc các nước gần gũi hơn. Các dòng đầu tư từ các bạn hàng chính của Việt Nam như châu Âu, Hoa Kỳ trong bối cảnh căng thẳng địa chính trị khu vực Trung Đông vẫn tiếp tục leo thang sẽ bị ảnh hưởng. Chưa kể, việc vừa mở ra kỳ vọng hợp tác liên quan đến các nước Ả Rập khi Thủ tướng Phạm Minh Chính mới có chuyến công du khu vực này cũng sẽ gặp khó khăn khi mà những nước này bị cuốn vào vòng xoáy xung đột nếu tình hình chiến sự tiếp tục leo thang mở rộng.

Ngoài ra, với ảnh hưởng về tài chính, theo chuyên gia của Đại học RMIT Việt Nam, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) sẽ phải đối mặt với một thách thức lớn khi giá dầu toàn cầu tăng vọt do xung đột giữa Hamas và Israel tiếp tục leo thang. Trong năm 2023, NHNN đã áp dụng chính sách tiền tệ nới lỏng, giảm 150 điểm cơ bản lãi suất chính sách từ tháng 3 đến tháng 6, nhằm kích thích tăng trưởng kinh tế. Tuy nhiên, tốc độ tăng trưởng tín dụng chỉ đạt 6,9% vào tháng 9, cho thấy những kết quả mong đợi vẫn chưa thực sự đạt được. Khi nền kinh tế thế giới khó khăn do xung đột nổ ra, tâm lý phòng thủ sẽ khiến người ta tích trữ những tài sản có giá trị như USD, vàng dẫn đến lãi suất giữa Việt Nam đồng và USD sẽ biến động.

TS. NGUYỄN TRÍ HIẾU - CHUYÊN GIA KINH TẾ: Xung đột có thể khiến lạm phát của Việt Nam tăng

Việt Nam chịu tác động ra sao nếu xung đột Hamas - Israel leo thang?

Cuộc xung đột này sẽ tác động tới kinh tế Việt Nam qua việc giá dầu tăng. Nếu tình hình chiến sự tiếp tục căng thẳng thì giá dầu có thể lên tới ngưỡng 90 - 100 USD/thùng trong vòng vài tuần tới. Việt Nam cũng là nước xuất khẩu dầu nhưng là bán dầu thô và nhập về dầu đã qua chế biến nên giá dầu thế giới mà tăng sẽ ảnh hưởng đến nền kinh tế Việt Nam.

Giá xăng của Việt Nam hiện nay trung bình ở mức khoảng 23.000 đồng/lít. Nếu giá dầu tăng lên đến 100 USD/thùng thì sẽ đẩy giá xăng tại Việt Nam lên tới mức 26.000 - 27.000 đồng/lít. Giá dầu tăng sẽ đẩy lạm phát lên, vì giá xăng dầu tăng sẽ xảy ra hiện tượng “té nước theo mưa” khiến tất cả các mặt hàng khác cũng bị đội giá lên. Lạm phát của Việt Nam có thể tăng lên mức trên 5% trong năm nay nếu giá dầu trên thế giới lên đến mức 100 USD/thùng. Lạm phát cao sẽ ảnh hưởng đến tăng trưởng nền kinh tế của Việt Nam do khi chi phí sản xuất tăng.

TS. BÙI DUY TÙNG - GIẢNG VIÊN KINH TẾ (ĐẠI HỌC RMIT): Áp lực lên chính sách tiền tệ và tỷ giá

Việt Nam chịu tác động ra sao nếu xung đột Hamas - Israel leo thang?

Tăng giá dầu do cuộc xung đột Israel - Hamas không chỉ ảnh hưởng đến giá cả vận tải hàng hóa, mà còn lan tỏa đến các mặt hàng khác, như giá lương thực, từ đó tăng áp lực lên lạm phát. Đối với Việt Nam, một quốc gia phụ thuộc vào nhập khẩu dầu, tình hình càng trở nên khó khăn. Trong bối cảnh này, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) phải cân nhắc giữa việc thắt chặt chính sách tiền tệ để kiểm soát lạm phát và việc duy trì tăng trưởng kinh tế.

Khi giá dầu tăng, nhu cầu ngoại tệ để nhập khẩu dầu cũng tăng theo, có thể đẩy giá trị của đồng Việt Nam xuống. Một đồng tiền yếu hơn có thể tạo ra tác động truyền dẫn đến lạm phát, khi giá của các mặt hàng nhập khẩu, bao gồm dầu tăng, tính theo đồng nội tệ.

Sự mất giá của đồng tiền có thể làm phức tạp thêm các nỗ lực kiểm soát lạm phát của NHNN. Trong bối cảnh này, Việt Nam có thể phải đối mặt với một loạt các quyết định khó khăn về chính sách tiền tệ và quản lý tỷ giá hối đoái để đảm bảo ổn định kinh tế.

Mai Lâm (ghi)