Sáng 22/4, Diễn đàn Đầu tư Đổi mới sáng tạo Việt Nam 2025 (VIPC Summit 2025) do Trung tâm Đổi mới sáng tạo Quốc gia (NIC), thuộc Bộ Tài chính, phối hợp với Tổ chức Phát triển vốn đầu tư tư nhân, Quỹ đầu tư Golden Gate Ventures và Do Ventures tổ chức đã diễn ra tại Hà Nội.

Khơi thông dòng vốn cho đổi mới sáng tạo

Phát biểu khai mạc Diễn đàn, Thứ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Đức Tâm cho hay, đây là sự kiện thường niên được tổ chức lần đầu từ năm 2019 đến nay. Với sự tham gia của hơn 10.000 đại biểu, quy tụ trên 200 diễn giả uy tín trong nước và quốc tế cùng hàng trăm quỹ đầu tư mạo hiểm và tổ chức tài chính toàn cầu, sự kiện từng bước góp phần định vị Việt Nam là điểm đến tiềm năng của dòng vốn trong lĩnh vực đổi mới sáng tạo trong khu vực Đông Nam Á, hiện thực hóa tiềm năng thu hút các quỹ đầu tư tư nhân và tổ chức tài chính quốc tế, tạo không gian trao đổi về xu hướng đầu tư công nghệ tại Việt Nam.

Việt Nam đang thu hút dòng vốn vào các công nghệ thế hệ mới
Thứ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Đức Tâm phát biểu. Ảnh: Đức Minh

Việt Nam đang nổi lên như một trung tâm hàng đầu về đầu tư và các công ty khởi nghiệp AI trong khu vực, với nền kinh tế dự kiến sẽ thu về tới 120 tỷ đô la Mỹ lợi nhuận từ AI.

Các công ty khởi nghiệp AI của Việt Nam đang có được động lực mạnh mẽ, vượt qua các nước trong khu vực để vươn lên vị trí thứ 2 ở Đông Nam Á. AI được dự báo sẽ đóng góp hơn 120 tỷ đô la Mỹ vào nền kinh tế Việt Nam vào năm 2040.

Thứ trưởng Nguyễn Đức Tâm nêu rõ, thời gian qua, Việt Nam được ghi nhận là điểm sáng về đổi mới sáng tạo khi hợp tác, thu hút được các doanh nghiệp công nghệ hàng đầu thế giới trong lĩnh vực bán dẫn, trí tuệ nhân tạo, chuyển đổi số, chuyển đổi xanh, đầu tư, kinh doanh và chuyển giao công nghệ như NVIDIA, Marvell, Google, Meta, Cadence, Qualcomm, Siemen... theo đó, thuộc top 15 quốc gia hấp dẫn FDI nhất toàn cầu; chỉ số đổi mới sáng tạo liên tục tăng và được xếp hạng 44/132 quốc gia, vùng lãnh thổ.

Tiếp nối các thành công nêu trên, diễn đàn được tổ chức là sự kiện nhằm tiếp tục khẳng định vai trò là kênh kết nối chính sách giữa nhà nước và khu vực tư nhân, hướng tới thu hút hiệu quả dòng vốn đầu tư cho các lĩnh vực công nghệ chiến lược với các kết quả hướng tới là: Thúc đẩy vai trò của vốn tư nhân trong phát triển hệ sinh thái đổi mới sáng tạo; Thiết lập nền tảng đối thoại chính sách thường niên giữa khu vực công và tư trong lĩnh vực đầu tư cho đổi mới sáng tạo và công nghệ; Tăng cường kết nối giữa Chính phủ, nhà đầu tư, doanh nghiệp công nghệ và tổ chức tài chính trong nước và quốc tế; Công bố Báo cáo Đổi mới sáng tạo và Đầu tư công nghệ 2025 và Thúc đẩy hợp tác đầu tư trong các lĩnh vực công nghệ trọng điểm.

Việt Nam đang thu hút dòng vốn vào các công nghệ thế hệ mới
Phó Thủ tướng Nguyễn Chí Dũng cùng các đại biểu tham dự Diễn đàn. Ảnh: Đức Minh

Đòn bẩy đưa Việt Nam bứt phá

Theo ông Vũ Quốc Huy, Giám đốc NIC, sự kiện quy mô lớn này hướng tới mục tiêu thu hút mạnh mẽ các nguồn vốn cho phát triển khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo trụ cột then chốt trong chiến lược tăng trưởng bền vững của Việt Nam. Việc thu hút nguồn lực đầu tư, đặc biệt là vốn tư nhân, chính là đòn bẩy quyết định để Việt Nam bứt phá trong kỷ nguyên đổi mới sáng tạo. Theo đó, VIPC Summit 2025 sẽ là chất xúc tác quan trọng thúc đẩy dòng vốn tư nhân chảy mạnh vào các lĩnh vực công nghệ chiến lược, góp phần kiến tạo một hệ sinh thái đổi mới sáng tạo năng động, hiệu quả và bền vững.

Báo cáo “Đầu tư Đổi mới Sáng tạo và Đầu tư Vốn Tư nhân Việt Nam 2025” do Tổ chức Phát triển Đầu tư Vốn Tư nhân Việt Nam (VPCA), NIC và Tập đoàn Tư vấn Boston (BCG) đồng thực hiện được công bố tại Diễn đàn cho thấy, Việt Nam không chỉ sẵn sàng đón nhận vốn đầu tư mà còn sẵn sàng để dẫn dắt dòng vốn.

Theo báo cáo, Việt Nam đang nổi lên là điểm nóng của các lĩnh vực công nghệ thế hệ mới. Gần 100 quỹ đầu tư đã rót vốn vào các công ty khởi nghiệp công nghệ trong nước. Các nhà đầu tư đến từ Singapore dẫn đầu với tổng giá trị đầu tư 529 triệu USD. Dù giảm 17% so với năm trước, mức giảm này vẫn được đánh giá tích cực trong bối cảnh thị trường toàn cầu lao dốc tới 35%. Điều đó chứng tỏ Việt Nam đang nổi lên như một điểm đến ổn định, hấp dẫn với các nhà đầu tư quốc tế.

Việt Nam đang thu hút dòng vốn vào các công nghệ thế hệ mới
Các diễn giả tham gia thảo luận tại Diễn đàn. Ảnh: Đức Minh

Không chỉ duy trì sức hút, thị trường Việt Nam còn ghi nhận sự dịch chuyển dòng vốn vào các lĩnh vực có hàm lượng công nghệ cao như trí tuệ nhân tạo, năng lượng, bán dẫn… Những tín hiệu này phản ánh rõ chiến lược đầu tư dài hạn vào những ngành kinh tế tương lai, đồng thời cho thấy sức bật từ nguồn nhân lực chất lượng cao và chính sách mở cửa mạnh mẽ từ Chính phủ. "Việt Nam đang bước vào thời kỳ vàng để nâng cao vị thế cạnh tranh toàn cầu thông qua đổi mới sáng tạo", ông Huy nhấn mạnh.

Kế thừa kết quả tích cực từ các kỳ Diễn đàn trước, diễn đàn năm nay đã thu hút sự quan tâm của các quỹ đầu tư tư nhân, tổ chức tài chính quốc tế, tạo không gian trao đổi về xu hướng đầu tư công nghệ, đồng thời phân tích cơ hội và thách thức của thị trường vốn tư nhân tại Việt Nam. Trên cơ sở đó Diễn đàn là một trong những địa chỉ tin cậy thể hiện rõ cam kết của Chính phủ và Bộ Tài chính trong việc khơi thông dòng vốn cho đổi mới sáng tạo.

Báo cáo “Đầu tư đổi mới sáng tạo và Đầu tư vốn tư nhân Việt Nam 2025” cho biết, lĩnh vực khởi nghiệp AI của Việt Nam đã chứng kiến sự tăng trưởng đáng kể về đầu tư trong năm 2024. Tổng vốn đầu tư cho các công ty khởi nghiệp AI đã tăng từ 10 triệu đô la Mỹ vào năm 2023 lên 80 triệu đô la Mỹ vào năm 2024, tương đương mức tăng gấp 8 lần”.

Bên cạnh đó, đầu tư vào AgriTech (công nghệ nông nghiệp) tăng gấp 9 lần, với tổng vốn đầu tư tăng vọt từ 8 triệu đô la Mỹ vào năm 2023 lên 74 triệu đô la Mỹ vào năm 2024.

Sự gia tăng đáng kể của dòng vốn đầu tư này cho thấy sự phân bổ chiến lược nguồn lực vào các giải pháp dựa trên công nghệ, đặc biệt trong các lĩnh vực như nông nghiệp chính xác, số hóa chuỗi cung ứng và các mô hình kinh doanh nông nghiệp bền vững.