Đây là khẳng định của Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Trần Duy Đông, khi tham dự Diễn đàn Chuỗi sản xuất thông minh và chuỗi cung ứng toàn cầu Việt Nam 2024, do Công ty cổ phần Đầu tư bất động sản công nghiệp và cho thuê A+ phối hợp các đơn vị tổ chức. Diễn ra trong cả ngày 26/3 tại Hà Nội, diễn đàn đã thu hút hơn 300 doanh nghiệp quốc tế cùng khoảng 600 đại biểu đã tham dự.

Việt Nam sẵn sàng đón làn sóng đầu tư vào chuỗi sản xuất thông minh
Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Trần Duy Đông phát biểu tại diễn đàn.

Phát biểu tại diễn đàn, Thứ trưởng Trần Duy Đông đã cập nhật thông tin với các nhà đầu tư về chính sách thu hút đầu tư nước ngoài của Việt Nam. Theo Thứ trưởng, Việt Nam định hướng thu hút đầu tư có chọn lọc hướng đến các dự án công nghệ cao, có giá trị gia tăng cao và có tính lan tỏa, kết nối với các doanh nghiệp trong nước. Trong đó, đổi mới sáng tạo, sản xuất thông minh là một trong các lĩnh vực ưu tiên thu hút đầu tư trong giai đoạn hiện nay.

Đặc biệt, lĩnh vực sản xuất điện tử, chíp bán dẫn, sản xuất thông minh hiện là một trong các lĩnh vực ưu tiên thu hút đầu tư. Chính phủ đã giao các bộ, ngành triển khai nhiều công việc, thể hiện sự sẵn sàng và mong muốn đón nhận làn sóng đầu tư mới trong ngành này tại Việt Nam.

Cụ thể, Chính phủ giao Bộ Thông tin và Truyền thông xây dựng Chiến lược phát triển ngành bán dẫn Việt Nam đến năm 2030; giao cho Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì, xây dựng Đề án phát triển nguồn nhân lực cho ngành bán dẫn tại Việt Nam đến năm 2030, với mục tiêu rất cụ thể là đào tạo 50.000 kỹ sư ngành bán dẫn…

Theo Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư, sự cạnh tranh giữa các quốc gia trong khu vực và trên thế giới về thu hút FDI và đặc biệt là đối với ngành điện tử, bán dẫn đang rất khốc liệt vì tiềm năng ngành này rất lớn. “Nước nào nhanh nhạy, có những chính sách phù hợp, quyết liệt thì sẽ làm chủ và tranh thủ được làn sóng mới” - Thứ trưởng Trần Duy Đông đánh giá.

Bên cạnh nhiều cơ chế chính sách hỗ trợ cho các ngành công nghệ cao, Quốc hội cũng đã thông qua nghị quyết, giao Chính phủ xây dựng nghị định về quỹ hỗ trợ đầu tư, trong đó dự kiến sẽ có những hỗ trợ thích đáng đối với lĩnh vực công nghệ cao, điện tử, bán dẫn. Hiện, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đang khẩn trương dự thảo nghị định này và sẽ trình Chính phủ ban hành trong thời sắp tới, Thứ trưởng thông tin thêm.

Ở các địa phương, các điều kiện cần thiết để thu hút đầu tư cũng đã được đảm bảo sẵn sàng. Các địa phương đã đẩy mạnh giải phóng mặt bằng, hình thành các mặt bằng sạch để có thể cung cấp cho các doanh nghiệp điện tử, bán dẫn. Hạ tầng giao thông chiến lược kết nối các trung tâm kinh tế, cảng biển, sân bay cũng đang được tăng cường…

Việt Nam sẵn sàng đón làn sóng đầu tư vào chuỗi sản xuất thông minh
Diễn đàn đã thu hút hơn 300 doanh nghiệp quốc tế cùng khoảng 600 đại biểu đã tham dự.

Cùng đánh giá cao tầm quan trọng của chủ đề thảo luận tại diễn đàn, TS. Lê Minh Nghĩa - Chủ tịch Hiệp hội Tư vấn tài chính Việt Nam, cho biết sản xuất thông minh đang trở thành một xu thế tất yếu với việc ứng dụng công nghệ số hóa vào hoạt động sản xuất nhằm nâng cao chất lượng sản phẩm, dịch vụ và năng suất lao động, tiết kiệm đáng kể chi phí, bảo vệ môi trường cũng như tăng cường khả năng cạnh tranh và hiệu quả trong kinh doanh.

Các dự án đầu tư vào Việt Nam, nhất là dự án đầu tư vào các ngành nghề sản xuất thông minh, hàm lượng tri thức cao, trí tuệ nhân tạo, công nghệ cao, công nghiệp hỗ trợ luôn được Chính phủ đặc biệt quan tâm hỗ trợ và cam kết tạo môi trường kinh doanh công bằng, thuận lợi cho các doanh nghiệp phát triển.

Tại diễn đàn, đại diện các doanh nghiệp, hiệp hội, nhà đầu tư trong và ngoài nước đã đưa ra những đề xuất, kiến nghị về chính sách ưu đãi đầu tư đối với ngành công nghiệp bán dẫn như chính sách thuế; bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ cho ngành công nghệ mới; cơ chế đối với các trung tâm nghiên cứu và phát triển (R&D); phát triển hạ tầng số...

Trên cơ sở đề xuất của doanh nghiệp, Bộ Kế hoạch và Đầu tư sẽ cùng với các bộ, ngành tổng hợp, nghiên cứu, báo cáo Thủ tướng Chính phủ trong thời gian tới để đưa ra những chính sách thu hút đầu tư có tính cạnh tranh cao.

Các đại biểu tham gia diễn đàn đánh giá, việc tổ chức Diễn đàn Chuỗi sản xuất thông minh và chuỗi cung ứng toàn cầu Việt Nam 2024 có ý nghĩa rất lớn nhằm thu hút, khuyến khích các nhà đầu tư, doanh nghiệp quốc tế đầu tư, tạo sự kết nối và thúc đẩy Việt Nam tham gia vào chuỗi sản xuất thông minh và chuỗi cung ứng toàn cầu, tập trung vào việc ứng dụng công nghệ đổi mới và quản lý hiệu quả để nâng cao sức cạnh tranh của chuỗi cung ứng tại Việt Nam; xây dựng và củng cố mối quan hệ hợp tác với các doanh nghiệp và tổ chức quốc tế…